Nông thôn chịu nhiều thiệt thòi

Thứ bảy, ngày 30/10/2010 06:55 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Xung quanh Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, chiều qua (29-10), Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang), đã dành cho NTNN cuộc trao đổi cởi mở.
Bình luận 0
img
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam
Nguyễn Quốc Cường

Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường cho biết:

- Để luật này đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người dân, chúng ta cần những biện pháp đồng bộ khác nữa, ngoài luật.

Những giải pháp đồng bộ ấy là gì, thưa ông?

- Tôi nói ví dụ, chỉ riêng sản phẩm sữa, thời gian qua dư luận rất bức xúc vì quyền lợi người tiêu dùng bị các doanh nghiệp bắt tay nhau xâm phạm; trong khi chất lượng thì chẳng ai dám đảm bảo như các doanh nghiệp này công bố và quảng cáo…

Nhưng, giải quyết vấn đề này phải liên quan trách nhiệm đến 4-5 bộ, ngành và cả chính quyền địa phương. Vì từ khâu sản xuất, vận chuyển và phân phối, đến kiểm tra giám sát chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng… đều chia trách nhiệm cho các bộ ngành khác nhau quản lý.

Nhưng việc quan trọng nhất là kiểm tra giám sát để sản phẩm này “vào miệng người tiêu dùng” thì lại do lực lượng tại chỗ của địa phương… Vì chồng chéo trách nhiệm như vậy nên thực chất có những vụ việc, người ta không thấy bộ ngành nào đứng ra nhận trách nhiệm cả.

Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng Chính phủ cần ban hành hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi và ràng buộc trách nhiệm cụ thể hơn với các bộ ngành và địa phương, để người dân an tâm hơn.

img
Nông thôn thường là nơi hàng kém chất lượng, không nhãn mác đổ về...

Vì sao có sự chồng chéo và khó khăn như vậy trong việc bảo vệ người tiêu dùng, thưa ông?

- Luật Bảo vệ người tiêu dùng ở các nước phát huy rất tốt hiệu quả, vì họ có nền kinh tế hàng hóa phát triển ở mức rất hoàn thiện và ý thức người dân về quyền lợi tiêu dùng cũng rất cao.

Còn chúng ta, nền kinh tế hiện đang chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất quy mô lớn và thói quen tiêu dùng cũng vậy, còn rất nhỏ lẻ và dễ dãi… Nên trong một khoảng thời gian nữa, các nhà sản xuất, kinh doanh và thậm chí là nhập khẩu của ta, vẫn sẽ bán hàng theo tư duy cũ.

Người tiêu dùng vẫn còn đối mặt với vô số hàng hóa không nhãn mác hoặc chỉ tiêu chất lượng không rõ ràng. Trong khi đó, các doanh nghiệp không bị ràng buộc trách nhiệm quá lớn và cũng không bị xử lý đến nơi đến chốn khi bị phát hiện vi phạm…

Người tiêu dùng nông thôn, cụ thể là nông dân, thời gian qua được cho là đối tượng bị xâm hại nhiều nhất. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến người tiêu dùng nông dân… Họ có trình độ nhận thức về quyền lợi còn hạn chế, kiến thức cơ bản để tự bảo vệ là không nhiều và họ cũng ít có cơ hội lựa chọn sản phẩm tốt hơn.

Ví dụ như nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, cây con giống kém chất lượng… đã xảy ra ở nhiều địa phương vừa qua. Nhưng, số vụ khiếu kiện và được bồi thường là không nhiều.

Các nhà bán lẻ, nhà sản xuất có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi của người nông dân vẫn ít bị xử lý hoặc xử lý ở mức độ không tương xứng. Vì vậy, hy vọng với Luật Bảo vệ người tiêu dùng sắp ban hành cùng với hệ thống các văn bản hướng dẫn thực thi cụ thể, người tiêu dùng nói chung và đối tượng nông dân nói riêng sẽ được quan tâm và bảo vệ tốt hơn.

Ngoài ra, tôi nghĩ cần tăng cường tuyên truyền cho nông dân thói quen sử dụng hàng hóa có nguồn gốc, có chứng từ rõ ràng; đặc biệt là những mặt hàng liên quan đến sản xuất. Phải thay đổi thói quen “mua hàng chợ” vì nó ẩn chứa rất nhiều rủi ro, thiệt hại…

Xin cảm ơn Chủ tịch!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem