Thưa Giáo sư, trong cuộc sống đời thường từ xưa, người dân nông thôn vốn được xem là “lành”, thế nhưng hiện nay, tình trạng nói tục, chửi bậy đã lên tới mức báo động. Giới trẻ nông thôn còn xem việc nói tục là mốt, là sành điệu. Vậy ông đánh giá thế nào về nhận định này, xét từ góc độ văn hóa?
- Truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta trọng lễ nghĩa, việc ứng xử có văn hóa đã có từ bao đời, đó là lối ứng xử của người trẻ với người già, cấp trên với cấp dưới. Đặc biệt ở nông thôn có quy ước rất rõ về ứng xử, “không được vô phép”, người trẻ gặp người lớn tuổi phải cúi đầu chào và người lớn đáp lại cũng như vậy. Ngày nay, điều kiện kinh tế đất nước phát triển cao hơn thì dường như truyền thống văn hóa đang bị xói mòn. Nguyên nhân trước tiên là việc giáo dục văn hóa bị đứt đoạn, bị xem thường. Chúng ta quên mất một vế lớn của văn hóa dân tộc là văn hóa ứng xử, khi văn hóa ứng xử bị buông trôi, không giáo dục thì dễ sẽ trở nên hư hỏng, mất gốc, mất tính dân tộc.
Thu hút thanh thiếu niên tham gia hoạt động văn hóa truyền thống sẽ giúp giảm bớt các hành vi nói tục, ứng xử thiếu văn hóa... (ảnh minh họa, chụp lễ hội rước kiệu quay thôn An Hạ (An Thượng, Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Minh Nhật
Vì sao lại như vậy? Vì chúng ta coi thường văn hóa. Tại sao trong văn hóa người Nhật họ gặp nhau thì cúi đầu chào, tại sao người Hàn Quốc con cháu về thăm ông bà phải quỳ xuống chào mới được vào nhà và nói chuyện? Họ là những nước phát triển mạnh về công nghiệp mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống như thế, còn chúng ta thì không. Suốt mấy thập kỷ chúng ta không đề cập tới giáo dục văn hóa ứng xử, dẫn tới một hậu quả ghê gớm. Đó là cái nguy của đất nước chúng ta, là coi thường văn hóa.
Có ý kiến cho rằng văn hóa Hà Nội bị thay đổi do ảnh hưởng từ văn hóa nông thôn trong quá trình đô thị hóa và di dân nhập cư nên sinh ra nạn người dân nói tục. GS có đồng tình với nhận định này?
-Theo tôi nói vậy chỉ đúng một phần. Không phải tất cả những người du nhập vào Hà Nội đều vô văn hóa, mà họ cũng mang theo những nét văn hóa đặc sắc của từng vùng miền làm cho văn hóa của Hà Nội thêm đa dạng. Điểm mấu chốt là khi con người đã mất văn hóa họ sẽ không quan tâm tới những gì cha ông giáo dục từ xưa.
Thơ Hồ Xuân Hương là thơ tục có văn hóa. Ngày xưa thơ ca dân gian rất chú trọng phê phán thói vô văn hóa hoặc dạy con người biết sống có văn hóa. Ví dụ trong bài dân ca “Ăn một miếng trầu, gặp đây, ăn một miếng trầu” của dân ca Hà Nam, ta gặp, ta chào nhau, ta tỏ tình mà tỏ tình không phải thô thiển như bây giờ. Những câu hát, vần thơ giáo dục con người ta ứng xử với nhau, tỏ tình với nhau một cách kín đáo mà tinh tế. Vì thế người thành phố nói tục đừng có đổ lỗi cho người nông thôn, điều này là nhảm nhí.
Ở nông thôn vốn có truyền thống cố kết cộng đồng, tôn trọng đạo lý, tuy nhiên hiện nay cũng có rất nhiều thay đổi, trẻ em nói tục nhiều hơn, tình làng nghĩa xóm phai nhạt... Phải chăng sự thay đổi này là kết quả của những gì nhiều người vẫn gọi là “mặt trái” của cơ chế thị trường?
Quan điểm
Đời sống vật chất ở nông thôn bây giờ được nâng lên rất nhiều, nhiều gia đình đã có thể xây nhà cao cửa rộng, mua sắm trang thiết bị hiện đại nhưng họ mới chỉ xây được một trụ cột kinh tế mà bỏ quên trụ cột văn hóa.
-Người dân nông thôn của chúng ta từ xưa tới nay đều theo một nếp văn hóa nông thôn gọi là tục lệ có từ lâu đời. Chỉ mới gần đây, một bộ phận bị ảnh hưởng của những hành động thiếu văn hóa. Cái tốt không tiếp nhận, mà tiếp nhận toàn cái xấu, đó là nguy cơ. Nguyên nhân mất văn hóa ở nông thôn là do sự thiếu cân bằng trong phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, trong quá trình đô thị hóa thì văn hóa nông thôn mất nhiều hơn được. Làng Đồng Kỵ (Bắc Ninh) xưa nổi tiếng giàu truyền thống văn hóa lâu đời, còn bây giờ trở thành “phố Đồng Kỵ”. Nông thôn giàu đẹp chúng ta nên mừng, nhưng giàu đẹp không có nghĩa là mất hết văn hóa, vì mất văn hóa là mất tất cả.
Mới đây, UBND TP.Hà Nội đã giao các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý cụ thể, nhằm hạn chế cao nhất những hành vi thiếu văn hóa trong nhà trường và ngoài xã hội, trong đó có nói tục. Theo quan điểm của ông, liệu giải pháp này có đem lại hiệu quả ở nông thôn?
- Quy tắc thì cứ làm nhưng theo tôi không có hiệu quả. Áp dụng về nông thôn thì càng không có hiệu quả, người dân nông thôn không ai chịu bị xử phạt ăn tục, nói bậy cả. Tôi cho rằng hình thức xử lý những người nói bậy là xử lý tình thế, không có cơ bản. Nói bậy giờ như một “bệnh dịch”, phải giải quyết từ gốc, nếu không chữa trị kịp thời bệnh dịch đó sẽ lây lan, như một thứ di căn rất khó chữa. Còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất đất nước.
Cá nhân ông thấy nên có những giải pháp gì để giảm bớt tình trạng nói tục ở thanh thiếu niên và cả người lớn?
- Là người làm văn hóa, tôi nghĩ văn bản pháp luật chỉ là một biện pháp nhỏ, áp dụng phạt hành chính thì không hiệu quả. Từng đứa trẻ sinh phải được cha mẹ, nhà trường, xã hội dạy lễ nghĩa, “dạy ăn, dạy nói, dạy gói, dạy mở”.
Trong nhà trường, coi giáo dục đạo đức là một môn học, thường xuyên giáo dục bằng nhiều hình thức. Trong gia đình từng thành viên phải biết học hỏi những nếp sống hay, phê bình nhắc nhở những hành vi chưa phù hợp. Ra xã hội, phải nhân rộng những hành vi ứng xử có văn hóa giữa người với người, cũng như tuyên truyền thông qua văn học, nghệ thuật, báo chí… Tất cả cùng nói lên tiếng nói chung, phải làm thường xuyên và liên tục.
Xin cảm ơn ông!
PGS -TS Trần Đức Ngôn - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội: Nói tục là do tình trạng “lưu manh hóa”
Ngày nay không phải người nông dân là những người nói tục nhiều nhất mà do một bộ phận người nông thôn ra thành thị làm ăn bị biến chất theo hướng “lưu manh hóa". Nói tục do trình độ nhận thức thấp, nên khi đệm những câu ấy vào, người ta không cho là tục. Để giải quyết nạn văng tục ở nông thôn nói riêng và xã hội nói chung là một điều rất khó khăn. Muốn thay đổi phải có biện pháp trường kỳ về giáo dục trong cả nhà trường và gia đình. Bởi, bản tính của con người rất chậm thay đổi.
Nhà văn Phạm Việt Long: Lãnh đạo nêu gương
Xây dựng nếp sống văn hóa là việc làm thường xuyên, liên tục, bền bỉ, lâu dài. Muốn vậy, mỗi người dân phải tự ý thức được về trách nhiệm của mình, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi tổ chức… cùng chăm lo xây dựng nếp sống văn hóa, bên cạnh đó là chế độ chính sách, sự kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước. Chủ trương này có trở thành hiện thực hay không, thì phải có sự vào cuộc của cả hai phía – nhân dân, và cơ quan nhà nước. Vai trò của người lãnh đạo hết sức quan trọng trong việc gương mẫu thực hiện ứng xử có văn hóa. Người lãnh đạo các cấp cần tạo dựng được uy tín trước nhân dân, làm gương tốt cho nhân dân noi theo.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Mai (ĐH Văn hóa Hà Nội): Cả xã hội cần lên án
Ngày nay nói tục nói bậy đã trở thành đại dịch, vấn nạn của xã hội, không phải chỉ thấy riêng ở một tầng lớp xã hội mà ở tất cả. Hiện tượng này là hậu quả của sự xuống cấp văn hóa nghiêm trọng. Vấn đề này không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Muốn thay đổi thì phải nâng cao nhận thức của mọi người về vấn đề này. Giải pháp trước tiên là tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, báo chí; trong phim ảnh hạn chế sử dụng lời lẽ tục tĩu. Trong gia đình, cha mẹ phải làm gương cho con cái, uốn nắn dạy con từ nhỏ để chúng hình thành thói quen tốt. Trong trường học, thầy cô không nói bậy, coi giáo dục đạo đức là môn học bắt buộc. Cả xã hội cùng đồng lòng lên án, tẩy chay việc nói tục thì mới đạt được hiệu quả.
Mỵ Lương – Hồng Vân (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.