Nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ 2014: Học sinh đã cẩn trọng

Thứ bảy, ngày 10/05/2014 07:13 AM (GMT+7)
Ngày 9.5, các Sở GDĐT khu vực phía Bắc đã bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) cho các trường ĐH, CĐ. Ghi nhận ban đầu, lượng hồ sơ năm nay giảm mạnh, đặc biệt là hồ sơ CĐ. Riêng khối ngành nông, lâm, ngư có tín hiệu khởi sắc với lượng hồ sơ tăng.
Bình luận 0
Hồ sơ giảm, hướng nghiệp đã “trúng”?

Theo số liệu thống kê của nhiều tỉnh, lượng hồ sơ năm nay giảm mạnh, đặc biệt là hồ sơ dự thi vào các trường CĐ.

Các sở GDĐT bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường ĐH, CĐ.
Các sở GDĐT bàn giao hồ sơ đăng ký dự thi cho các trường ĐH, CĐ.

Tại Sở GDĐT Nam Định, ông Nguyễn Tất Thắng – Phó Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp cho biết: “Lượng hồ sơ giảm mạnh là do công tác hướng nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến. Riêng tỉnh Nam Định, việc phân luồng, tư vấn đối tượng học sinh theo lực học đã được các giáo viên triển khai tới từng lớp”.

Cũng theo ông Thắng, một nguyên nhân khác khiến hồ sơ giảm là do lệ phí thi tăng: “Năm nay, lệ phí thi là 110.000 đồng/ bộ nên học sinh biết “tiết kiệm” hơn, rất ít em nộp hàng chục bộ hồ sơ như các năm trước. Nhiều em chỉ chọn thi một trường ĐH nếu không trúng tuyển thì xét tuyển CĐ chứ không nộp hồ sơ thi CĐ nữa”.

Bà Vũ Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc thì chia sẻ: “Tổng số học sinh lớp 12 của tỉnh là 12.456 học sinh, trung bình mỗi em chỉ nộp 1 bộ hồ sơ. Số lượng thấp chưa từng thấy”.

Còn tại Sở GDĐT Thái Bình, ông Phạm Hữu Bản – chuyên viên xử lý phần mềm tuyển sinh ĐH của Sở cho biết: “Lượng hồ sơ thi vào các trường CĐ chỉ có 3.688 bộ. Nhiều trường CĐ chỉ có 1 - 2 hồ sơ, trường CĐ nhận được nhiều nhất cũng chưa tới 100 bộ”. Cũng theo ông Bản lý giải, hồ sơ ĐKDT hệ CĐ là do tâm lý học sinh đã có thay đổi, nhiều học sinh đã chọn học nghề thay vì học ĐH, CĐ: “Trước đợt nhận hồ sơ, nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh đã về tận các trường để làm hướng nghiệp cho các em. Ngoài ra, con số cảnh báo 72.000 cử nhân thất nghiệp mà Bộ LĐTBXH vừa công bố cũng làm nhiều phụ huynh và học sinh… tỉnh ngộ” – ông Bản nói.

Khối nông lâm ngư khởi sắc


Trong khi tổng số hồ sơ ĐKDT giảm thì lượng hồ sơ dự thi vào các khối ngành nông lâm ngư và sư phạm lại tăng so với các năm trước.

Đến ngày 11.9 tới các Sở GDĐT phía Nam sẽ bàn giao hồ sơ cho các trường. Sau khi nhận được hồ sơ ĐKDT các trường ĐH, CĐ sẽ công bố các số liệu thống kê về hồ sơ dự thi, tỷ lệ chọi vào trường và các ngành đào tạo.

Tại tỉnh Thái Bình, số hồ sơ dự thi vào Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội là 2.727 hồ sơ (chiếm 8% tổng hồ sơ), ĐH Lâm nghiệp cũng nhận được 450 hồ sơ...

Tương tự, tại Sở GDĐT Nam Định lượng hồ sơ thi vào ĐH Nông nghiệp Hà Nội là 2.655 hồ sơ chiếm 7% tổng số hồ sơ ĐKDT. Sở GDĐT Vĩnh Phúc cũng thống kê, lượng hồ sơ dự thi vào ĐH Nông nghiệp của học sinh tỉnh này nằm trong top cao với 841 hồ sơ, các trường Lâm nghiệp Việt Nam, ĐH Thái Nguyên, ĐH Tây Nguyên… cũng có hồ sơ tăng hơn so với năm trước.

Ninh Bình: Hồ sơ ĐKDT là 13.123 bộ, giảm 2.988 bộ.
Thanh Hóa: Hồ sơ ĐKDT là 49.000 bộ, giảm 14.000 bộ.
Nam Định: Hồ sơ ĐKDT là 37.851 bộ, giảm 5.784 bộ.
Thái Bình: Hồ sơ ĐKDT là 35.785 bộ, giảm 8.000 bộ.
Hà Nội: Hồ sơ ĐKDT là 152.000 bộ, giảm 13.000 bộ.
Vĩnh Phúc: Hồ sơ ĐKDT là 14.375 bộ, giảm 5.019 bộ (hơn 30%).
Lai Châu: Toàn tỉnh có 2.000 hồ sơ trên tổng số 2.636 học sinh.

Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GDĐT Thanh Hóa khẳng định: Lượng hồ sơ thi vào khối nông, lâm nghiệp tăng đáng kể, riêng ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhận được 3.245 hồ sơ chiếm 6% lượng hồ sơ, xếp top 10 những trường có nhiều hồ sơ nhất.

Lãnh đạo các sở đều cho rằng, khối các trường nông, lâm ngư nghiệp có hồ sơ tăng là một tín hiệu vui khi học sinh đã bắt đầu biết định hướng nghề nghiệp theo nhu cầu thị trường.

“Hiện ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ nhân lực giỏi phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn rất cần. Những năm trước, học sinh thi nhau nộp hồ sơ vào ngân hàng, tài chính, kế toán, sư phạm… để bây giờ rất nhiều trong số đó không có việc làm sau khi ra trường. Việc quay về với các khối ngành thiếu nhân lực là một lựa chọn sáng suốt” – ông Nguyễn Tất Thắng nói.

Tùng Anh (Tùng Anh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem