Các vấn đề như: kiềm chế lạm phát, giảm lãi suất, cắt giảm đầu tư công, việc làm cho người lao động...là những vấn đề thu hút nhiều ý kiến của các đại biểu.
Cần điều chỉnh lộ trình tăng giá phù hợp
Xung quanh vấn đề lạm phát, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, giải pháp chống lạm phát của Chính phủ cần quyết liệt hơn trong đổi mới các doanh nghiệp Nhà nước. Bộ máy doanh nghiệp Nhà nước hiện nay quá cồng kềnh, đẩy chi phí cao, sức cạnh tranh thấp. Nếu doanh nghiệp mạnh sẽ đủ sức vượt qua khó khăn, không trông chờ hỗ trợ từ nhà nước.
Phân tích sâu nguyên nhân của lạm phát, đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cho rằng lạm phát có nguyên nhân chính là do kích cầu không đúng chỗ, không đúng đối tượng. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cũng đang được sử dụng không phù hợp, còn biểu hiện tràn lan. Những giải pháp chống lạm phát thời gian qua đã trúng, đúng liều lượng chưa cũng cần xem xét, đánh giá lại.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-08-07/1434697010-070811_thoi-su_quoc-hoi01.jpg) |
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) |
Đại biểu Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị) lại cho rằng, việc tăng giá điện và các mặt hàng thiết yếu cần có lộ trình trong thời gian dài để doanh nghiệp, người dân có thời gian thích ứng. Đại biểu cũng đề nghị cắt giảm đầu tư công cần hợp lý hơn, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động.
Đại biểu Hà Sĩ Đồng đề nghị sắp xếp lại hệ thống ngân hàng, chỉ cần một số ngân hàng mạnh, không để như hiện nay các ngân hàng chạy đua lãi suất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin về thị trường cho doanh nghiệp, để các doanh nghiệp có thể khai thác các thị trường hiệu quả, tránh những rủi ro, biến động mà thị trường mang lại.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng: “Trong tình hình khó khăn hiện nay mà các ngân hàng chạy đua lãi suất, đó là hành vi nguy hiểm, cần phải có biện pháp mạnh để xử lý. Đồng thời biện pháp tăng giá cần điều chỉnh lộ trình phù hợp”.
Nhiều đại biểu cho rằng thực tế có nhiều ngân hàng thương mại năng lực yếu nhưng vẫn hoạt động, chạy đua lãi suất. Nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Bên cạnh đó, việc cắt giảm đầu tư công, thắt chặt tiền tệ dẫn đến khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc làm gia tăng. Lãi suất ngân hàng quá cao như hiện nay khiến trên 30% doanh nghiệp đang ở vào tình trạng thua lỗ.
Không ít ý kiến đề nghị cần đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế, cơ cấu lại tín dụng, giảm tín dụng cho phi sản xuất, những ngành không có lợi thế để tập trung vốn cho các ngành nghề, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Kiểm soát hoạt động tài chính của doanh nghiệp, sắp xếp lại hệ thống ngân hàng.
Đã ban hành 5 quy trình vận hành liên hồ chứa
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (Lạng Sơn) là thành viên Chính phủ đăng đàn để trả lời các vấn đề mà đại biểu quan tâm. Về vấn đề nhập siêu, Bộ trưởng bày tỏ quan điểm: Việt Nam đã nhập siêu từ năm 2005, nhất là từ 2007 khi chính thức gia nhập WTO thì nhập siêu có nhiều biến động. “Đây là mối quan tâm rất lớn của Chính phủ trong chỉ đạo điều hành”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định.
Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, cơ cấu kinh tế hiện nay của Việt Nam cũng phải chấp nhận nhập siêu, muốn hạn chế chuyển dịch cơ cấu kinh tế để đẩy mạnh xuất khẩu nhưng vấn đề này lại phải cần thời gian.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-08-07/1434697010-070811_thoi-su_quoc-hoi03.jpg) |
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng |
Giải pháp hạn chế nhập siêu được đưa ra là đẩy mạnh xuất khẩu, sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu. Đơn cử như từ 2015-2016 cố gắng sản xuất đủ xăng dầu, đang tiến dần đến sản xuất hàng hóa trong nước thay thế hàng nhập khẩu. Việt Nam cũng đang phối hợp với với Nhật Bản, Hàn Quốc để phát triển công nghiệp phụ trợ. "Chắc chắn, tới đây nhập siêu sẽ được giảm”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cam kết.
Về việc cấp giấy phép nhập khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng giải thích, hiện nay chỉ còn 4 mặt hàng được cấp hạn ngạch: đường, muối, thịt, trứng gia cầm, còn lại sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Bộ Công Thương đã có quy định để khống chế nhập siêu các hàng hóa không cần thiết. Chỉ có 3 cửa khẩu được quy định để nhập khẩu các hàng xa xỉ. Một giải pháp khác là đẩy mạnh cuộc vận động hàng Việt Nam dùng hàng Việt Nam.
Về những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề thủy điện gây tác động đến môi trường, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, vấn đề này đã được Quốc hội nhiều lần báo cáo. “Từ 2009 trở lại đây, Bộ Công Thương đã rà soát lại quy hoạch thủy điện, đã điều chỉnh 38 dự án thủy điện nhỏ không có hiệu quả, gây tác động môi trường lớn. Để hạn chế tác hại đến môi trường của thủy điện, nhất là việc lũ lụt, đến nay Chính phủ đã ban hành 5 quy trình vận hành liên hồ chứa”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.