Nông thôn nhỏ nhoi, đô thành ngột ngạt

Thứ năm, ngày 08/12/2011 06:28 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ là một bộ phim truyền hình ăn khách nhất năm 2010 về đề tài tâm lý xã hội, “Điện thoại di động” còn phản chiếu hình ảnh của nông dân Trung Quốc trong thời kỳ đô thị hóa thông qua cuộc đời của Nghiêm Thủ Nhất.
Bình luận 0

Ba bài học đạo đức

Nghiêm Thủ Nhất là một MC thành công của một đài truyền hình. Với Chương trình “Nói thật”, anh được công chúng yêu chuộng và mến mộ. Trong vai trò một người dẫn chương trình, anh tạo nên hình ảnh một người đàn ông trung niên thành đạt, hài hước, thông minh và luôn nói thật. Nhưng khi ra khỏi khung hình TV, Thủ Nhất khốn khổ và rối bù trong những lời nói dối xuất hiện nhan nhản trong cuộc đời anh.

img
Cảnh trong phim “Điện thoại di động”.

MC này đã thú nhận: “Bà tôi - một phụ nữ nông thôn vô cùng thông thái và cả cuộc đời là hiện thân cho những bài học đạo đức đã dạy tôi 3 điều: Thứ nhất, không được lười biếng; thứ hai, không được lợi dụng sự lú lẫn của người khác và thứ ba, không được nói dối. Tôi tuyệt đối tuân thủ lời bà dạy thế nhưng danh tiếng, tiền bạc và thành công mà tôi có được là nhờ tôi không làm theo bài học thứ ba: Không được nói dối”.

Chính vì luôn phải nối dối, Nghiêm Thủ Nhất quay cuồng giữa 3 người phụ nữ, Vu Văn Quyên- người vợ đứng đắn nhất mực đang nỗ lực tìm kiếm một đứa con để duy trì gia đình, Ngũ Nguyệt- biên tập viên của một nhà xuất bản đầy quyết rũ và Trần Tuyết- một nữ giáo viên của Trường Hí kịch Bắc Kinh.

3 người đàn bà này đã khiến cuộc đời của Nghiêm Thủ Nhất rơi vào bi kịch. Văn Quyên quyết định rời xa Thủ Nhất để trả tự do cho anh, Ngũ Nguyệt khiến Thủ Nhất tan tành sự nghiệp và Trần Tuyết - mặc dù rất yêu nhưng cũng phải chia tay anh khi Văn Quyên cuối cùng đã có được đứa con trai mà cả hai vợ chồng họ mong đợi.

Từ một cậu bé nông thôn nghèo nhút nhát, Thủ Nhất trở thành một người thành đạt trong xã hội, nổi tiếng với tài ăn nói nhưng sự ngột ngạt giữa những toà nhà cao tầng tại Bắc Kinh khiến cuộc sống của anh thêm phần bi kịch.

Rất nhiều lần Thủ Nhất nói với Phí Mặc- người bạn thân của mình rằng: “Tôi chỉ ước được về lại Nghiêm Gia trang. Sống ở thành phố, tôi hầu như không có không gian riêng, còn ở vùng quê của tôi, đó vẫn là miền đất hứa để nuôi dưỡng và chở che đời sống tâm linh”.

Cuộc dịch chuyển của số phận

Trong khi Thủ Nhất chỉ mong được về lại nông thôn thì những người thân, bạn bè, hàng xóm của anh ở Nghiêm Gia trang lại chỉ muốn nhao lên thành phố. Cô gái trẻ Ngưu Thái Vân ước được trở thành một ngôi sao của thế giới giải trí và đã trở thành trò cười khi mang cái chân chất quê mùa của mình lên truyền hình, cuối cùng cô cũng đã làm mọi cách để trở thành một cái tên “hot” trên mạng Internet. Chàng trai Vu Văn Hải, bà chị dâu Lã Quế Hoa cùng anh “Gạch đen” trở thành chủ một tiệm ăn nổi tiếng khắp Bắc Kinh bởi tên của tiệm ăn theo tên Chương trình “Nói thật”.

Sự “thương mại hoá” đã tràn từ thành thị về nông thôn, cho dù còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng nó đã giúp cho Lộ Chí Tín- một anh nông dân tốt giọng khóc trở thành người trình diễn trong các đám ma và phát triển sự nghiệp “kinh doanh” nước mắt của mình.

Một vùng quê nghèo như Nghiêm Gia trang bỗng đổi thay chóng mặt từ khi có chiếc điện thoại di động. Cùng với điện thoại, nhiều thứ cũng như đang vỡ vụn ra, các quan hệ xã hội, vợ chồng, anh em, làng xóm bị đổi thay chóng mặt. Và họ đều muốn nhao lên thành phố, dù chỉ để sống cuộc đời nổi trôi xô dạt.

Ước mơ thay đổi số phận không chỉ có ở những người trẻ như Ngưu Thái Vân, Lưu Ba Gang mà tác động đến cả tầng lớp trung niên như bà Lã Quế Hoa. Bao năm yên ổn sống với Ngưu Tam Cân, vậy mà người đàn bà quê mùa này còn quyết tâm ly dị chồng khi tuổi đã xế bóng. Ủy ban xã không cho họ ly dị vì một lý do đơn giản: Cuộc điện thoại huyền thoại chứng minh tình yêu của vợ chồng bà đã phát trên TV trong Chương trình “Nói thật”.

Thủ Nhất và Phí Mặc sau khi nhận đủ những hậu quả của sự hào nhoáng giả dối có được từ giới truyền thông đã quyết định lánh xa tất cả để tìm lại sự bình yên trong tâm hồn mình. Trong đám tang của bà, Thủ Nhất mới cảm nhận được sự mất mát thật sự và nỗi trống vắng của quá khứ, của những câu chuyện thôn quê mà bà cụ mang đến như một làn nước mát cho cuộc đời anh. Nông thôn giờ đây đã trở thành một chốn nhỏ nhoi, co cụm khi cuộc sống thành thị tràn về, mang theo sự bức bối, ngột ngạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem