"Tôi thường phải nói dối người thân, nói dối về những thương tích khi làm nhiệm vụ. Nếu gia đình biết, tôi nghĩ không ai chấp nhận cho tôi tham gia nhiệm vụ nguy hiểm như thế". Đó là những chia sẻ thiếu tá Trần Thị Hồng Lai, điều tra viên Công an tỉnh Điện Biên, về công việc đánh án ma túy ở Tây Bắc.
Tham gia hàng chục chuyên án, nữ cảnh sát sinh năm Ất Sửu vinh dự trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu phòng, chống ma túy năm 2020.
CSGT bén duyên nghề đánh ma túy
“Con gái gì mà nửa đêm người ta ngủ thì nó phi ra khỏi nhà, cứ thế đi biền biệt mấy hôm. Tới khi người ta đi làm thì nó lại mò về nhà ngủ”, thiếu tá Lai nở nụ cười khi kể về những lời “mắng mỏ” của ông ngoại ngày cô mới vào nghề.
Tốt nghiệp xong, cô thiếu úy khi ấy được điều về Đội CSGT Công an TP Điện Biên Phủ. Ngày đó, Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy không có trinh sát nữ. Do đặc thù công việc, hễ có cuộc truy bắt nào liên quan tới nghi phạm nữ, thiếu úy Lai lại được trưng dụng.
Không biết từ bao giờ, Trần Thị Hồng Lai trở thành cái tên quen thuộc trong các chuyên án ma túy.
Nửa năm sau khi vào nghề, thiếu úy Lai được điều chuyển sang Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, đánh dấu chặng đường mới trong sự nghiệp của cô. “Bạn bè tôi tốt nghiệp đa phần đều chọn việc nhẹ nhàng, có giờ giấc. Làm gì có ai lựa công việc này đâu”, thiếu tá Lai trải lòng.
Nghề trinh sát ma túy đồng nghĩa với việc phải làm quen với vất vả, hiểm nguy. Đó là những chuyên án kéo dài đằng đẵng hàng tháng trời, những chuyến băng rừng, vượt suối, nhiều đêm ngủ co ro, đắp manh áo mỏng thay chăn; hay những miếng bánh mỳ gặm dở, mẩu lương khô cắn vội để tiếp sức đeo bám tội phạm. Án ma túy cũng có cả nguy cơ đối mặt tội phạm manh động, hiểm nguy và khó lường.
“Là phụ nữ, việc sinh hoạt phức tạp hơn nhiều so với nam giới. Có những hôm, tôi phải vượt đường rừng hàng tiếng đồng hồ chỉ để tìm chỗ tắm rửa, xong lại lội lại để làm nhiệm vụ”, thiếu tá Lai chia sẻ.
Bạn bè tôi tốt nghiệp đa phần đều chọn việc nhẹ nhàng. Làm gì có ai lựa công việc này đâu.
Không còn nhớ chính xác đã tham gia bao nhiêu chuyên án ma túy, thiếu tá Lai kể có những lần đánh án, cô cùng đồng đội phải thâm nhập vào nơi hiểm trở và ở lại đó hàng tuần để truy vết đường dây tội phạm.
Có lần, tổ công tác đến vùng giáp biên thưa thớt nhà dân. Họ phải căng lều tạm bợ để trú mưa và ngủ lại qua đêm. Hết ngày này qua ngày khác, họ chỉ ăn lương khô và mỳ tôm.
Thậm chí có lần đi đánh án, thành viên tổ trinh sát chỉ ăn bữa sáng rồi di chuyển qua từng mỏm núi đá cheo leo, từng ngọn đồi cho đến tối mịt mới ăn bữa thứ hai.
Bí quyết khuất phục tội phạm
Khoảng năm 2010, Hồng Lai nhận nhiệm vụ tham gia điều tra, triệt phá một chuyên án ma túy lớn ở tỉnh Điện Biên. Sau thời gian thu thập thông tin, ban chuyên án xác định một phụ nữ ngoài 30 tuổi người dân tộc thiểu số là mắt xích sống còn của đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Ban đầu, thiếu tá Lai và đồng đội mất nhiều ngày để tìm phương án tiếp cận kẻ nghi phạm. "Cô này là người nhiễm HIV nên việc tiếp cận lại càng khó khăn, đặc biệt đối tượng luôn đe dọa những người đến gần”, nữ cảnh sát nhớ lại.
Sau khi có đủ chứng cứ, lực lượng đánh án quyết định đột kích ngôi nhà của người phụ nữ này. Tuy nhiên, khi cảnh sát vây ráp, nữ nghi phạm lột hết quần áo rồi chửi bới.
Địa điểm cảnh sát bao vây nằm trong khu dân cư đông đồng bào dân tộc thiểu số nên tiếng chửi bới làm náo loạn cả bản. Lúc đó, nhóm đánh án không có ai là nữ giới.
Trước tình huống phát sinh, Hồng Lai được điều đến hiện trường. Nhớ lại khoảnh khắc đối mặt kẻ buôn ma túy nhiễm HIV đang khỏa thân, uy hiếp lực lượng bao vây, Lai quyết định dùng đòn tâm lý để tiếp cận.
Thiếu tá cảnh sát kể lúc đó, nắm bắt tâm lý tội phạm và thương thuyết là cách duy nhất để khống chế người phụ nữ không mảnh vải che thân đang đối đầu lực lượng vây ráp.
Sau ít phút trò chuyện để đánh lạc hướng, thiếu tá Lai bất ngờ lao tới khóa tay người phụ nữ, không để cô ta có cơ hội phản kháng. Khám xét ngôi nhà, ban chuyên án thu giữ nhiều ma túy.
Năm 2018, Trần Thị Hồng Lai, khi đó là đại úy, tiếp tục tham gia phá vụ mua bán gần 500 bánh heroin trị giá khoảng 3 triệu USD. Nhắc lại chuyên án này, thiếu tá Lai vẫn ấn tượng lần tiếp xúc với Mùa Thị Đớ (vợ của trùm đường dây buôn hàng trắng và là một trong 2 kẻ cầm đầu).
Sau khi vây bắt thành công vợ chồng Đớ, đại úy Lai trực tiếp tham gia hỏi cung nữ nghi phạm. Nhiều ngày liền, người phụ nữ này im lặng, không khai nửa lời. Lai cùng các điều tra viên khác lại phải đánh đòn tâm lý để khiến Mùa Thị Đớ tâm phục, khẩu phục.
“Rào cản ngôn ngữ và khác biệt về tập tục là hai thứ khó khăn nhất khi đấu tranh với những mắt xích ma túy người dân tộc thiểu số”, thiếu tá Lai chia sẻ. Nhưng nhờ những gì đúc kết được khi làm trinh sát vùng biên, cô cảnh sát tuổi Sửu đã khuất phục nhiều tội phạm.
Nói dối để đi đánh án
Bén duyên lính ma túy, thiếu tá Lai bảo công việc ở miền núi phức tạp hơn bởi chỉ cần lơ là, cảnh sát sẽ mất dấu tội phạm. Bởi vậy, việc nửa đêm bị gọi đi vượt bãi tha ma, băng qua nương rẫy là chuyện bình thường. Việc khống chế, dẫn giải nghi phạm nữ cũng đều do cô làm hết.
Với công việc nguy hiểm như vậy, thiếu tá Lai chắc chắc rằng không cha mẹ hoặc người chồng nào đồng ý để vợ, con bước ra "tiền tuyến". Không ít lần, chị Lai phải che giấu, thậm chí nói dối chồng để đi làm nhiệm vụ.
Nửa đêm bị gọi đi, vượt bãi tha ma, băng qua nương rẫy, cánh đồng là chuyện thường xuyên. Nam giới nhiều khi đi còn thấy sợ.
“Ngày mới cưới, có đêm đang ngủ, tôi tỉnh dậy rồi bỏ đi. Chồng khi ấy chưa quen, tưởng bị lừa dối nên gọi điện cho lãnh đạo và những đồng nghiệp của tôi", cô cảnh sát mỉm cười.
Thiếu tá Lai kể có hôm chồng cô nhất quyết đòi chở đến nơi nữ cán bộ này cần có mặt. Vì tính chất công việc, cô chỉ có thể nói mình làm việc khu vực đó, không thể tiết lộ cụ thể nhiệm vụ dù với người thân quen nhất.
“Đó là biểu hiện ghen đấy”, Lai nở nụ cười, cô tiếp lời: “Lúc đang yêu, nhiều khi anh ấy rủ đi chơi nhưng tôi bận. Lấy nhau được một thời gian, anh dần hiểu và cũng chấp nhận”.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ, thiếu tá Lai nhiều khi phải tạm gác phần việc của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Tuy nhiên, cô may mắn khi nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của người thân.
Nữ cảnh sát chia sẻ mỗi khi về nhà, các con của cô đều hỏi "tối nay mẹ có đi làm không" hay "mai mẹ có được nghỉ không". Công việc vất vả, gian khổ là vậy nhưng nghe về những chuyên án mà cô đã phá, cậu con trai lớn đang lớp 7 vẫn khẳng định sau này sẽ theo nghề của mẹ.
Gian nan và đầy nguy hiểm nhưng ý nghĩ rời bỏ công việc hiện tại là thứ gì đó chưa từng tồn tại trong tâm trí của thiếu tá Lai. Qua những câu chuyện cô kể, người nghe có thể nhận thấy tình yêu, niềm đam mê và sự tự hào về nghề đánh án ma túy.
“Công việc này vui mà”, cô nói đi trinh sát khác với làm văn phòng là được tận mắt nhìn thấy mọi thứ, trực tiếp tiếp xúc với cuộc sống, phong tục tập quán của nhiều vùng miền khác nhau.
Nay gặp người này, mai lại nói chuyện với người khác. Mỗi ngày đi làm, cô lại chứng khiến những mảnh đời, số phận khác nhau.
“Tội phạm, đặc biệt là tội phạm ma túy, suy cho cùng cũng là con người", nữ cảnh sát bày tỏ. Cô kể sau quãng thời gian làm trinh sát, thứ mà cô đúc rút và học hỏi được nhiều nhất chính là sự đồng cảm.
"Ai cũng khát khao được công nhận. Nhiều trường hợp phạm tội không phải bởi nhân phẩm họ như vậy, mà do yếu tố kinh tế", Trần Thị Hồng Lai nhìn nhận. Cô nói rằng lợi nhuận từ ma túy rất lớn, trong khi nhiều gia đình miền núi khó khăn vô cùng. Đó là lý do họ dấn thân vào con đường này.
Từ những số phận nắm được qua việc thâm nhập đời sống người dân, thiếu ta Lai biết được người phạm tội mong muốn điều gì. "Từ đó, mình sẽ phân loại, khéo léo tìm cách nói chuyện để họ bộc lộ, chia sẻ câu chuyện, vấn đề của chính mình. Đó chính là đòn tâm lý", thiếu tá Trần Thị Hồng Lai đúc kết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.