Nữ dược sĩ ở Ba Vì bỏ ngang sang làm nông nghiệp sạch, sở hữu 100 sản phẩm chế biến từ nông sản
Nữ dược sĩ ở Ba Vì bỏ ngang sang làm nông nghiệp sạch, sở hữu 100 sản phẩm chế biến từ nông sản
Minh Ngọc
Thứ sáu, ngày 11/10/2024 18:56 PM (GMT+7)
Bảy năm trước, khi đang sở hữu cửa hàng bán thuốc, Yến nói với mẹ sẽ mở thêm xưởng chế biến nông sản. Người mẹ bất ngờ trước quyết định của con gái, nhiều lần bà thể hiện sự không hài lòng, bởi sau nhiều năm ăn học, có nghề trong tay giờ lại bỏ ngang.
Đó là câu chuyện của nữ dược sĩ Phạm Trần Hải Yến - Giám đốc HTX Sản xuất, chế biến nông sản Yến Anh, xã Châu Sơn, huyện Ba Vì (Hà Nội) trước khi cô quyết định chuyển ngang sang làm sản xuất, chế biến nông sản sạch.
Nữ dược sĩ chuyển ngang sang làm chế biến nông sản sạch
Một ngày đầu tháng 10, Yến cùng hàng chục công nhân đang tất bật hoàn thiện những khâu cuối cùng trước khi chuyển các sản phẩm nông sản đã được chế biến như: ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa... đến tay khách hàng.
Yến là con gái lớn trong gia đình có 3 chị em. Nhưng rồi một cơn bạo bệnh đã cướp đi người bố của cô, từ ấy mọi gánh nặng trong gia đình đè lên vai mẹ. "Bố mất sớm, mẹ tôi tần tảo sớm hôm để có tiền nuôi 3 chị em ăn học, mong sao các con được học hành tử tế, tìm được công việc ổn định", Yến nhớ lại thời gian khó khăn của gia đình.
Đúng như mong ước của mẹ, năm 18 tuổi, Yến trúng tuyển vào Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và cô là chỗ dựa, niềm hi vọng lớn nhất của gia đình lúc bấy giờ. Sau 4 năm "miệt mài đèn sách", cầm trên tay tấm bằng dược sĩ nhưng Yến không tìm đến những thành phố lớn để xin việc mà quyết định trở về quê với mong muốn được ở gần bên mẹ. Khi trở về, cô mở một cửa hàng nhỏ để bán thuốc, sau mỗi ngày làm việc cô dành thời gian ở bên mẹ và gia đình nhỏ của mình.
Sinh ra ở một huyện xa xôi, cách xa trung tâm thành phố hơn 40km, cuộc sống của người dân quê Yến gắn liền với nông nghiệp nên cô cũng không quá xa lạ với hình ảnh cô bác nông dân "chân lấm tay bùn". Lúc này, được chứng kiến nhiều nông sản của người nông dân quê mình làm ra rất ngon, sạch nhưng chỉ bán với giá thấp, thậm chí bị thương lái ép giá, "ấm ức" quá, người dân đổ ngô, khoai, sắn làm thức ăn cho gia súc... khiến cô suy nghĩ, trăn trở.
"Vì sao những nông sản ngon như vậy mà giá trị lại thấp, ít được nhiều người biết đến", Yến đặt câu hỏi và quyết định đi tìm câu trả lời. Sau thời gian tìm hiểu, Yến nhận ra rằng, nông sản người dân làm ra chỉ được bán thô, không qua chế biến nên đầu ra không ổn định, giá trị thấp.
Tìm ra được nguyên nhân nhưng làm cách nào để giúp nông dân tiêu thụ nông sản thì lại là cả một bài toán nan giải đối với Yến. Từ đây, cô tiếp tục tìm hiểu và nhận thấy hiện nay có nhiều mô hình chế biến nông sản sạch đang rất thành công. Cô liền bàn với chồng về kế hoạch vừa kinh doanh thuốc vừa thu mua nông sản về để chế biến và nhận ngay được sự ủng hộ từ anh.
Nghe được tin cô con gái mở xưởng chế biến nông sản, mẹ của Yến tỏ ra bất ngờ trước quyết định của con. Nhiều lần bà thể hiện sự không hài lòng, bởi sau nhiều năm ăn học, có nghề trong tay giờ lại không tập trung làm mà lại làm thêm một nghề mà cô không hề biết gì về nó... nhưng với sự quyết tâm của Yến, mẹ cô cũng phải "nhượng bộ".
Nghĩ là làm, với số tiền 300 triệu đồng dành dụm được, Yến bắt đầu khởi nghiệp bằng việc đầu tư mở nhà xưởng, máy móc. Vừa làm vừa tìm tòi, nghiên cứu thêm các công thức chế biến, đóng gói... và cơ sở chế biến nông sản sạch của cô dược sĩ bắt đầu thành hình với những sản phẩm đầu tiên được ra đời.
Sở hữu 100 sản phẩm chế biến từ nông sản
Những sản phẩm đầu tay được người thân trong gia đình Yến sử dụng, sau đó, cô tiếp tục nhân rộng và được nhiều người biết tới. Sau 4 năm, hàng chục nông sản sau khi qua khâu sơ chế, chế biến tại cơ sở của Yến đã thành những món ngon hấp dẫn, thu hút được nhiều lượt người đặt mua. Cứ thế, niềm đam mê với nông sản sạch cứ ngấm dần... cho đến một ngày năm 2021, cô quyết định từ bỏ nghề bán thuốc để toàn tâm toàn ý với sự lựa chọn của mình.
Nhìn thấy cô con gái có những bước đi "chậm" nhưng "vững chãi", mẹ của Yến lúc này đã phần nào yên tâm về cô con gái. Để mở rộng sản xuất, Yến tiếp tục đầu tư hơn 3 tỷ đồng để mở rộng cơ sở chế biến, đầu tư thêm máy móc hiện đại.
Yến cho biết, HTX của cô còn sử dụng sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội làm nền tảng giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, HTX đang tạo việc làm cho hơn 80 lao động địa phương, chủ yếu là lao động nữ, đạt thu nhập từ 4 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Hiện nay, HTX của Yến mỗi tháng cung cấp 100 tấn sản phẩm được sản xuất từ nông sản sạch như: Ngô, khoai, sắn, dừa… ra thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, 3 sản phẩm: Ngô chiên bơ, khoai lang kén, bánh sắn nướng cốt dừa đạt OCOP 3 sao do UBND huyện Ba Vì chứng nhận.
"Sản phẩm khoai lang kén và ngô chiên giòn của HTX đã và đang được các nhà hàng, quán ăn lựa chọn là món khai vị. Với hương vị đặc biệt, giòn rụm thơm ngon, 2 sản phẩm này đã có mặt từ Bắc vào Nam và đặc biệt có mặt ở một số siêu thị nông sản sạch trong nước và được xách tay sang các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...", Yến chia sẻ.
Bên cạnh đó, HTX cũng đang triển khai dự án “No đủ củ sắn Ba Vì” được Hội LHPN TP. Hà Nội biểu dương là “Sản phẩm sáng tạo năm 2023”. Riêng sản phẩm “Bánh sắn phô mai” đã được xuất khẩu sang thị trường Mỹ với số lượng lớn và duy trì đơn hàng cố định...”.
Chia sẻ với Dân Việt, Yến nói: "Thời gian tới sẽ xây dựng, dẫn dắt HTX ngày càng vững mạnh hơn để tạo được công ăn việc làm cho bà cũng như tiêu thụ, nâng cao giá trị nông sản cho quê hương".
Cùng với với việc chế biến, kinh doanh nông sản sạch, thời gian qua HTX Sản xuất chế biến nông sản Yến Anh làm tốt công tác từ thiện xã hội. Theo đó, hỗ trợ tặng quà cho 5 hộ dân khó khăn được nhà nước hỗ trợ dựng nhà, sửa nhà 2024; Năm 2023, trao tặng 300 xuất quà cho 5 điểm trường khó khăn vùng sâu vùng xa của huyện Than Uyên (Lai Châu) và tặng quà cho 10 chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn của xã Châu Sơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.