Ông Nguyễn Đình Khoát – Phó Chánh văn phòng điều phối NTM tỉnh Lâm Đồng, cho biết: “Ngoài Đơn Dương, huyện Đức Trọng cũng đã có 14/14 xã đạt đầy đủ các tiêu chí NTM, đang chờ xét duyệt và công nhận đạt chuẩn NTM. Cũng trong năm 2019, Lâm Đồng đặt mục tiêu có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 99/116 xã”.
Người dân huyện Đơn Dương được quan tâm chăm sóc sức khỏe. Ảnh: V.L
Cũng theo ông Khoát, trong các nhiệm vụ xây dựng NTM, lãnh đạo địa phương rất quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, tỉnh đã có những chính sách ưu đãi đối với phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... Tính đến nay, Lâm Đồng đã có trên 54.000ha sản xuất theo hướng công nghệ cao, chiếm 19,5% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất bình quân đạt 169 triệu đồng/ha.
Văn phòng điều phối NTM tỉnh đang giúp đỡ để huyện Đơn Dương hoàn tất đề án “Xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2018 - 2025”. Ông Khoát nhận định: “Đây là huyện đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm nên vừa làm, vừa sửa, sao cho sát với thực tế tại địa phương để đảm bảo quá trình xây dựng luôn suôn sẻ, phù hợp với tiềm lực của huyện. Với tiền đề là huyện NTM đầu tiên của Tây Nguyên thì việc xây dựng và thực hiện đề án này sẽ có những lợi thế nhất định, sẽ thành công trong tương lai không xa”.
Bên cạnh đó, các công trình hạ tầng thiết yếu tiếp tục được ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng, hoàn thành các tiêu chí NTM theo kế hoạch. Riêng trong năm 2018 đã đầu tư xây dựng, nâng cấp 192 công trình (185km) đường giao thông nông thôn, 36 công trình thủy lợi, nước sạch; 3 nhà văn hóa xã; 19 nhà văn hóa thôn; 41 trường học các cấp và nhiều công trình phúc lợi. Tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đã đạt 82,6%, tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chỉ còn 19,7%...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.