Nông thôn Bình Phước đổi thay nhờ cơ chế đặc thù

Trần Đáng Thứ sáu, ngày 31/08/2018 18:30 PM (GMT+7)
Nhờ cơ chế đặc thù, tỉnh hỗ trợ xi măng, huyện đối ứng cát, đá và người dân góp công, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã có khoảng 1.000km đường đất được bê tông hóa.
Bình luận 0

Theo Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Bình Phước, năm 2017, toàn tỉnh đã bê tông hóa gần 500km đường nông thôn. Năm 2018, tỉnh bảo lãnh 60.000 tấn xi măng. 

Giao thông hoàn thiện

Năm 2015, tách ra từ huyện Bù Gia Mập, huyện Phú Riềng trong tình trạng thiếu đồng bộ về cơ sở hạ tầng, giao thông đi lại khó khăn, trong số khoảng 137km đường liên xã chỉ có 88km được nhựa hóa, đang xuống cấp trầm trọng. Hơn 90% của 500km đường liên thôn, xóm là đường đất và sỏi đỏ. Hạ tầng giao thông yếu kém đã làm trì trệ, kìm hãm sự phát triển kinh tế của huyện.

img

 Nhân dân sóc Bù Tôm (thôn 7, xã Đoàn Kết, Bù Đăng) triển khai bê tông hóa đường nông thôn. Ảnh: Trần Đáng

Thời gian tới, mỗi năm, Bình Phước phấn đấu làm thêm 500km đường bê tông. Tỉnh vừa bố trí nguồn lực, bảo lãnh xi măng để thực hiện trên phạm vi 111 xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa phương phấn đấu về đích NTM.

Để vực dậy kinh tế địa phương, huyện Phú Riềng đã quyết định phải nâng cấp giao thông trên địa bàn nhằm tạo thuận lợi cho giao thương phát triển. UBND huyện đã tham mưu cấp trên cho phép Phú Riềng xây dựng giao thông nông thôn theo cơ chế đặc thù, trong đó ưu tiên nguồn lực xây dựng 2 xã Bù Nho và Phú Riềng đạt các tiêu chí NTM.

Năm 2017, huyện Phú Riềng đã đầu tư hơn 110 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp khoảng 6,5 tỷ làm 117,2km đường nhựa; 31,4km đường bê tông; sửa chữa, nâng cấp 7,9km đường nhựa và 50,92km đường cấp phối sỏi đỏ. Năm 2018, huyện tiếp tục bố trí hơn 160 tỷ đồng để thi công các tuyến đường giao thông nông thôn. Dự kiến đến cuối năm 2018, Phú Riềng sẽ có thêm 26,95km đường nhựa, 15,3km đường bê tông...

Phó Chủ tịch UBND xã Bù Nho Phạm Duy Chinh cho biết, đến nay các tuyến đường liên thôn, xóm trên địa bàn đã được bê tông, cứng hóa. Năm 2016, Bù Nho đã hoàn thành tiêu chí giao thông và về đích NTM.

Mở rộng cơ chế đặc thù

Cũng như Phú Riềng, huyện Bù Đăng là huyện nghèo, đông đồng bào người dân tộc. Tỷ lệ đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện Bù Đăng được bê tông, nhựa hóa khá ít. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách huyện khó khăn, từ vốn sự nghiệp giao thông và nguồn xi măng trả chậm của tỉnh, trong thời gian qua Bù Đăng đang đẩy nhanh bê tông hóa đường giao thông trên địa bàn.

Ông Phan Minh Lâm - Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Bù Đăng cho hay: Nhờ cơ chế đặc thù, chỉ từ nguồn xi măng trả chậm của tỉnh, huyện huy động người dân và doanh nghiệp đối ứng đá, cát và ngày công xây dựng tạo thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển nông sản trong vùng.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Phước, trong bộ tiêu chí NTM, tiêu chí giao thông là khó nhất đối với tỉnh, đòi hỏi nhiều nguồn lực. Bên cạnh đó, những năm qua giá cả vật liệu xây dựng (cát, đá) tăng đột biến, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Từ đó, công tác vận động nguồn lực trong nhân dân để triển khai thi công các tuyến đường cũng gặp không ít khó khăn.

Trước những khó khăn này, năm 2014, UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 679 về áp dụng cơ chế đặc thù đầu tư các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2014 - 2020. Theo đó, các địa phương có nhu cầu làm đường giao thông nông thôn đăng ký, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ xi măng, huyện, thị xã đối ứng cát, đá và người dân góp ngày công.

Được biết, từ năm 2017, cơ chế đặc thù đã mở rộng ra các hạng mục như: nhà văn hóa, cầu - cống, vỉa hè, sân công cộng, cổng, tường rào... Theo UBND tỉnh Bình Phước, bình quân 3 năm qua, mỗi năm người dân đối ứng (trực tiếp) khoảng 85.000 triệu đồng/năm và sự giám sát của cộng đồng rất chặt chẽ. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem