NSƯT Lệ Thủy: Tiếng hát “mút mùa”

Chủ nhật, ngày 18/08/2013 07:12 AM (GMT+7)
Hơn 50 năm tuổi nghề, giọng ca NSƯT Lệ Thủy vẫn có một sức hút kỳ lạ với giới mộ điệu cải lương, bởi cô “có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc...".
Bình luận 0
Hơn 50 năm tuổi nghề, giọng ca NSƯT Lệ Thủy vẫn có một sức hút kỳ lạ với giới mộ điệu cải lương, bởi cô “có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân” (lời soạn giả Viễn Châu).

Song, để giọng ca trời phú ấy tỏa sáng đến hôm nay, có lẽ, không chỉ cần sự rèn giũa, khổ luyện với nghề mà còn cần cả một nhân cách - nhân cách của một người nghệ sĩ lớn trước nhiều biến thiên của thời cuộc.

15 tuổi thành đào

NSƯT Lệ Thủy chào đời tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long năm 1948, trong một gia đình nông dân nghèo. Ba cô đi làm ruộng mướn cho người ta, má cô lấy nghề chằm lá làm kế mưu sinh. Khi ngôi nhà lá ven sông – tài sản duy nhất của gia đình chẳng may bị thiêu rụi – má cô đánh liều bồng cô lên Sài Gòn tìm việc. Ba cô vì sợ bắt lính, cùng cậu con trai nhỏ ở lại quê tá túc nhà người bà con. Ông vốn họ Dương, nhưng do làm giấy tờ giả để trốn lính, ông mang họ Trần.

Cô Lệ Thủy khi đoạt giải Thanh Tâm
Cô Lệ Thủy khi đoạt giải Thanh Tâm

Sau nhiều bận lận đận xin việc, má cô Lệ Thủy được một người quen thương tình cho ở đậu rồi giúp cho ít vốn làm ăn. Hằng ngày, cô bé Lệ Thuỷ mới 4 tuổi đã biết phụ mẹ làm bánh đem ra chợ Cầu Cống, Khánh Hội (quận 4) bán. Má cô tảo tần sớm hôm, lãnh thêm việc nấu cơm cho công nhân, ky cóp từng đồng, mua được căn nhà lá để đón chồng và con trai lên. Cuộc sống gia đình dần ổn định, dù căn nhà mới chỉ đủ kê cái giường đôi làm chỗ ngủ cho cả gia đình, và cơi thêm cái chái làm chỗ cho “chị Hai” Lệ Thủy mắc võng ru em.

Má cô lần lượt sinh thêm 6 người con nữa. Cả thảy đều do một tay cô – lúc ấy mới 9-10 tuổi đầu – chăm sóc mỗi khi đi học về. Mỗi lần đút cơm, cô hay bồng em ra mé cầu Cống, chỗ có tiệm sửa radio - thường mở loa cho cả xóm nghe vọng cổ. Nghe bài nào, cô ca theo thuộc bài nấy, rồi về nằm võng trước nhà hát ru em. Một hôm, anh Tư Long phụ trách ban văn nghệ xóm bên đi ngang qua.

Thấy cô có chất giọng hay, anh mời cô vào ban văn nghệ của mình rồi dẫn cô tới nhà “thầy” Năm Truyền gửi gắm. Thầy chỉ dạy ban đêm vì ban ngày còn phải hớt tóc, nhưng độ một tuần là cô ca rành nhịp. Từ đó, hễ có đám cưới, thầy lại cho cô đến ca giúp vui, cho tiền may áo mới. Khi thấy trò đã rành ca vọng cổ, thầy Năm Truyền giới thiệu cô với thầy Tám Đen, chuyên chơi đờn kìm để học thêm những bản ba Nam, sáu Bắc. Nhờ vậy, cô có cơ hội tiếp cận cải lương một cách bài bản.

Hết tiểu học, vì không có giấy khai sinh, cô Lệ Thủy thôi học và được giới thiệu vào làm đào con cho đoàn Trâm Vàng của thầy đờn kìm Mười Của. Đoàn thường xuyên lưu diễn miền Trung. Lúc đi phải ngồi dưới sàn xe, tối đến ngủ ở sân khấu, Lệ Thủy vừa tủi vừa nhớ nhà. Một hôm, ông bầu đưa mấy câu thơ, kêu ngâm trong hậu trường, cô ngâm xong được thưởng 10 đồng, lên xe còn được dành cho một ghế ngồi đàng hoàng ở phía sau. Bữa khác, chàng kép con của đoàn tự dưng bị bể tiếng không ca được, Lệ Thủy được cho ra thế vai và được lãnh lương 15 đồng.

Có lương, có suất cơm, lên xe có ghế ngồi… cô theo đoàn ba tháng liền. Cô đi với đoàn thêm sáu tháng nữa, tiếng tăm đồn xa, cô được hãng ASIA mời thu bài Nấu bánh đêm xuân (tác giả Quy Sắc) chung với nghệ sĩ Hữu Phước, đồng nghĩa với việc được nhìn nhận như một cô đào, kèm 900 đồng thù lao (đào chánh đoàn Trâm Vàng lúc đó được trả cát-sê 400 đồng). Lần đầu tiên cầm trong tay số tiền lớn của con gái, má cô đem về cho những người bạn nghèo trong xóm mượn ăn tết hết!

Sau đó, cô được “đại ban” Kim Chung mời ký “công-tra” với số tiền 50.000 đồng. Sáu tháng sau, cô lên đào chánh, hợp đồng 250.000 đồng khiến má cô “chóng mặt”. Cô mua ngay ngôi nhà ba tầng trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), đưa gia đình về ở. Năm đó, cô tròn 15 tuổi.

Rực rỡ tuổi 16

Từ khi trở thành đào chánh, trong suốt 13 năm đầu của sự nghiệp, từ năm 15 - 28 tuổi, Lệ Thủy chỉ gắn bó với đoàn Kim Chung của ông bầu Long, lần lượt có mặt trên bốn trong số bảy sân khấu của đoàn này, dù cô nhận được không ít lời mời hấp dẫn từ các đoàn khác. “Tôi thích ổn định, rất ngại sự xáo trộn. Ở đâu miễn sống vui vẻ thì còn quý hơn tiền. Nghệ sĩ ai không muốn cát-sê cao, nhưng có những điều mà tiền không thay thế được”.

NSƯT Lệ Thủy  và người hâm mộ
NSƯT Lệ Thủy và người hâm mộ

Đặc biệt hơn, ông bầu Long còn lập hẳn đoàn Kim Chung 3 cho cô làm đào chánh, đóng cặp với kép Thanh Hải – “đệ nhứt anh hùng lưu diễn miền Tây”. Chính từ sự kết hợp này trong một số vở: Bẽ bàng duyên mới, Sương gió bến tầm dương… mà Lệ Thủy lọt vào tầm ngắm của ban tuyển chọn giải Thanh Tâm. Cô và nghệ sị Thanh Sang đã hát vở Sương mù trên non cao (tác giả Hà Triều – Hoa Phượng) trước ban tuyển chọn, và cô trở thành cô đào trẻ nhất trong lịch sử giải Thanh Tâm khi mới bước qua tuổi 16.

Cùng với sự khởi sắc trên sàn diễn, tiếng hát Lệ Thủy qua đĩa nhựa nườm nượp xuất hiện ở thị trường, ào ạt trôi về tận miền quê xa xôi hẻo lánh. Trong thời gian này, ông “vua vọng cổ” Viễn Châu, khi sáng tạo loại hình “tân cổ giao duyên” với bài Chàng là ai đã chọn giọng ca Lệ Thủy để hát thử nghiệm. Khi cô đóng chung với nghệ sĩ Minh Phụng, đã tạo thành một “cặp bão biển” như lời tán dương của báo chí kịch trường thời ấy: đĩa nào ra cũng chạy, tuồng nào ra cũng thắng, năm nào cũng “đoạt áo vàng” theo kiểu nói vui của ông bầu Long.

Sau ngày giải phóng, Lệ Thủy trở thành linh hồn của đoàn Văn công TP.HCM với những vở mang màu sắc mới được đông đảo khán giả đón nhận: Cây sầu riêng trổ bông, Tiếng sóng Rạch Gầm, Khi bình minh trở lại… cũng như sau này ở sân khấu Đoàn 2–84 với Tô Ánh Nguyệt, Lôi Vũ, Đời cô Lựu, Câu thơ yên ngựa…

Dù đã ca chung với nhiều nam tài tử nổi tiếng, nhưng cô Lệ Thủy cùng nghệ sĩ Minh Vương đã tạo thành cặp đôi ăn ý, được khán thính giả ái mộ đến tận ngày nay.

“Những năm 80-90, nhiều Việt kiều về nước làm video, tôi là người đầu tiên được đặt vấn đề. Tôi làm 100 tuồng và phải hát với Minh Vương, họ mới bán được. Hát liên tục như thế và đi nước ngoài người ta cũng yêu cầu phải hát chung với anh ấy. Nếu Minh Vương từ chối hát với Lệ Thủy hay ngược lại thì cũng không được”.

Dòng đời bình yên

Trong giới đào hát, cô Lệ Thủy là người hiếm hoi có được một gia đình sum vầy, hạnh phúc. Chuyện hôn nhân của cô có thể ví như một câu vọng cổ mùi, ngọt ngào trải dài nhiều năm tháng, từ lúc đầu còn xanh cho đến bây giờ đã lên chức ngoại. Thuở mới lớn, cô luôn được một người dì theo sát, vừa giúp đỡ vừa canh chừng, đưa ra những lời “cảnh báo” giúp cô tránh xa cạm bẫy tình, nên cô chẳng dám quen ai.

Một lần đi hát ở tỉnh về, cô bị té gãy tay, phải ở nhà dưỡng thương mấy tháng. Có mấy anh em ở chung cư đối diện thường qua nhà má cô mua bánh tằm nên thân quen. Một bữa, họ dẫn người anh ruột mới từ miền Trung vào học đại học qua giới thiệu với gia đình cô. Bên này dòm qua, bên kia dòm lại, vậy là quen. “Đâu chừng nửa năm sau, dì và má cho phép chúng tôi nói chuyện, và hai năm sau thì làm đám cưới”.

Chồng cô, chú Nguyễn Đình Trúc - cử nhân kinh tế Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn - vốn “xa lạ” với cải lương nhưng cách sống giản dị, thật thà của cô đã “bắt hồn” chú ngay từ lần đầu gặp gỡ. Cô thương chú vì chú thật tình, không đãi bôi. Cuộc sống hạnh phúc, cả ba người con của cô đều tốt nghiệp đại học ở Úc. Riêng cậu con thứ hai - Đình Trí, vì mê nghề hát nên sau khi tốt nghiệp đã theo mẹ, vừa làm ca sĩ vừa tổ chức chương trình ca nhạc.

Cuộc sống với nghệ sĩ Lệ Thủy giờ đây là “quá hạnh phúc”. Không còn phải bươn chải kiếm sống, cô hăng say viết nên những cuộc hành trình đền đáp cho đời, cho khán giả. Những buổi diễn xây nhà tình nghĩa, những chuyến từ thiện cùng bạn bè, mang giọng ca và quà đến trao tận nơi cho người nghèo ở vùng sâu vùng xa luôn có mặt Lệ Thủy trên từng cây số. Cô cười quả quyết, chừng nào còn sức khỏe, cô còn đi hát đáp tình bà con “mút mùa”… Lệ Thủy!
Hai “nỗi oan” của Lệ Thủy

• Nhiều chuyện
Năm 2008, vì muốn hát Lá sầu riêng nên Lệ Thủy đến nhờ nghệ sĩ Kim Cương nói thêm về vở này. Cô Kim Cương nói, để dựng, thì phải lấy DVD Lá Sầu riêng mới nhất của Trung tâm ca nhạc hải ngoại. Sang Mỹ biểu diễn, cô nhờ nghệ sĩ Phượng Liên tìm giúp đĩa, hăm hở mang về.

Sau đó chuyện bản quyền Lá sầu riêng bùng ra. Nghệ sĩ Lệ Thủy kể: “Họp báo, Kim Cương còn nói: “Dụ con Thủy chơi vậy, nó đem về cho có bằng cớ”. Tức muốn chết à! Tôi đâu có nhiều chuyện mà giờ tự dưng thành người nhiều chuyện”.

• Cờ bạc
Năm 2007, Lệ Thủy sang Mỹ hát vở Trưng Trắc, Trưng Nhị cùng nghệ sĩ Phượng Liên. Thế rồi một tờ báo của người Việt ở đó viết rằng, Lệ Thủy là chuyên gia cờ bạc, lãnh được đồng tiền đi hát nào, vừa tay mặt sang tay trái là vào casino thua hết trơn”.

Cô than: “Đời tui mà biết thêm cờ bạc chắc nhà trôi lâu rồi”.
Mai Chi (Dòng Đời) (Mai Chi (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem