Nông thôn vơi nỗi lo “đói” sách: Trí thức trẻ đưa sách về quê

Khánh Gia Thứ sáu, ngày 29/08/2014 10:52 AM (GMT+7)
LTS: Để góp phần nâng cao dân trí, xóa dần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, hiện đang xuất hiện nhiều mô hình đưa sách về nông thôn, phục vụ bà con nông dân, như mô hình Tủ sách dòng họ, Tủ sách phụ huynh, Không gian đọc, thư viện trong khuôn viên chùa... Nỗi lo về “đói” sách ở nông thôn đã dần vơi bớt, nhưng việc tạo thành thói quen đọc sách, chuyển sách về quê thì vẫn là con đường gập ghềnh. 
Bình luận 0

Từ nhiều năm nay, phong trào trí thức trẻ đưa sách về quê hương đã bắt đầu được nhóm lên và lan truyền mạnh mẽ. Đó là những mạch nước ngầm trong lành mà những người con thành đạt từ làng quê đang đền đáp quê hương.

Từ những thùng sách cha mua

Sách ở thành phố nhiều khi bị bão hòa, thừa mứa do người dân ở khu vực đô thị có nhiều điều kiện tiếp cận với các ấn bản mới của nhiều nhà xuất bản. Tuy nhiên ở khu vực nông thôn, sở hữu một tủ sách nhỏ là cả một ước mơ, sách là nhịp cầu tri thức không thể thiếu để đưa vùng sâu, vùng xa tiến kịp với đồng bằng, đô thị... Trong suốt hành trình đi tìm chân dung những trí thức trẻ đưa sách về quê, chúng tôi đã gặp được những con người đáng quý, đáng trọng.

Chị Thu Lan- 35 tuổi hiện đang công tác tại Trung tâm Tin- Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ: “Tôi sống ở quê Hưng Yên từ nhỏ, tới khi học cấp 3 mới rời quê lên Hà Nội học. Tuổi thơ của tôi có may mắn hơn nhiều bạn nhỏ khác, đó là dù bố đi bộ đội đóng quân xa nhà nhưng mỗi lần về phép quà của bố cho tôi là những cuốn cuốn truyện tranh, những cuốn sách in bằng giấy đen của thời bao cấp. Đó là những cuốn truyện theo tôi suốt tuổi thơ”.

Những cuốn sách mà cha mua cho, chị Lan vẫn giữ, cất rất kỹ và thỉnh thoảng mang ra đọc lại. Thảng hoặc trong đầu chị đôi lúc có ý nghĩ, tại sao những người dân quê chị ở xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động (Hưng Yên) tuy không phải là nghèo về vật chất, nhưng ít có cơ hội và ý thức tiếp xúc với sách báo. Khi những ký ức của tuổi thơ được khơi dậy, chị đã mạnh dạn bàn với cha mình- người lính già nghỉ hưu lập tủ sách ở quê để cho trẻ em và người lớn có chỗ đọc sách. Chị Thu Lan chia sẻ: “Ý tưởng đưa một tủ sách về quê của tôi chỉ bắt đầu từ khi tiếp xúc với anh Nguyễn Quang Thạch - người sáng lập chương trình tủ sách dòng họ với mục tiêu “sách hóa nông thôn”. Tháng 4.2011, nhân dịp về quê giỗ họ, tôi bàn với cha tôi kế hoạch này. Bố tôi ủng hộ ngay, và đến ngày giỗ họ bố con tôi đã mạnh dạn trình bày với bác Trưởng họ Đỗ Hữu Úy. Không ngờ là cả họ tôi hào hứng đồng ý luôn. Thế là bố con tôi bỏ tiền đóng một cái tủ nhôm kính đặt ở nhà thờ họ và bắt đầu kêu gọi mọi người ủng hộ sách”.

Khi biết ý tưởng này của chị Thu Lan, ngay lập tức anh Nguyễn Quang Thạch đã ủng hộ 150 đầu sách các loại. Dĩ nhiên những thùng sách mà chị Lan để dành được trong thời gian gần 20 năm cũng được sung vào tủ sách dòng họ...

Cả xã đọc sách

Từ khi tủ sách của dòng họ Đỗ Hữu ở thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, được gây dựng, cho đến bây giờ cả xã có khá nhiều dòng họ cũng đã lập tủ sách. Hiện nay cả 4 thôn trong xã đã xây dựng được thư viện thôn để tạo thói quen đọc sách cho bà con.



Ông Trần Đình Huân 
 
Việc đọc sách khiến người dân quê tôi có một tầm nhận thức mới dễ tiếp thu những chính sách của nhà nước hơn, từ đó đời sống xã hội nông thôn thay đổi một cách tích cực. Bà con đã rút ra được rất nhiều những kiến thức bổ ích từ những cuốn sách được đưa về quê”.
 
Ông Đỗ Hữu Úy- Tộc trưởng dòng họ Đỗ Hữu của xã Ngọc Thanh cho biết: “Kể từ khi xây dựng tủ sách dòng họ, chúng tôi cũng đã có quy định rất cẩn thận. Sách được phân ra các chuyên mục rõ ràng từ sách chăn nuôi, khuyến nông, đến sách văn hóa, lịch sử, tin học và bây giờ có cả sách nâng cao cho học sinh cấp 2, cấp 3. Các loại tạp chí cũng được đưa về tủ sách của dòng họ tôi. Trước kia mới thành lập thì chỉ cho người trong gia tộc mới được mượn sách để đọc, nhưng vì ý thức của bà con trong làng ngày càng được nâng cao, thì bây giờ chúng tôi cũng đã chia sẻ sách của họ Đỗ Hữu với bà con trong làng trong xã. Việc mượn sách có quy chế chặt chẽ, vào sổ hẹn ngày trả rõ ràng, làm mất hay rách hỏng sách đều phải bồi thường, trả lại cuốn sách khác”’.

 

Để phát triển tủ sách dòng họ ngày càng phong phú, hàng năm họ Đỗ Hữu khuyến khích tất cả các thành viên không kể già, trẻ, dâu, rể, trai, gái của dòng họ đóng góp sách cho tủ sách dòng họ mình. Ai không mua sách có thể đóng tiền để họ đại diện đứng ra mua giúp dựa theo nhu cầu của người đọc. Đặc biệt là những người trong họ đã rời quê, có nhiều cơ hội tiếp xúc với sách vở nhiều hơn thì được khuyến khích sưu tầm và ủng hộ sách nhiều hơn.

Cũng hưởng ứng phong trào lập tủ sách dòng họ của địa phương, ông Trần Đình Huân- Trưởng họ Trần Đình ở thôn Thanh Cù đồng thời cũng là Chủ tịch xã Ngọc Thanh cho biết: “Riêng dòng họ Trần Đình chúng tôi cũng đã xây dựng được tủ sách họ nhà mình. Là người đứng đầu Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh, ngoài việc khuyến khách bà con lập tủ sách dòng họ, tôi đã chỉ đạo ngành văn hóa của xã xây dựng những thư viện thôn và cả 4 thôn trong xã đều đã có thư viện”.

Ông Huân cho biết: Kể từ khi phong trào đọc sách ở xã Ngọc Thanh được gây dựng thì đời sống bà con trong xã có những chuyển biến vô cùng tích cực. Vào những ngày hè, các tủ sách dòng họ và thư viện thôn thu hút rất đông các cháu nhỏ đến đọc, cứ nhà ai có cây bóng mát là các cháu đến đọc sách kín cả vườn. Việc quản lý trật tự xã hội của chính quyền cũng đỡ phức tạp hơn rất nhiều. Việc phổ biến kiến thức pháp luật, sản xuất chăn nuôi, đến việc xây dựng nông thôn mới cũng được bà con tiếp thu một cách nhanh chóng...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem