NSƯT Hải Phượng nói về "cuộc sống thứ 2" của mình với cây đàn tranh

Thúy Ngọc Thứ năm, ngày 27/05/2021 15:52 PM (GMT+7)
Xuất hiện trong "Dấu ấn huyền thoại", NSƯT Hải Phượng có dịp trải lòng cùng khán giả về những trăn trở của mình với cây đàn tranh.
Bình luận 0

"Dấu ấn huyền thoại" tập 3: Tan chảy khi tiếng đàn của NSƯT vang lên.

Tập 3 "Dấu ấn huyền thoại" với khách mời là NSƯT Hải Phượng. NSƯT Hải Phượng là nghệ sĩ đàn tranh Việt Nam. Nghệ sĩ Hải Phượng sinh ra trong một gia đình có truyền thống nhạc dân tộc.

Khi mới 5 tuổi, bà đã được mẹ là nhà giáo Phạm Thúy Hoan, giảng viên Trường Âm nhạc Quốc gia truyền dạy đàn tranh. Khi lên 7 tuổi vào năm 1976 NSƯT Hải Phượng đã được theo học đàn tranh khóa đầu tiên tại Nhạc viện TP. HCM. 

Dấu ấn huyền thoại: NSƯT Hải Phượng nói về "cuộc sống thứ 2" của mình - Ảnh 2.

NSƯT Hải Phượng: "Cây đàn tranh là cái duyên thay đổi cả một cuộc đời tôi".

Trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật, nữ nghệ sĩ đã ghi dấu ấn với những album chất lượng như: "Tiếng đàn Hải Phượng", "Tiếng xưa", "Bến xuân"… 

Gắn bó với đàn tranh từ năm lên 5 tuổi, NSƯT Hải Phượng xem đó như một cái duyên đã thay đổi cả cuộc đời của mình. NSƯT Hải Phượng kể: "Khi Phượng còn nhỏ, mỗi giờ tập là Phượng để một cái đồng hồ. Khi nào hết giờ, nó reng lên là mình được đi chơi, thích lắm. Cứ chờ nhiều khi nhìn sao đồng hồ nó không chạy, nó cứ đứng hoài à".

Dấu ấn huyền thoại: NSƯT Hải Phượng nói về "cuộc sống thứ 2" của mình - Ảnh 3.

Tại sân khấu "Dấu ấn huyền thoại", NSƯT Hải Phượng để lại nhiều ấn tượng khi chia sẻ những kỷ niệm trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình.

NSƯT Hải Phượng chia sẻ: "Càng lớn thì mình càng có thêm nhiều kỹ thuật, có tình cảm. Cho đến bây giờ, mình có thể nói được tình cảm của mình trên cây đàn tranh. Lúc đó tập đàn không còn là giờ tập mà mình thích hoặc là tự đàn cho mình nghe khi buồn, vui. Mình có thể thả hồn vào cây đàn. Đến bây giờ là chơi đàn chứ không còn tập đàn nữa".

Là một nghệ sĩ, NSƯT Hải Phượng luôn khao khát được lưu giữ và lan tỏa những đặc sắc tinh túy của âm nhạc dân tộc tới với thế giới. Trong suốt hành trình hoạt động của mình, NSƯT Hải Phượng đã đưa tiếng đàn tranh tới hơn 20 quốc gia trên thế giới, và vinh dự được biểu diễn tại những sự kiện âm nhạc tầm cỡ quốc tế.

Dấu ấn huyền thoại: NSƯT Hải Phượng nói về "cuộc sống thứ 2" của mình - Ảnh 4.

NSƯT Hải Phượng sinh ra trong gia đình có truyền thống về âm nhạc và được tiếp xúc với những nhạc cụ dân tộc ngay từ khi còn rất nhỏ.

Năm 1993, NSƯT Hải Phượng cùng với giáo sư Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc La Music Hier et Aujourd'hui. Nghệ sĩ Hải Phượng đã trình diễn tại các liên hoan và các sự kiện âm nhạc lớn: "Hội chợ triển lãm hàn Quốc năm 1993", "Liên hoan Việt Nam tại Nhật Bản năm 2001", "Liên hoan Âm nhạc châu Á năm 2000" và trình diễn cùng dàn nhạc Tokyo.

Cũng nhờ đây mà đàn tranh Việt Nam đã được trên 20 quốc gia biết đến. NSƯT Hải Phượng cho rằng: "Đánh đàn để cho mọi người cảm được không hề đơn giản. Và đàn tranh của Việt Nam đã làm được. Những nhấn nhá của nó, có thể nói có cảm giác như "cứa" đứt ruột gan người nghe".

Dấu ấn huyền thoại: NSƯT Hải Phượng nói về "cuộc sống thứ 2" của mình - Ảnh 5.

Là một nghệ sĩ, NSƯT Hải Phượng luôn khao khát được lưu giữ và lan tỏa những đặc sắc tinh túy của âm nhạc dân tộc tới với toàn cầu.

Năm 1981, vì ham mê nhạc dân tộc, với mục đích lưu giữ, phát triển và cập nhật nhạc dân tộc Việt Nam, nghệ sĩ Hải Phượng cùng mẹ và em gái là nghệ sĩ Hải Yến đã lập ra câu lạc bộ Tiếng hát quê hương.

NSƯT Hải Phượng là người hiểu rõ nhất những thăng trầm của nghề, đồng thời cũng mang nhiều trăn trở về tương lai phát triển của bộ môn đàn tranh nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung.

Tình yêu dành cho đàn tranh của NSƯT Hải Phượng cũng lớn dần theo năm tháng. NSƯT Hải Phượng tâm sự rằng: "Hơn 45 năm trôi qua, tôi dồn hết tâm tư vào tiếng đàn. Nhạc cụ này, có thể nói như là cuộc sống thứ hai của tôi.

Và vì là cuộc sống, với sự nối tiếp từ đời mẹ - chính Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan đã truyền dạy đàn tranh cho tôi, nên ngày nay, tôi tiếp tục truyền lửa và vun đắp tình yêu đàn tranh cũng như nhạc cụ dân tộc đến thế hệ trẻ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem