Nông thôn mới ở Tràng Định (Lạng Sơn): “Tắc” ở các tiêu chí cần nhiều tiền

Việt Tùng Thứ hai, ngày 22/09/2014 15:39 PM (GMT+7)
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vận động người dân hiến đất, góp của đang giúp huyện Tràng Định dần hoàn thành các tiêu chí NTM. 
Bình luận 0

Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn nên đường đến đích của huyện này vẫn rất gian nan.

Ông Nông Văn Thoại – Trưởng phòng NNPTNT, Phó Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM huyện Tràng Định cho biết, huyện xác định muốn xây dựng NTM thành công, trước tiên phải thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh phát triển kinh tế, khi đời sống người dân nâng cao thì việc xây dựng NTM sẽ thuận lợi hơn.

Do đó, huyện chủ yếu tập trung vào 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt với các mô hình nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, nuôi lợn nái, cá…; trồng cây thạch đen, đậu tương, rau sạch… Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, huyện đã hỗ trợ 1,3 tỷ đồng để các địa phương thực hiện các mô hình; tổ chức gần 150 lớp tập huấn ứng dụng KHKT vào sản xuất cho 5.300 lượt học viên.

Ông La Quốc Chấn ở thôn Nà Vài, xã Đại Đồng - một trong những hộ tham gia nuôi gà đẻ trứng, cho hay: “Trước đây gia đình tôi nuôi vịt nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2013, tôi được hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng NTM nên đã đầu tư nuôi gà đẻ, mua máy ấp trứng. Đến nay, tôi đã xuất được 8 lứa gà giống, lãi 20 triệu đồng”.

Tràng Định cũng tích cực huy động nguồn lực trong dân để làm NTM. Nhân dân các xã đã đóng góp hơn 6.000 ngày công, 5.600m3 đá sỏi, hiến 2.500m2 đất các loại để mở rộng đường, ủng hộ hơn 2 tỷ đồng tiền mặt...

Mặc dù vậy, chặng đường xây dựng NTM của nhiều xã trên địa bàn huyện đang gặp không ít trở ngại. Ông Ma Đức Biện – Phó Chủ tịch UBND xã Đại Đồng cho biết, mặc dù là xã điểm của huyện nhưng đến nay xã mới đạt 9/19 tiêu chí.

“Hiện xã đang tắc ở các tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, thủy lợi và môi trường. Đây đều là những tiêu chí đòi hỏi nhiều tiền, trong khi sức đóng góp của người dân thì có hạn. Nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, xã rất khó về đích đúng hẹn” – ông Biện cho hay.

Hiện xã Đại Đồng mới có 18/24 thôn có nhà văn hóa, các thôn còn lại thì thiếu kinh phí xây dựng. Ông Hoàng Mai Nguyên - người thôn Cốc Khát bày tỏ: “Do không có nhà văn hóa nên mỗi khi thôn có việc, chúng tôi phải tập trung về nhà trưởng thôn, nhà hẹp không có chỗ ngồi, nhiều khi đi họp về mà chẳng rõ họp gì, bàn gì. Góp tiền thì nhà tôi không có, nhưng nếu thôn muốn lấy bao nhiêu mét đất để làm nhà văn hóa thì cứ lấy, chỉ mong bà con đỡ khổ”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem