Nông thôn mới Quảng Nam: Vượt thách thức, Bình Sa “thay da đổi thịt”

Trần Hậu Thứ tư, ngày 08/02/2023 18:09 PM (GMT+7)
Bình Sa là xã thuộc vùng Đông của huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Khi tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM), địa phương có xuất phát điểm thấp với nhiều khó khăn về kinh tế. Sau hơn 10 năm nỗ lực của chính quyền và nhân dân trong xây dựng NTM, xã Bình Sa đã và đang đổi thay từng ngày.
Bình luận 0

Sức sống mới ở Bình Sa

Ông Châu Quang Anh – Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho biết, là xã thuần nông về đích NTM năm 2017, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Sa luôn phát huy thế mạnh của địa phương, đề ra các giải pháp thiết thực nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt được, hướng đến xã NTM nâng cao.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh về kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ôtô đi lại thuận tiện quanh năm đạt 12.448km, tỷ lệ 100%.

Đường trục thôn và đường liên thôn được cứng hóa đạt 100%. Đường ngõ xóm được cứng hóa, không lầy lội vào mùa mưa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp là 25.492km. Đường trục chính nội đồng được cứng hoá 24.504km, đáp ứng nhu cầu sản xuất và vận chuyển hàng hóa của nhân dân. Xã Bình Sa đã lồng ghép các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, với kế hoạch phòng chống thiên tai, đảm bảo tiêu nước khi có bão lũ xảy ra, không ảnh hưởng đến khu dân cư, cánh đồng sản xuất tập trung.

tan/Vượt thách thức, Bình Sa “thay da đổi thịt”  - Ảnh 1.

Xã Bình Sa (Thăng Bình – Quảng Nam) thay đổi vượt bậc nhờ xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trần Hậu

"Bình Sa đang tiếp tục huy động các nguồn lực để nâng cao các tiêu chí, phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn tín dụng mở rộng sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Từ kế hoạch nâng chuẩn các tiêu chí đã đạt được, địa phương sẽ phấn đấu xây dựng xã Bình Sa đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2025, xa hơn là xã NTM kiểu mẫu. Nhằm xây dựng quê hương Bình Sa ngày càng giàu đẹp, dần rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn…".

Ông Châu Quang Anh -

Chủ tịch UBND xã Bình Sa

Hệ thống điện được nâng cấp đạt chuẩn, 100% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn. Địa phương đặc biệt quan tâm đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nâng cao chất lượng dạy - học, duy trì và nâng chất các trường đạt chuẩn quốc gia, xây dựng Trường THCS Chu Văn An đạt chuẩn mức độ 2, giữ vững và nâng chất trường chuẩn quốc gia mức độ 2 đối với Trường Tiểu học Trần Phú và Trường Mẫu giáo Bình Sa.

Quan tâm nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho bà con nông thôn, xã Bình Sa xây dựng trung tâm văn hóa – thể thao đạt chuẩn với diện tích 8.812,6m2, có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi được lắp đặt tại Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Bình Trúc, các nhà văn hoá thôn…

Hiện nay, xã không còn nhà tạm bợ, dột nát. Nhà cửa khang trang, kiên cố mọc lên san sát, cảnh quan môi trường dần được cải thiện, tạo nên một diện mạo mới văn minh, hiện đại cho quê hương Bình Sa.

Lĩnh vực kinh tế tiếp tục tăng trưởng ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng giữa các ngành nông - lâm - thủy sản, công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ tương ứng là 36,98% - 36,94 - 26,08%. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế năm 2022 ước đạt 303,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 13,93%.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 50,2 triệu đồng/năm. Công tác giảm nghèo được triển khai thực hiện hiệu quả. Năm 2022, toàn xã có 63 hộ nghèo, tỷ lệ 3,34%, 31 hộ cận nghèo, tỷ lệ 1,64%.

Ông Anh cho biết thêm, để có được những thành quả như hôm nay, các cấp chính quyền đã nỗ lực thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây NTM, đô thị văn minh", phong trào "Dân vận khéo", "5 không 3 sạch"… luôn được các Hội, đoàn thể và các ngành chú trọng.

tan/Vượt thách thức, Bình Sa “thay da đổi thịt”  - Ảnh 3.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ đã tạo nên sức sống mới cho Bình Sa hôm nay. Ảnh: Trần Hậu

Từ đó, người dân hiểu được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng NTM, tự nguyện hiến đất, hiến ngày công để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh.

Dù gặp nhiều khó khăn, thách thức trong công cuộc xây dựng NTM, nhưng Bình Sa luôn giữ vững thành quả xã NTM. Lấy đó làm động lực để tiếp tục phát triển vững mạnh lên xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2025. Xã Bình Sa có 1 thôn Bình Trúc được công nhận đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu năm 2017 và sắp tới sẽ triển khai thực hiện có hiệu quả Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Tiên Đỏa.

Kinh tế khởi sắc

Theo ông Phạm Ngọc Cường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Sa, mục tiêu quan trọng nhất trong công cuộc xây dựng NTM là giúp cho đời sống của người dân được cải thiện, nâng cao thu nhập.

Vì thế, những năm qua địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế toàn diện, bền vững, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 112,17 tỷ đồng.

Bình Sa cũng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, xây dựng các cánh đồng mẫu lớn có hiệu quả và vùng sản xuất rau an toàn theo quy hoạch. Đồng thời tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất và thu hoạch, chú trọng tạo ra nông sản an toàn.

Xây dựng mô hình liên kết trồng khoai lang tím, sản xuất tinh bột khoai tím. Tổ chức cho các cá nhân thực hiện tích tụ ruộng đất để trồng sen, cây dược liệu tại cánh đồng tổ 1 và 2 thôn Tây Giang.

Xã Bình Sa có 964,03ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích trồng lúa là 417ha, sản lượng 2.363,6 tấn, đạt 101,85% so với kế hoạch. Ngoài ra, các loại cây trồng cạn khác cũng cho năng suất cao như: Cây ngô, khoai lang, sắn, đậu phụng, khoai môn.

UBND xã Bình Sa vận động người dân cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn, nhân rộng mô hình vườn mẫu; phát triển kinh tế gia trại, trang trại; tiếp tục củng cố, kiện toàn hợp tác xã nông nghiệp để hoạt động có hiệu quả.

Tiếp tục quản lý, bảo vệ 299ha rừng phòng hộ, 6ha rừng cảnh quan dọc đường 129; giao khoán quản lý, chăm sóc 20ha rừng sản xuất tại thôn Tiên Đỏa; giá trị khai thác lâm nghiệp năm 2022 đạt 980 triệu đồng.

Ngoài ra, các hoạt động công nghiệp xây dựng, thương mại dịch vụ tiếp tục được phục hồi và phát triển. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp xây dựng đạt 112,1 tỷ đồng, giá trị thương mại dịch vụ đạt 79,13 tỷ đồng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem