NSƯT Mai Châu: Hồng nhan nhưng không hề đa đoan

Thứ năm, ngày 25/12/2014 10:04 AM (GMT+7)
NSƯT Mai Châu là bức chân dung sống động về một người phụ nữ, một cựu diễn viên nổi tiếng dù hồng nhan nhưng không hề đa đoan.
Bình luận 0

“Tôi ở xa lắm, mãi tận Ciputra cơ.  Tôi về đây nghỉ ngơi thôi, không đi làm phim nữa nên cũng không có chuyện gì mới. Cho tôi xin phép từ chối nhé.” Lần thứ nhất gọi điện thoại cho NSƯT Mai Châu, thông qua “tổng đài” là người giúp việc tốt bụng của gia đình cô con gái út của bà - chị đã giúp tôi kết nối liên lạc bằng cách cầm điện thoại chạy lên tầng 17 khu chung cư cho bà nghe vì tôi chưa có số điện thoại cố định nhà riêng của nghệ sỹ Mai Châu - tôi đã không đạt được ý nguyện của mình. Hai ngày sau, tôi quyết định liên lạc lại, NSƯT Mai Châu khiến tôi bất ngờ.

Bà đã thân thiện hơn một chút. Và trong cuộc đối thoại, tôi đã tìm thấy lý do khi bà nói: Hôm qua Việt về nhà và có nói chuyện... Thì ra, nhờ đạo diễn Nguyễn Đức Việt (con rể út của NSƯT Mai Châu) đã có lời nên tôi có cơ hội được gặp bà – một trong những nữ diễn viên tài sắc một thời của điện ảnh Việt Nam.

img
Diễn viên Mai Châu hiện tại

Câu chuyện về thiếu nữ thành Vinh trốn nhà vào Nam

Trước khi trường Điện ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên khóa I với các tên tuổi nổi tiếng sau này là Ngọc Lan, Trà Giang, Lâm Tới... thì đã có một thế hệ diễn viên đầu tiên xuất thân từ những chiến sỹ văn công trên chiến trường. Và NSƯT Mai Châu là một trong số đó.

Sinh ra tại thành phố Vinh – Nghệ An trong một gia đình có 4 người con, nghệ sỹ Mai Châu được cha mẹ cưng chiều một phần vì bà là con gái út trong nhà, một phần gia đình khá giả nên có đủ điều kiện để cho con cái sống trong nhung lụa và rèn giũa để trở thành một cô gái hiện đại nhưng vẫn theo truyền thống phương Đông.

Cho đến giờ, nghệ sỹ Mai Châu vẫn giữ được nét đẹp của thời thanh xuân với nụ cười tươi, làn da trắng và phong thái đài các của con nhà quyền quý. Có cả sắc và tài và được nhiều chàng trai theo đuổi, nhưng cô gái xinh đẹp Mai Thị Châu lại không muốn số phận an bài như đa số các tiểu thư khuê các khác. Năm 1945, bà quyết định bỏ lại tất cả để đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. “Rất nhiều người trốn nhà, nhảy tàu vào Nam để được phục vụ Cách mạng. Bà cũng thế!” – Nghệ sỹ Mai Châu có lối xưng hô rất thân mật khi gọi chúng tôi là cháu, xưng bà.

Học cứu thương rồi theo đoàn quân Nam tiến, bà được phân công vào đoàn kịch chiến trường, ban ngày làm công tác cứu thương, tối biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Cuộc sống của các chiến sỹ cầm súng ngoài mặt trận và các chiến sỹ văn công như bà đều đầy ắp khó khăn và thiếu thốn, nhưng nghệ sỹ Mai Châu nói bà cảm thấy như có sức mạnh và không hề mệt mỏi với công việc của mình. “Mỗi khi hành quân, bộ đội đi hai bên đường, văn công đi ở giữa vừa đi vừa hát.

Thích lắm, hạnh phúc lắm!”, bà nhớ lại. Vào thời điểm đó, đoàn văn công phục vụ cách mạng do nhà văn Nguyễn Tuân làm trưởng đoàn. Nghệ sỹ Mai Châu chính thức trở thành diễn viên điện ảnh vào năm 1956, khi được nhận về Xưởng phim Việt Nam nay là Hãng phim truyện Việt Nam, làm trong bộ phận lồng tiếng cùng với các diễn viên Trịnh Thịnh, Đức Hoàn, Hoàng Yến. Sau này, cả nhóm tham gia thi tuyển diễn viên và được chọn làm diễn viên chính thức của Xưởng phim.

img
Diễn viên Mai Châu năm 19 tuổi

Từ vai diễn đầu tiên, vai bà mẹ trong bộ phim Cô gái công trường, nghệ sỹ Mai Châu được giao đảm nhân vai chính Lệ Mỹ trong phim Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn. Và đây thực sự là bước ngoặt trong sự nghiệp diễn xuất của bà. Để được giao vai này, nghệ sỹ Mai Châu phải qua cuộc tuyển chọn khá gắt gao có sự góp ý của Bộ Công an mặc dù thời đó diễn viên thường được mời đóng mỗi khi có phim mới.

Cùng tham gia trong Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn với bà là các nghệ sỹ Lâm Tới, Ngô Nam. Bằng sự thông minh, có nghề cùng khả năng diễn xuất được trau dồi, nghệ sỹ Mai Châu đã hóa thân một cách xuất sắc thành nữ gián điệp xinh đẹp, ranh mãnh. Khi phim chiếu cho Bộ Công an xem, bà đã vinh dự nhận được lời khen ngợi từ bộ trường Trần Quốc Hoàn. Và điều tuyệt vời hơn cả là sự nghiệp của bà thực sự thăng hoa từ sau vai diễn này. Các đạo diễn liên tục mời bà đảm nhận các vai phản phái. Nhớ lại điều này, bà cười tươi: “Tuy cũng có lúc thèm được đóng chính phái, nhưng mà bà vẫn rất vui”.

Quả thực, với khán giả yêu phim Việt Nam xưa thì những nhân vật như bà Nghị Quế trong phim Chị Dậu, bà Phó Đoan của Sao Tháng Tám, vợ Bá Kiến trong Làng Vũ Đại ngày ấy hay Hoàng Thái Hậu trong phim Đêm hội Long Trì... là những nhân vật không dễ gì bị lãng quên trong tâm trí người xem nhờ sự “đóng đinh” của gương mặt nghệ sỹ vừa có nét quyền quý vừa sắc sảo là Mai Châu.   

“Ngày ấy cứ được đóng phim là vui rồi, không ai quan trọng vai gì, tốt hay xấu, sướng hay khổ”, nghệ sỹ Mai Châu nhớ lại. Bà cũng nhớ khi làm phim Vợ chồng anh Lực ở Nam Định, trong vai một bà buôn rượu lậu đầu đội 1 thúng rượu, vội vã bước xuống ruộng nên bị thụt bùn và ngã. Phục trang cho nhân vật chỉ có một bộ quần áo, đạo diễn Trần Vũ yêu cầu bà thực hiện động tác ngã một lần là phải được luôn chứ không có quần áo để thay và quay lại. Dĩ nhiên là bà đã hoàn thành cú ngã ngoạn mục đó. Thời thế và hoàn cảnh buộc người diễn viên phải cố gắng, không phải chỉ vì vai diễn mà còn là nhiệm vụ mà được giao.

Vẫn câu nói quen thuộc, vừa hãnh diện và như có chút tiếc nuối về một thời làm nghề tuy nhiều khó khăn vất vả nhưng ai cũng say mê, cống hiến hết mình, bà nói: “Diễn viên ngày xưa là thế, hồn nhiên lắm, cứ được đi đóng phim là thấy vui, là hạnh phúc. Thậm chí không màng tới thù lao bao nhiêu. Chỉ đến khi anh thư ký đưa cho phong bì dán kín cũng cứ thế cầm về nhà, mở ra mới biết được bao nhiêu tiền.”

Người khiến những người đẹp… khóc

Nghệ sỹ Mai Châu được phong NSƯT vào năm 1996. Tính đến nay, sự nghiệp diễn xuất của bà đã có bề dày với hơn 30 vai diễn trong các phim truyện điện ảnh và truyền hình, thậm chí cả phim do nước ngoài sản xuất là phim Đông Dương. Thời gian đã trôi qua rất lâu, nhưng bà không bao giờ quên được những vai diễn của mình. Có lẽ, mỗi bộ phim, mỗi nhân vật mà mình hóa thân, bà đều nghiền ngẫm rất kỹ. Với vai bà Nghị Quế trong Tắt đèn, đóng cùng diễn viên Lê Vân (vai Chị Dậu), nghệ sỹ Mai Châu cho biết nhờ kinh nghiệm được sống trong thời Pháp thuộc nên bà hiểu không khí, tinh thần của nhân vật.

Ngoài ra, có một lý do nữa là do bà ham đọc sách từ nhỏ. Bà kể hồi còn nhỏ, rất nhiều lần bị mẹ mắng vì khách đến nhà cứ mải mê đọc sách, quên cả rót nước mời họ. Trong thời gian làm phim Tắt đèn, nghệ sỹ Mai Châu thường về nhà lúc 2h đêm. Khi đó, cả nhà đã đi ngủ hết, nhưng bà vẫn ngồi ở phòng khách suy nghĩ về những cảnh đã quay trong ngày và ước sao lúc đó mình không làm thế này, thế nọ.

Để rồi, sáng hôm sau, bà Nghị lại tất tả đến phim trường “đòi đạo diễn cho quay lại” cho tốt hơn. “Tất nhiên là các ông ấy không đồng ý, nói thế là tốt rồi và động viên bà nghĩ tới cảnh tiếp theo.” Hẳn nhiên là bà đã làm rất tốt vì bà là một diễn viên có nghề, không chỉ ở diễn xuất mà còn có thể tương tác với bạn diễn. Một trong những “khiếu” đó của bà thể hiện ở khả năng làm cho chị Dậu Lê Vân… khóc.

Nghệ sỹ Mai Châu kể, trong một cảnh quay của mình, diễn viên Lê Vân không sao khóc được. Đoàn làm phim phải cử người tìm bà ra trợ giúp. Bà hỏi lý do thì được trả lời: Ra làm cho Lê Vân khóc. Quả nhiên, với sự giúp đỡ của bà, chị Dậu Lê Vân đã khóc được. Câu chuyện về kinh nghiệm khóc và làm cho người khác khóc của nghệ sỹ Mai Châu được tiếp tục kể lại trong những dòng hồi ức rất thú vị của bà. Đó là phim Lá ngọc cành vàng, nhân vật nữ chính do diễn viên Thu Hà bị bố (Nghệ sỹ Trịnh Thịnh đóng) ép uống thuốc để ra thai. Quá đau đớn, chị khóc.

Nhưng Thu Hà không thể nào chảy nước mắt được. Trợ lý đạo diễn lại phải đi tìm bà (vai người mẹ) nhờ giúp Thu Hà khóc. “Bà bèn đi ra, nói với ông Trịnh Thịnh cứ quát nó xem nào thì ông ấy bảo – Tôi quát mãi rồi, nó không khóc – Bà bảo ông cầm roi quất nhẹ, rồi bà ôm lấy con gái và khóc, nhờ thế mà Thu Hà cũng khóc được luôn.”

Còn trong  phim Vết trượt, nhân vật của bà thua bạc, bị chủ nợ tịch thu nhà cửa, ốm nằm đó một mình khi người bạn đến thăm thì khóc. Bạn diễn đóng cùng hỏi Liệu có khóc được không? Bà trả lời: Được chứ, chỉ cần hỏi thăm là tôi khóc ngay. Và quả thật, bà đã khóc ngay và luôn đến nỗi diễn viên nam đóng vai người con của bà trong phim đã phải thốt lên: Trời ơi, mình có người mẹ tài thế! Bảo khóc là khóc được luôn!  

Nếu không gặp nghệ sỹ Mai Châu ngoài đời, hẳn rất nhiều người vì đã quen nhìn bà trên phim với các nhân vật quyền uy, lạnh lùng sẽ nhầm rằng trong cuộc sống đời thường, bà cũng là người khó tính, trái nết. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Trong những năm tháng theo đuổi nghề diễn viên, nghệ sỹ Mai Châu nổi tiếng là người khiến cho các đồng nghiệp mến mộ và cảm phục bởi lối sống, cách ứng xử rất điềm đạm, chừng mực của bà. Nghệ sỹ Mai Châu kể: “Khi bà được mời sang Pháp đóng phim Đông Dương, đối tác cho gì bà cũng không lấy. Bởi bà cho rằng người ta nghĩ Việt Nam thiếu thốn nên thương hại.

Phần nữa là hồi đó có một số diễn viên được đi nước ngoài nhưng đã trốn lại, không quay về nên bà muốn hình ảnh người Việt Nam nói chung và nghệ sỹ Việt nói riêng phải đàng hoàng, tử tế. Trong những ngày nghỉ, đoàn phim có  mời đi Paris chơi, nhưng bà cũng từ chối với lý do là “chưa báo cáo cấp trên.” Họ bày ra một bàn dài với vô số đồ hóa trang rất đẹp và bảo có thể lấy bất cứ món nào nếu thích, nhưng bà bảo: Không, cơ quan tôi cũng có. Cuối cùng, người trong đoàn phải hỏi thẳng: Thế bà Mai Châu muốn gì? Bà trả lời – Khi nào trả tiền thù lao cho tôi thì dùng tiền đó mua giúp tôi một cái xe máy.

Lập tức, đoàn làm phim cho người gọi sang Nhật để liên hệ mua xe và làm thủ tục chuyển thẳng về Việt Nam cho bà. Nghe tin, ông Trịnh Thịnh bảo: Thế mua giúp tôi một chiếc. Kết quả là: Bà được tặng xe còn ông Trịnh Thịnh thì phải trả tiền.” Chiếc xe máy đó nghệ sỹ Mai Châu mua là để tặng cho người con trai lớn của bà: “Cậu em đi học nhiếp ảnh bên Đức 8 năm về mua được một cái xe máy, nhưng anh ở nhà thì lại chưa có thế là bà mua cho. Về hai anh em mỗi người một xe. Thích lắm!” Có thể nhận thấy, trong mỗi câu chuyện kể của nghệ sỹ Mai Châu đều luôn có những tính từ mô tả cảm giác vui và hạnh phúc.

Người vợ người mẹ đảm

img 

Cụ bà hơn 80 với nước da và hàm răng khiến nhiều cô gái trẻ phải... thèm

Hơn 80 tuổi, có chắt gọi bằng cụ, nghệ sỹ Mai Châu vẫn sở hữu vẻ ngoài khiến nhiều người phải ao ước “đến tuổi của bà mà cũng được như thế thì thích biết bao”. Chúng tôi nghĩ, lý do chính là nhờ bà đã luôn sống tự tin và cảm thấy hài lòng với bản thân mình. Đó là những năm tháng làm nghề đầy khó khăn vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình, cũng hăng say. Đó là cuộc sống gia đình do bà thu vén chăm lo cho cả mẹ đẻ, mẹ chồng và 4 người con (2 trai, 2 gái) lúc nào cũng chu toàn để chồng yên tâm công tác ở xa.

Năm 19 tuổi, cô nữ diễn viên đoàn kịch tiền tuyến Mai Châu lập gia đình. Chồng bà là người kế nhiệm chức vụ trưởng đoàn kịch của nhà văn Nguyễn Tuân. Ông tên là Vũ Kỳ Lân, cháu gọi tướng Nguyễn Sơn là chú ruột, vừa là thủ trưởng vừa là người bạn đời luôn song hành với bà suốt cuộc đời làm nghệ thuật.

Sau khi chiến tranh kết thúc, ông chuyển sang làm chính ủy đặc khu Vĩnh Linh, còn bà khi đó đã ra Hà Nội và thuộc biên chế của Xưởng phim truyện, nay là Hãng phim truyện Việt Nam. “Bà ở nhà nuôi con và đi làm điện ảnh, ông ấy công tác ở trong đó, khi nào họp trung ương thì về qua nhà mấy ngày rồi lại đi. Ban ngày bà đi đóng phim, gửi con ở vườn trẻ Hoàng Hoa Thám. Cuộc sống tuy vất vả nhưng bà thấy cũng không sao. Cả nước mình hồi ấy đều thế cả mà”. Vì “được tuyển vào làm diễn viên” nên sau khi trường Điện ảnh Việt Nam mở lớp đào tạo diễn viên khóa 1, nghệ sỹ  Mai Châu và một số đồng nghiệp đã đi học thêm và cũng phải trả bài như sinh viên chính quy bình thường.

Thầy dạy của bà là một giáo sư đến từ Liên Xô. Ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn dạy cách sống, lối ứng xử của một nghệ sỹ trong đời thường hoặc khi xuất hiện trước đám đông. Trong thời gian này, ngoài đóng phim, bà vẫn thường xuyên tham gia lồng tiếng cho phim nước ngoài, sau đó có kinh nghiệm thì làm đạo diễn lồng tiếng. Sự tháo vát, đảm đang của cô tiểu thư nhà giàu Mai Châu còn thể hiện ở các công việc mà bà nhận làm thêm cho các chương trình kịch truyền thanh của đài TNVN.  Và còn thương hiệu Áo cưới Mai Châu nữa chứ? – Khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện này, bà cười rất tươi: “Nổi tiếng lắm đó. Lúc nào các cháu qua, có ưu đãi!”

Câu chuyện Áo cưới được tiếp tục khá rôm rả. Đó là một lần bà vào Sài Gòn tham dự Liên hoan phim. Những lúc rảnh rỗi, di dạo phố Sài Gòn ngắm nhìn các tiệm cho thuê áo cưới trên đường Đồng Khởi, bà chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh theo kiểu này. Bà bước vào một vài cửa hàng, người chủ biết bà là diễn viên nên tiếp đón rất nhiệt tình, còn bày cho cách thức nhập hàng gốc, chọn mẫu… Và bà quyết tâm theo đuổi nghề tay trái mới này. Nhưng khi bàn với chồng, khi đó đang là Giám đốc điện ảnh Quân đội, bà không được ông ủng hộ ngay vì sợ… thiên hạ cười.

Cuối cùng thì cũng thuyết phục được ông. Bà vào lại Sài Gòn mua 6 bộ váy cưới về để cho thuê dưới hình thức khuyến mãi trang điểm cô dâu. Thế rồi, tiếng lành đồn xa, khách ngày một đông, bà và 2 con gái cùng 2 người con dâu làm không xuể, phải thuê thêm người, mở rộng hệ thống cửa hàng. Áo cưới Mai Châu 1, 2, 3 ra đời – như lời bà kể thì “chỗ nào cũng đông khách”. Nhờ kinh doanh phát đạt, gia đình bà còn mua được một ngôi nhà ở Hàng Bông để mở cửa hàng. Hiện nay cửa hàng vẫn hoạt động như một địa chỉ uy tín và tin cậy ở 155 Hàng Bông mà bà đã giao cho người con gái lớn quản lý.

11 năm qua kể từ khi người bạn đời không còn ở bên, nghệ sỹ Mai Châu sống vui vầy với con cháu trong điều kiện sống rất tốt. Có thể nhìn thấy điều đó tận mắt và qua những lời bà nói trong ánh mắt lấp lánh niềm vui. Bà Nghị Quế đã chuyển về khu đô thị Ciputra hơn một năm nay. Căn hộ cao cấp rộng và thoáng mát ở tầng 17 là nơi bà thường ngồi đọc sách, xem phim và chờ con cháu trở về vào mỗi buổi chiều.  

“Tuy bà ở đây 1 mình, nhưng chiều đến là các con, cháu kéo về, nấu nướng ăn uống. Những ngày giỗ chạp, lễ lạt, sinh nhật thì đông lắm, dễ đến 5 mâm ngồi từ đây ra tít ngoài cửa. Vui lắm! Mấy đứa chắt cứ mỗi lần nghe bố mẹ thông báo hôm nay ăn cơm nhà cụ là chúng nó lại nhảy cẫng hên hô Yê!” Hơn 80 tuổi, cụ bà Mai Châu vẫn nói chuyện với một giọng văn hài hước, sinh động khiến chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Bà còn chỉ tay lên tấm ảnh trên tường tự hào: “Ảnh bà chụp tự nhiên đó nhé, mặt mộc, không hề hóa trang. Mắt mũi trông cũng tình tứ đấy chứ nhỉ”. Nghệ sỹ Mai Châu dứt lời, chúng tôi cùng cười vang. Có lẽ bà đã chọn cách nói khiêm tốn nhưng đúng là bây giờ bà vẫn rất đẹp...

Chúng tôi nói đùa: “Bây giờ bà mặc áo dài ra phố, đám con gái trẻ cũng phải dạt ra một bên ấy chứ”, bà lại cười viên mãn. Khi được hỏi: Con gái bà có xinh như bà không ạ? – nghệ sỹ Mai Châu thủng thẳng trả lời: “Chắc chắn là chúng nó phải xinh hơn mẹ rồi! Điều bà mừng là đứa nào bây giờ cũng giỏi, giàu và đều thương bà.” Bốn người con không ai theo nghệ thuật vì “chúng nó bảo nghề của mẹ vừa khổ vừa nghèo, chúng con làm nghề gì mà có tiền cơ”. Thế nhưng, cuối cùng thì trong đại gia đình nghệ sỹ Mai Châu vẫn có một người nữa cũng “ăn cơm điện ảnh”. Đó là đạo diễn Nguyễn Đức Việt – con rể út của bà.

Thế hệ diễn viên đầu tiên của điện ảnh Việt Nam bây giờ chỉ còn lại hai cái tên Mai Châu và Hoàng Yến. Thời gian sẽ không đợi ai, chi bằng cứ vui và hạnh phúc với hiện tại. Nghệ sỹ Mai Châu đang có cuộc sống viên mãn. Chính bà cũng tự hào về điều đó và luôn hãnh diện khi có những đứa con, cháu thành đạt, khá giả. “Bà tuy già nhưng trộm vía không ốm đau nhiều. Đôi khi cũng nhớ nghề và cũng nhận được lời mời đóng phim, nhưng anh con cả là đại tá không muốn cho bà đi, sợ có chuyện không may xảy ra cho nên bà nghỉ hẳn rồi.

Mà bà ở nhà cả ngày không buồn đâu, sáng thì ăn sáng, trưa xuống tầng ăn cơm ở nhà cô út, chiều thì đợi các cháu đi học về. Dưới sân có mấy cửa hàng ăn của Hàn Quốc, hôm nào bà thích thì ghé đó ăn…” Ngồi lắng nghe những lời tâm tình của nghệ sỹ Mai Châu với chất giọng Vinh trầm ấm, tôi thầm nghĩ: Bà Phó Đoan, bà Bá Kiến, Hoàng Thái Hậu, bà Nghị Quế… không ai hạnh phúc như người phụ nữ này - người đã hóa thân thành họ một cách xuất sắc trên màn ảnh.

NSƯT Mai Châu là bức chân dung sống động về một người phụ nữ, một cựu diễn viên nổi tiếng dù hồng nhan nhưng không hề đa đoan.

NSƯT Mai Châu tên thật là Mai Thị Châu, sinh năm 1927 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.

Bà theo Cách mạng từ tháng 8/1945, là phụ nữ Cứu Quốc sau đó là tự vệ thành phố Vinh.

Tháng 12/1945, bà lên đường Nam tiến trong đoàn phụ nữ úy lạo chiến sỹ. Hoàn thành nhiệm vụ, bà ở lại miền Nam, trở thành diễn viên ca múa trong Đoàn tuyên truyền Giải phóng quân, đi phục vụ bộ đội tại khắp các chiến trường miền Nam kháng Pháp.

Năm 1947, bà là diễn viên đoàn kịch Tiền Tuyến

Năm 1956, bà chuyển về Xưởng phim Việt Nam, lồng tiếng cho phim nước ngoài rồi trở thành diễn viên điện ảnh của Hãng phim truyện Việt Nam

Phim và vai diễn tiêu biểu

Chung một dòng sông

Cô gái công trường vai Mẹ Mận

Chị Tư Hậu vai vợ Mười Hợi

Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn vai Lệ Mỹ

Chị Dậu (vai bà Nghị Quế)

Làng Vũ Đại ngày ấy (vai vợ Bá Kiến)

Đông Dương (vai bà quản gia)

Sao tháng Tám (vai bà Phó Đoan)

Hoàng Lê nhất thống (vai Hoàng Thái Hậu)

Lá ngọc cành vàng (vai người mẹ)

 

(Theo Thế giới điện ảnh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem