Xây dựng huyện nông thôn mới năm 2025: Quang Bình nỗ lực bứt phá

Nguyễn Quân Thứ năm, ngày 21/12/2023 15:00 PM (GMT+7)
Xác định rõ lộ trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) vào năm 2025, thời gian qua, cấp ủy chính quyền huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang luôn có kế hoạch cụ thể và chi tiết nhằm đẩy mạnh các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bình luận 0

 Tập trung nguồn lực xây dựng nông thôn mới 

Thực hiện xây dựng NTM, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã đề ra các mục tiêu, lộ trình và các giải pháp cụ thể, đồng bộ. Đến nay, toàn huyện đã có 9/14 xã đạt chuẩn NTM.

Cụ thể, các phong trào hướng về nông thôn luôn thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia như: "Chung sức xây dựng Nông thôn mới", "Ngày thứ 7 vì Nông thôn mới", "Nông thôn vì nông thôn đổi mới",... 

Trong xây dựng NTM, chỉ tiêu về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi đời sống của người dân. Là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vì vậy mà để chỉ tiêu trên phát triển bền vững cần có sự định hướng của chính quyền, đặc biệt là đầu tư công, cũng như hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất.

NTM Hà Giang: Quang Bình xây dựng lộ trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Quang Bình thăm mô hình trồng cam ở xã Yên Hà.

Trong đó, sản xuất nông, lâm nghiệp được coi là giải pháp trọng tâm, mũi nhọn. Hiện, huyện đã lựa chọn 5 loại cây thế mạnh của địa phương, có giá trị kinh tế cao gồm: Lúa, ngô, chè, cam, lạc để tập trung sản xuất gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa. 

Bên cạnh đó, lĩnh vực chăn nuôi cũng từng bước chuyển dịch tích cực từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, trọng tâm là phát triển 2 con (trâu, lợn). Trong quá trình phát triển, mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp được thể hiện rõ, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, cho thấy hiệu quả của phương thức liên kết mới, hướng đi đúng mà cấp ủy, chính quyền huyện đã lựa chọn.

Với mục tiêu ổn định diện tích sản xuất, huyện đã xây dựng phương án quy hoạch vùng tại 8 xã để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với các giống có năng suất, chất lượng cao. Trên cánh đồng không nghỉ, bà con nông dân quanh năm tất bật vào mùa gieo cấy, thu hoạch. Dù công việc làm nông không nhàn nhưng nhìn thấy những thành quả lao động, ai nấy dường như quên đi những vất vả. 

Năm 2023, bình quân thu nhập đối với 1 ha đất canh tác đạt 78 triệu đồng. Quá trình tổ chức dồn điền, đổi thửa, khoanh vùng sản xuất lúa, lạc được người dân đồng thuận hưởng ứng. Mỗi năm, toàn huyện có từ 500 - 1.000 ha sản xuất lúa chất lượng cao áp dụng mạ khay, máy cấy; diện tích cây trồng trên đất 1 vụ tại các xã vùng cao đạt 650 ha và diện tích trồng cây vụ 3 ngày càng tăng cao.

Phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2025

Xuân Giang là một trong những xã trên địa bàn huyện làm tốt các tiêu chí về xây dựng NTM, là địa phương thứ 2 của huyện về đích xây dựng NTM. Chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được, Xuân Giang tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí.

NTM Hà Giang: Quang Bình xây dựng lộ trình đạt chuẩn huyện nông thôn mới - Ảnh 2.

Người dân thị trấn Yên Bình liên kết với Nhà máy thực phẩm Orion (Bắc Ninh) trồng, tiêu thụ khoai tây theo hướng hàng hóa.

Đồng chí Nguyễn Anh Thùy - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang cho biết: "Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Đảng bộ, nhân dân trong xã đã đoàn kết, phát huy nội lực xây dựng cơ sở hạ tầng, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao đời sống của người dân. Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, những năm qua, xã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đưa các giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành và nhân dân chúng tôi hy vọng Xuân Giang sẽ phát triển, giàu đẹp và văn minh".

Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Quang Bình đã và đang xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mới hiệu quả, cho thu nhập cao, gắn với làm tốt công tác khuyến nông, khuyến công, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân đổi mới phương thức sản xuất để sản phẩm nông sản đáp ứng và theo nhu cầu của thị trường: chuyển từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát theo phương thức truyền thống sang sản xuất theo mô hình hợp tác liên kết. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể khẳng định, chương trình xây dựng NTM của huyện Quang Bình đang từng bước đi vào chiều sâu, có sự đồng thuận, tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Đây là tiền đề quan trọng để huyện vượt khó, bứt phá, phấn đấu trở thành huyện NTM vào năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem