Lý do gì khiến anh nhận vai ông Hùng nhí nhố, có phần nhu nhược trong “Thương ngày nắng về” - một chất vai khác hẳn những vai diễn trước đây của anh?
- Vai diễn này rất ngắn, xuất hiện với tần suất không đáng kể nhưng tôi vẫn nhận lời mời tham gia cho vui. Thực sự khi đọc kịch bản phần mẹ chồng - bà Hiền do Hương Bông (NSND Lan Hương) đóng, tôi thấy đó lại là một bà mẹ chồng kinh khủng. Nói thật là nếu phải sống với một bà vợ như thế là sự bất hạnh đeo đẳng suốt cuộc đời.
Vì thế, dù kịch bản vai diễn ông Hùng khá ngắn, là người chồng sợ vợ, có phần nhu nhược và cũng nhạt nên tôi cũng phải tự sửa, điều chỉnh vai diễn hơi khác thường một chút, để ít nhất cũng phải có cái gì đó để xem. Và tôi xoay nhân vật của mình theo hướng tếu táo, hơi nhí nhố một chút, thỉnh thoảng ăn nói ba lăng nhăng, trêu chọc vợ để cuộc sống bớt căng thẳng. Tất cả những điều này cốt để che đậy tâm trạng của ông khi phải sống cùng với bà vợ tai quái, choang choác.
Lần đầu đóng vai bố con trong "Thương ngày nắng về" nhưng NSND Trung Anh và Hồng Đăng khá ăn ý với chất nhí nhố, gây cười
Có thể thấy, dù cùng tham gia với Hồng Đăng trong "Người phán xử" nhưng đây là lần đầu tiên anh vào vai ông bố của nam diễn viên này, nhưng có vẻ hai bố con khá ăn ý nhí nhố gây cười?
- Phải nói thật là Hồng Đăng rất thành công khi làm ra được nhân vật có chất "em chã", hơi nhu nhược. Trong thời đại hiện nay, nhân vật Đức của Hồng Đăng chính là típ thanh niên non nớt trong cuộc sống gia đình, ham chơi ham vui. Tôi rất thích cách diễn của Đăng.
Còn với NSND Lan Hương - dù từng đóng chung với nhau khá nhiều nhưng đây lại là phim đầu diễn vai vợ chồng, anh thấy thế nào?
- Đây là phim thứ 3 tôi đóng với Hương Bông nhưng chúng tôi đã diễn chung với nhau trên sân khấu rất nhiều nên rất hiểu nhau. Việc tung hứng không gặp trở ngại gì, chúng tôi diễn khá thoải mái với nhau vì người này biết người kia sẽ diễn ra sao.
Nói về vai diễn này của Hương Bông, tôi không bất ngờ về diễn xuất mà lại bất ngờ về phục trang màu mè hơn (cười).
Nhìn vào hoạt động nghệ thuật của anh gần đây, có vẻ từ sau khi về hưu anh “tham” hoạt động hơn trước?
- Thực sự thì cuộc sống của tôi không có gì xáo trộn, không hề thấy chống chếnh, chông chênh gì từ khi về hưu. Bởi cách nay dăm bảy năm, tôi từng đòi nghỉ hưu sớm nhưng không được lãnh đạo Nhà hát chấp thuận. Còn bây giờ có khác thì chỉ một chút là tôi không còn là người của Nhà hát Kịch và đi làm ngoài thì không cần phải báo cáo nhà hát nữa. Tôi vẫn nhận lời tham gia phim ảnh, quảng cáo nếu phù hợp.
Ngoài ra, gần đây tôi đã vào ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội dạy chuyên môn cho sinh viên. Lịch học của sinh viên chân ướt chân ráo vào trường khá dày đặc do phải học bù do nghỉ dịch bệnh. Nghề diễn xuất không thể chỉ trông vào học trực tuyến, thành ra thầy trò tranh thủ thời gian được gặp nhau để thị phạm, uốn nắn. Đi dạy học có nhiều cái hay, tôi muốn được truyền kinh nghiệm cho bọn trẻ.
Còn điều khác hơn trong cuộc sống sau khi về hưu có lẽ chỉ là cả hai con đều đã đi học ở nước ngoài nên hai vợ chồng tôi cũng hơi buồn.
Hai con đều đi học xa trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, nhất là với con gái mới nhập học tại Mỹ hẳn khiến anh rất lo lắng?
- Với cậu anh tôi còn không lo lắm vì bạn ấy dễ sống, dễ hòa nhập hơn. Còn cô em thì khó hòa nhập hơn, giao tiếp hơi kém nhưng vẫn quyết tâm đi nên vợ chồng tôi lại càng lo. Vợ tôi ở nhà nhiều khi phát điên lên vì nhớ con. Con bé lại được bao học hơi nhiều, dù chịu khó học nhưng lại ít va chạm nên chúng tôi lo nhất việc hòa nhập của con.
Tuy nhiên chúng tôi không cản con và mong con đi học để thay đổi chính bản thân mình, học về cách sống, cách đối nhân xử thế bên cạnh việc học.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.