Thưa ông, kết quả điều tra vừa được CIEM công bố về hộ gia đình nông thôn năm 2012 đã vẽ lên bức tranh thế nào về nông thôn hiện nay?
Kết quả điều tra đã cho thấy nông thôn và đời sống nông dân đang có những thay đổi đáng ngại. Thu nhập của nông dân quá thấp nhưng lại phải đối mặt với chi tiêu ngày càng đắt đỏ. Không những vậy, thu nhập của hộ gia đình ở nông thôn lại có nguy cơ đang giảm dần khiến cuộc sống của họ rất bấp bênh. Vẫn còn tới 9,6% số hộ không có đất. Hỗ trợ của Chính phủ với nông dân vẫn quá ít. Có thể nói, kinh tế hộ gia đình nông thôn chưa bền vững. Tại khu vực nông thôn, nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập thiết yếu, mặc dù xu thế di cư tìm việc làm bên ngoài hộ gia đình ngày càng tăng.
Hộ nông dân vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức (ảnh minh họa).
Tựu trung lại, chúng ta đã đạt được những tiến bộ tích cực, tuy nhiên còn nhiều thách thức đó là cần hoàn thiện quá trình chuyển đổi kinh tế. Chúng ta cần tập trung để phân bổ lợi ích kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông thôn, học cách chuyển đổi, giúp các hộ dân nông thôn có thêm giá trị gia tăng...
Chi tiêu lương thực, thực phẩm trung bình của người dân nông thôn tại 12 địa phương năm 2012 cao hơn 73% nhưng tổng thu nhập của hộ năm 2012 chỉ cao hơn 16% so với năm 2006. Kết quả này nói lên điều gì, thưa ông?
- Điều này có nghĩa, mức chênh lệch giàu nghèo đang rất lớn ở khu vực nông thôn. Trong đó, thu nhập của nông dân làm nông nghiệp không tăng bao nhiêu. Người dân nông thôn đang phải chắt bóp, tằn tiện trong chi tiêu và tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012, tương ứng số hộ tái nghèo tăng lên. Khi người dân quá nghèo túng, làm không đủ sống thì bản thân họ sẽ không thể hạnh phúc. Chỉ số hạnh phúc của nông dân trong cuộc điều tra này quá thấp đã thể hiện sự nghèo khó, túng bấn của một bộ phận không nhỏ người dân nông thôn hiện nay.
Điều gì đã khiến người dân nông thôn lao động cật lực vẫn không đủ sống, thưa ông?
- Thu nhập thấp cũng bắt nguồn từ sản xuất manh mún, gặp nhiều rủi ro. Theo Báo cáo của CIEM, giá trị thiệt hại trung bình trong 1 năm của các hộ là khoảng 8 triệu đồng. Trong đó, các hộ nghèo, hộ thuần sản xuất nông nghiệp thì gặp rủi ro nhiều hơn và gặp thiệt hại nặng nề hơn so với các hộ khác. Những rủi ro đến từ thiên tai, dịch bệnh là rủi ro phổ biến nhất. Điều này góp phần tạo ra sự bấp bênh trong thu nhập của các hộ gia đình nông thôn.
Mặc dù các hoạt động từ nông nghiệp chiếm tới 35%, nhưng thu nhập thấp, nên nhiều tỉnh nguồn thu nhập này kém quan trọng hơn các nguồn thu nhập phi nông nghiệp. Đây chính là nguy cơ, vì một khi phải làm nhiều việc, người nông dân sẽ mất đi cơ hội tăng quy mô, kỹ năng để sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, lợi nhuận. Trong khi đó, họ vẫn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro đang ngày càng tăng.
Phần lớn các hộ gia đình nông thôn vẫn tiếp tục sử dụng các cơ chế "tự vượt khó". Trong khi đó, ngành nông nghiệp vẫn nhận quá ít hỗ trợ, ưu đãi từ những chính sách do WTO đem lại. Ông bình luận điều này như thế nào?- Sau 5 năm gia nhập WTO, đầu tư của Nhà nước vào nông nghiệp, nông thôn vẫn còn quá thấp. Các chính sách hỗ trợ nông nghiệp mà WTO cho phép chúng ta cũng chưa sử dụng bao nhiêu để hỗ trợ nông nghiệp phát triển. Tôi chỉ đơn cử, xuất khẩu nông sản như gạo, cà phê, cao su- các ngành mũi nhọn- được tác động tích cực bởi gia nhập WTO song lợi ích của nông dân làm ra các sản phẩm này lại không tăng lên tương xứng, và đại bộ phận nông dân của Việt Nam còn nghèo và rất nghèo.
Điều này minh chứng, các hộ dân trồng trọt tiếp tục giảm 3% trong năm 2012 so với năm 2010. Chăn nuôi phát triển ì ạch bởi thiên tai, dịch bệnh và giá cả đầu vào. Nông dân vẫn là bộ phận chịu nhiều thiệt thòi trong nền kinh tế, chỉ sử dụng vốn tự có cho quá trình sản xuất. Trong khi đầu ra thì đối mặt với việc thiếu thông tin, thiếu khả năng sơ chế và kho bãi bảo quản, chi phí vận chuyển cao...
Theo ông, cần có các giải pháp, chính sách nào giúp nông dân, nông thôn sau khi kết quả điều tra này được công bố?- Trước các kết quả cuộc điều tra, chúng tôi đang đánh giá để đề xuất các chính sách. Hiện các hộ càng nghèo thì càng phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi thu nhập từ nông nghiệp đang có dấu hiệu giảm nên đòi hỏi nhà làm chính sách nhập cuộc ngay để tránh tình trạng bần cùng hóa một bộ phận nông dân, đặc biệt những người do gặp rủi ro, không may mắn, ốm đau.
Mặc dù Nhà nước có những chính sách đền bù và hỗ trợ học nghề nhưng việc giảm diện tích đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng mạnh đến sinh kế của nông dân. Vì vậy, tôi cho rằng cần quan tâm tạo việc làm cho nông dân tại chính nông thôn với các dự án chế biến nông sản, thực phẩm, tránh để họ phải ra thành phố trong khi thiếu kiến thức, năng lực, dễ bị gạt ra ngoài lề.
Nông dân VN đang chịu rất nhiều rủi ro, đặc biệt từ thời tiết, giá cả giống, phân bón biến động mạnh... Vì vậy việc tăng khả năng chống đỡ rủi ro cho nông dân, đặc biệt là việc bảo hiểm cho nông nghiệp, cần được đẩy nhanh.
Cuối cùng cần có sự chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xác định lợi thế sản xuất nông nghiệp của từng vùng để có chính sách tập trung. Nhà nước phải sớm có chính sách giúp nông dân tham gia và thực hiện chuỗi sản xuất trong nông nghiệp để gắn kết với thị trường mới có thể cải thiện đời sống nông thôn hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Mai Hương (thực hiện) (Mai Hương (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.