Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình nhận định: Sự sáng tạo, linh hoạt, phù hợp thực tiễn trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như việc thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc xử lý vướng mắc phát sinh của các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở nông thôn.
Xã nông thôn mới nâng cao Bình Định (huyện Kiến Xương) luôn coi trọng nâng cao chất lượng tiêu chí tiếp cận pháp luật đối với người dân trên địa bàn xã.
Căn cứ quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, chính quyền các cấp theo thẩm quyền đã khẩn trương, kịp thời ban hành gần 100 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; nhất là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn. Một số sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công đã chủ động tham mưu, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thuộc lĩnh vực, tiêu chí phụ trách, làm cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội quán triệt, phổ biến các văn bản pháp luật, các kế hoạch, hướng dẫn của Chính phủ, của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh đến các xã, thôn và người dân. Công tác tuyên truyền vận động được thực hiện với nhiều hình thức, nhiều mô hình phù hợp, thiết thực; các nội dung phong trào thi đua lan tỏa rộng trên địa bàn toàn tỉnh, được Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, chung tay thực hiện.
Xây dựng nông thôn mới đã góp phần quan trọng giúp tỉnh Thái Bình thu hút ngày càng nhiều dự án đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất công nghiệp giá trị cao tại vùng nông thôn.
Kết quả, đến nay, toàn tỉnh có 233/233 (100% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 07 huyện và thành phố Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn quốc gia và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 13,73% tổng số xã; 01 xã (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 0,43% tổng số xã.
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đánh giá, mặc dù trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng với sự quyết tâm chính trị cao, sự vào cuộc tích cực của các địa phương và các sở, ngành nên Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. 100% các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới có cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại, diện mạo nông thôn khang trang hơn; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, thể thao ở thôn, xã ngày càng được hoàn thiện, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị.
Điều đáng ghi nhận là việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình chuyên đề xây dựng nông thôn mới bước đầu phát huy hiệu quả lợi thế của địa phương. Toàn tỉnh có 183 sản phẩm OCOP, trong đó 48 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 135 sản phẩm xếp hạng 3 sao; với 37 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã và 43 hộ kinh doanh.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn như: mô hình du lịch cộng đồng (làng vườn Bách Thuận, huyện Vũ Thư); mô hình làng sen Vân Đài (xã Chí Hoà, huyện Hưng Hà); mô hình vườn hoa EPC Farm (xã Song Lãng, huyện Vũ Thư); mô hình trang trại Daza Ecofarm (xã Nguyên Xá, huyện Đông Hưng); mô hình du lịch trải nghiệm Sunny Farm (huyện Quỳnh Phụ)... thu hút đông đảo du khách, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các điểm du lịch khác, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị và phát triển bền vững.
Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới đã huy động tối đa các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường đạt chuẩn ở các vùng quê trên địa bàn tỉnh Thái Bình.
Nâng cao chất lượng tiêu chí an ninh trật tự, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh thành lập và nhân rộng được 1.488 mô hình bảo vệ an ninh, phát huy tính tự giác, tự phòng, tự quản của toàn dân; riêng các xã thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao đã xây dựng thêm mô hình "Camera giám sát an ninh". Chương trình khoa học công nghệ thực hiện gần 30 nhiệm vụ, đóng góp thiết thực phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã thực hiện lấy phiếu đánh giá bằng hình thức lấy ý kiến của từng hộ gia đình ở khu dân cư hoặc trực tiếp tại hội nghị ở 42 xã trong tỉnh đảm bảo dân chủ, khách quan. Hầu hết các hộ dân được lấy phiếu đánh giá đều hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ hài lòng đạt từ 90% trở lên trong tổng số người được lấy ý kiến (huyện Hưng Hà, huyện Tiền Hải tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 98%; huyện Đông Hưng, huyện Thái Thụy tỷ lệ hài lòng của người dân đạt 95%). Tỷ lệ này không chỉ khẳng định người dân hài lòng cao với những kết quả mà Chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại, mà còn thực sự phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong công tác giám sát ở cơ sở.
Không thỏa mãn với kết quả đạt chuẩn, chú trọng duy trì bền vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí cũng như mức độ hài lòng của người dân, nhất là về tiêu chí giao thông, giáo dục, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường..., Thái Bình tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế, chính sách, các quy trình, quy định, quy chế, hướng dẫn thuộc thẩm quyền của tỉnh để sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới phù hợp với quy định của pháp luật, thực tiễn của tỉnh, khả thi và hiệu quả. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo việc quản lý, sử dụng vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương đảm bảo tập trung, trọng điểm, hiệu quả thực chất, tạo nguồn lực xã hội hóa xây dựng thành công nông thôn mới với những mục tiêu mới ở các giai đoạn tiếp theo.
CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.