Cách đây khoảng 10 năm, vườn nhãn nhà ông Huy có một cây trên cành xuất hiện hiện tượng lạ thường: Lá mới ra màu đỏ tím, khi lá già có màu xanh tím khác hẳn hoàn toàn so với những cành khác lá mới ra có màu xanh nhạt. Đến khi cây cho ra trái thì chỉ duy nhất có cành lạ này cho ra trái có màu tím thẫm, rất đẹp mắt.
|
Ông Huy bên chùm nhãn màu tím rất lạ. |
Thế là ông chiết cành ra trồng thử nghiệm suốt nhiều năm liền và sau nhiều lần chiết, trái nhãn có màu đỏ tím. Từ cành nhãn lạ ban đầu, đến nay ông Huy đã chiết ra được 10 cây nhãn tím đang cho trái. Theo ông Huy, đây có thể là do quá trình đột biến gen nên làm thay đổi màu sắc của lá và cả trái nhãn.
Suốt 10 năm liền, gia đình ông Huy trồng và nhân giống cây nhãn tím này theo kiểu “ăn chơi” và chưa chú ý đến việc bán ra thị trường.
Giống nhãn này được biết đến khi mới đây, chính quyền địa phương đề nghị ông đem 5kg nhãn tím đến trưng bày ở Khu du lịch Mỹ Phước (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) trong dịp Tết Đoan ngọ và khoảng 6kg dự thi trái cây ngon trong hội chợ tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).
Người dân đi hội chợ thấy lạ nên đổ xô mua để thưởng thức trái nhãn lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường. Khi đó, để hạn chế thu mua nên bán với giá 2.000 đồng/trái nhưng vẫn không có đủ nhãn để bán.
Ông Huy cho biết: “Mới đây có nông dân ở địa phương đến thương lượng ký hợp đồng độc quyền tiêu thụ giống nhãn tím này với giá 1 triệu đồng/cây nhưng tôi đang suy nghĩ có bán hay không. Nếu chiết hết 10 gốc nhãn tím thì được khoảng 200 cây nhãn con và chỉ cần vài năm thì giống nhãn này sẽ được nhân rộng ra khắp nơi”.
Ông Vũ Bá Quang – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Kế Sách cho biết: “Sau khi phát hiện giống nhãn lạ ở vườn nhà ông Huy, ngành nông nghiệp địa phương đang có kế hoạch để hỗ trợ ông đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng thương hiệu nhãn tím. Tuy chưa có công trình nghiên cứu nhưng đây có thể do đột biến gen nên làm thay đổi màu sắc của lá, trái nhãn thành màu tím rất đẹp mắt”.
Hoàng Mai
Vui lòng nhập nội dung bình luận.