Thái Bình tiếp tục trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong toàn quốc

Minh Thu Thứ sáu, ngày 25/10/2024 08:38 AM (GMT+7)
Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh từ mỗi hành động bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng đời sống người dân là mục tiêu trong xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 – 2025.
Bình luận 0

Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn là một trong 6 chuyên đề chuyên sâu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Thái Bình.

Để hiểu rõ hơn về kết quả của Chương trình, Báo điện tử Dân Việt đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Trường - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình.

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thái Bình, theo ông, nội dung nào đạt khả quan nhất?

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 được tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nội dung trên địa bàn toàn tỉnh Thái Bình. Qua thực tế, có thể khẳng định, hoạt động cấp nước sạch khu vực nông thôn luôn được chính quyền các cấp tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch từ hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung đạt xấp xỉ 100%.

img

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Trường (bên phải) phát động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn tại trường THPT Đông Tiền Hải, huyện Tiền Hải.

Tỉnh yêu cầu các đơn vị cấp nước sạch tăng cường đầu tư nâng công suất trạm cấp nước, cải tạo mạng lưới đường ống cấp nước, xây dựng hồ trữ nước, thay thế máy móc thiết bị và chuyển đổi nguồn nước khai thác…; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, vận hành hệ thống cấp nước đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân. 

Toàn tỉnh Thái Bình có 75 công trình cấp nước sạch tập trung do 33 doanh nghiệp, 07 đơn vị cấp xã (Ủy ban nhân dân xã, Hợp tác xã) quản lý, vận hành, khai thác hoạt động cơ bản ổn định, đảm bảo cấp nước an toàn theo quy hoạch với tổng công suất thiết kế 359.370 m3/ngày đêm, công suất thực tế hiện nay đạt khoảng 521.000 m3/ngày đêm.

Để luôn phù hợp với tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chủ động điều chỉnh quy hoạch hệ thống cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn, cấp nước cho 100% xã, phường, thị trấn đảm bảo tính kết nối, chia sẻ nguồn nước giữa các vùng, các đơn vị; cải thiện nguồn nước thô và nâng cao năng lực quản lý vận hành; duy trì bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước. 

Tỉnh Thái Bình cũng linh hoạt, huy động đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư xây dựng công trình cấp nước, như vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường 15 công trình, vốn vay Ngân hàng thế giới 20 công trình, theo cơ chế khuyến khích đầu tư của tỉnh 24 công trình, cấp nước đô thị và mở rộng cấp nước sang khu vực nông thôn 15 công trình, Nhà máy Amonitrat của Tổng Công ty công nghiệp hóa chất mỏ VINACOMIN mở rộng cấp cho khu vực nông thôn 1 công trình...

Cùng với thành công của việc tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của Nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực của xã hội, Thái Bình đã tạo "cú hích" trong cơ chế chính sách cũng như công tác chỉ đạo, điều hành như thế nào, thưa ông?

Thực hiện Chương trình chuyên đề này, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành một số cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường: Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND ngày 14/7/2021 về Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 30/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 Quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với dự án đầu tư xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025. Chỉ tính riêng năm 2023, tổng kinh phí hỗ trợ cho các dự án đầu tư công trình nước sạch nông thôn từ ngân sách địa phương là 52.469 triệu đồng.

img

Mô hình phân loại rác thải tại nguồn của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Theo đó, Thái Bình hỗ trợ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt 10.000 đồng/người/năm cho tất cả các xã, phường, thị trấn; 15.000 đồng/người/năm cho những xã, thị trấn tự thực hiện xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt hoặc công nghệ khác. 

Hỗ trợ 100% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho toàn bộ diện tích đất được quy hoạch để xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 50% tiền lãi vay ngân hàng để đầu tư tài sản cố định thuộc dự án trong 3 năm kể từ ngày vay vốn, tổng mức hỗ trợ không vượt quá 5 tỷ đồng/dự án. Hỗ trợ 100% kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông kết nối nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung với hệ thống giao thông hiện có.

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được hỗ trợ 7 tỷ đồng đối với quy mô công suất 100 - dưới 200 tấn/ngày, 10 tỷ đồng đối với quy mô công suất từ 200 tấn/ngày trở lên; Ủy ban nhân dân cấp xã nơi giáp ranh liền kề nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung được hỗ trợ 3,5 tỷ đồng đối với quy mô công suất 100 - dưới 200 tấn/ngày, 5 tỷ đồng đối với quy mô công suất từ 200 tấn/ngày trở lên…

Bên cạnh đó, để tổ chức triển khai công tác bảo vệ môi trường nông thôn theo quy định tại Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng hồ sơ kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025; đôn đốc các đơn vị cấp nước tăng cường quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ hệ thống công trình cấp nước sạch tập trung đảm bảo hoạt động bền vững, nhất là trong các dịp hè, dịp lễ tết...

Là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, việc chỉ đạo đối với nhiệm vụ chất thải rắn và nước thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn của Thái Bình như thế nào, thưa ông?

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Bình hiện nay khoảng 844 tấn/ngày. Tỷ lệ số hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên địa bàn tỉnh đạt trên 38%. Đối với các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải, nòng cốt là Hội Phụ nữ.

Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong dân cư được các hộ dân tập kết tại các điểm tập kết ven các trục đường thôn, xã, thị trấn; tần suất từ 2-3 lần/tuần công nhân vệ sinh tại các xã, thị trấn tổ chức thu gom bằng các phương tiện như xe đẩy tay, xe lôi, xe gắn máy, một số ít xã có ô tô chuyên dùng vận chuyển về khu xử lý rác. Kết quả tổng hợp do các huyện báo cáo, tỷ lệ CTRSH được thu gom hiện nay đạt trên 90%.

img

Duy trì hoạt động thu gom rác thải – một trong những giải pháp tích cực góp phần bảo vệ môi trường biển trong sạch trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Trên địa bàn tỉnh hiện có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt thực hiện xử lý CTRSH bằng công nghệ TTD-01 (không chôn lấp) cho 15 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ; 79 lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô nhỏ đang hoạt động, các xã còn lại thực hiện xử lý rác thải theo hình thức chôn lấp.

Để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và chủ trương của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh (thực hiện quy hoạch vị trí, đầu tư nhà máy xử lý rác thải tập trung hiện đại, quy mô lớn), Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu tỉnh đưa các khu xử lý chất thải rắn tập trung, công nghệ cao tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1735/QĐ-TTg ngày 29/12/2023; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Văn bản số 1091/UBND-NNTNMT ngày 11/4/2023 về việc yêu cầu về công nghệ bảo đảm môi trường trong đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tham mưu ban hành Quy định bảo vệ môi trường đối với Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ cao (đốt rác phát điện) trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Kết quả hiện nay, tỉnh đã có một số nhà đầu tư đề xuất đầu tư Dự án khu xử lý chất thải rắn công nghệ hiện đại tại tỉnh Thái Bình, đang được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xem xét về chủ trương đầu tư. Các địa phương nơi đặt Nhà máy đang tích cực tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của người dân về việc đầu tư xây dựng Nhà máy.

Về thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt, trên địa bàn tỉnh có 01 Dự án cải tạo và xây dựng hệ thống thu gom, thoát nước thải (bao gồm các công trình kè cống, hệ thống thu gom, trạm xử lý tập trung công suất 10.000 m3/ngày đêm) thực hiện thu gom, xử lý nước thải cho 08 xã, phường tại thành phố Thái Bình. Các dự án đầu tư hạ tầng khu dân cư, khu đô thị mới đã đề xuất đầu tư công trình thu gom, xử lý nước thải phát sinh từ dự án bảo đảm đạt quy chuẩn quy định. Nước thải phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân đều được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại 3 ngăn trước khi thải ra môi trường.

Để triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thái Bình theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Quyết định số 06/2024/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 ban hành Quy định quản lý chất thải rắn xây dựng, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; Quyết định số 09/2024/QĐ-UBND ngày 17/4/2024 ban hành quy định về lộ trình bố trí quỹ đất, đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2024-2035, nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi để đầu tư hoặc khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư.

Để tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, thực hiện thành công mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Thái Bình có kiến nghị gì với Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan, thưa ông?

Xây dựng nông thôn mới theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh là mục tiêu chung hướng tới của Chương trình chuyên đề. Mỗi hành động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường, cấp nước sạch và an toàn thực phẩm đều mang giá trị, ý nghĩa tích cực nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.

img

100% các huyện, thành đoàn và đoàn trực thuộc trên địa bàn tỉnh Thái Bình đồng loạt ra quân vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh lần thứ II năm 2024.

Thời gian tới, Thái Bình đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện chính sách về đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề đồng bộ gắn với xử lý chất thải phát sinh; chính sách về vốn vay ưu đãi, giá thuê đất, tăng vốn khuyến công, khuyến thương; cơ chế chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh đầu tư, áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sạch không gây ô nhiễm môi trường; đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào tiêu chuẩn bình xét các giải thưởng, sản phẩm.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đề nghị tham mưu với Chính phủ ban hành quy định, chính sách đối với các công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật về việc thu hồi bao bì đựng sản phẩm sau khi sử dụng hoặc có các cơ chế về thuế với các công ty này để tạo nguồn kinh phí cho xử lý bao bì. 

Ban hành mô hình quản lý rác thải để các địa phương áp dụng; tổ chức thẩm định, đánh giá và công bố danh mục công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt khuyến khích áp dụng tại Việt Nam để các địa phương tham khảo, lựa chọn vận dụng tại địa phương; ban hành hướng dẫn cụ thể quy trình thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý CTRSH để địa phương có căn cứ hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện. Quan tâm chỉ đạo, tăng cường năng lực quản lý môi trường cho địa phương. Hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Thái Bình để xử lý những khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đầu tư các công trình bảo vệ môi trường; phối hợp cùng địa phương giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc, các "điểm nóng" về môi trường….

Xin cảm ơn ông!

CHUYÊN MỤC "THÁI BÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem