Nữ nghệ sĩ Hà thành: "Chúng tôi cố gắng gìn giữ những tinh hoa đã được truyền dạy"
Nữ nghệ sĩ Hà thành: "Chúng tôi cố gắng gìn giữ những tinh hoa đã được truyền dạy"
Ngô Khiêm
Thứ tư, ngày 29/09/2021 08:11 AM (GMT+7)
"Chúng tôi cố gắng gìn giữ lấy những gì tinh hoa đã được truyền dạy, và không ngừng học hỏi để phát triển và tạo dựng con đường cho mỗi người...", nữ nghệ sĩ Phan Thủy nói.
Ở đâu đó chúng ta vẫn thường nghe "giới trẻ đang quay lưng với âm nhạc dân tộc". Đứng trên một góc độ nào đó, điều đó có thể đúng nhưng không phải tất cả. Trong hành trình làm báo của mình, tôi đã được gặp gỡ, trao đổi và biết có những người trẻ đam mê và khao khát được cháy hết mình với âm nhạc dân tộc. Đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà thành.
Trả lời bằng hành động
Những hôm viết bài khuya, tôi thường giải trí bằng cách vào kênh YouTube "Đàn tranh Phương Anh" để nghe nữ nghệ sĩ sinh năm 1991 chơi những bản nhạc, như: "Cảm xúc Tây Nguyên", "Xuân này con không về", "Bèo dạt mây trôi", "Sang xuân"…
Tôi có cảm tưởng Phương Anh với đôi bàn tay thon, búp măng như đang "nhảy múa" trên phím đàn tranh vậy. Còn khi nhắm mắt lại, tôi cảm nhận tiếng đàn của nữ nghệ sĩ đẹp, truyền cảm và có hình ảnh khiến tôi bị mê hoặc và quên đi mệt mỏi, lo âu bộn bề nơi phố thị.
Sau những buổi trò chuyện với Phương Anh, tôi mới biết cô gái sinh ra ở phố Hà Trung (Hà Nội) đã mê tiếng đàn tranh từ năm 9 tuổi và đến với nó từ một tình huống khá thú vị.
"Hồi ấy, một dịp nhạc sĩ Thao Giang đến nhà tôi chơi và khi mọi người đang ngồi nói chuyện thì bác phát hiện tôi chăm chú theo dõi chương trình hoà tấu nhạc cụ dân tộc trên tivi nên hỏi: "Cháu có thích học nhạc cụ truyền thống không?" và ngay lập tức tôi đã gật đầu nói: "Có ạ". Ngày hôm sau mẹ tôi đã đưa tôi đi mua đàn, cửa hàng có rất nhiều loại đàn nhưng không hiểu sao tôi chỉ chọn đúng cây đàn tranh", Phương Anh nhớ lại.
Khi kể với tôi câu chuyện này, Phương Anh bảo, đó như là một số mệnh mà chị không thể cưỡng lại được. Còn tôi có những hôm ngồi ngắm nghía (chứ không phải nghe) Phương Anh chơi đàn thì thấy dường như cô ấy đang muốn cố níu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của người Tràng An trong thời buổi hội nhập đầy biến động hiện nay.
Từ dáng ngồi, cách đưa tay vuốt phím đàn rồi đến mái tóc, tất cả đều mang những nét đặc trưng của người con gái Hà thành. "Thật khó để trả lời tôi đam mê thế nào bởi có trả lời như thế nào đi chăng nữa cũng không đủ hết được, nhưng tôi sẽ trả lời bằng hành động, việc làm cụ thể", nữ nghệ sĩ trải lòng.
Hiện nay trên cương vị giảng viên bộ môn đàn tranh tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng với biểu diễn, nữ nghệ sĩ Hà thành đang cố gắng "truyền lửa" cho các em học sinh, sinh viên yêu quý của mình.
Tuy mới ở tuổi 30 nhưng Phương Anh đã trải qua hành trình không ngắn đến với đàn tranh và gặt hái được nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ, như: Giải Nhất hội thi "Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch" lần thứ nhất năm 2012 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; Huy chương vàng (tập thể), Huy chương bạc (tập thể) tại Liên hoan độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc năm 2017; giải Nhất cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020…
Nghệ sĩ Phương Anh bảo, cây đàn tranh được mệnh danh là cây đàn "quý tộc" trong gia đình các nhạc cụ cổ truyền và nó mối quan hệ mật thiết, gần gũi gắn bó và khăng khít trong đời sống âm nhạc của nhân dân qua những chặng đường lịch sử. Cùng với nhị, bầu, sáo, tỳ bà…, nó trở thành một phương tiện diễn đạt tiếng nói tình cảm của con người Việt Nam.
Hiện nay cây đàn tranh được mang sức sống mới, hơi thở mới, ở một tư thế mới, có tiếng nói mới trong đời sống âm nhạc của đất nước cũng như với bạn bè quốc tế. Một yếu tố như một chất men thúc đẩy sự "thăng hoa" của nó là việc các nghệ sĩ đã mở rộng giao lưu văn hoá với bạn bè quốc tế.
Bản thân chị cũng đã tham gia một số chương trình quốc tế, như: Tết cộng đồng người Việt tại Italia, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Italia, Festival Âm nhạc tại Thụy Sĩ, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Anh, Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Leipzig (Đức)…
Khi nào còn trăn trở là khi ấy còn trẻ
Cũng sinh năm 1991 và sinh ra, lớn lên ở Hà Nội, nghệ sĩ Phan Thủy (giảng viên bộ môn đàn tỳ bà tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) có niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc dân tộc.
Niềm đam mê âm nhạc truyền thống, với Thủy là định mệnh - cho phép chị được tiếp cận với cây đàn dân tộc từ ngày nhỏ - thời điểm mà còn chưa hiểu đến hai chữ "đam mê' là gì.
"Âm thanh của cây đàn gắn bó với tuổi thơ qua từng bài dân ca, nhạc cổ. Tôi cũng không biết rằng ngấm chất từ bao giờ. Nghe thì có vẻ trừu tượng, nhưng một điều đơn giản mà mãi sau này tôi mới nhận ra, bởi dòng máu dân tộc chảy trong huyết quản, vì tính Việt trong mỗi con người dẫn dắt ta trở về với cái gốc một cách rất tự nhiên", nữ nghệ sĩ sinh ra và lớn lên ở Hà thành bộc bạch.
Phan Thủy có nickname "Sầu riêng", bởi chị quan niệm nó cũng giống như nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn tỳ bà nói riêng. Sầu riêng gai góc nhưng lại ngọt ngào, có người không thích ăn vì ấn tượng ban đầu nhưng ai yêu thích thì lại luôn nhớ và không thể nào quên…
Nghệ sĩ Phan Thủy từng tâm sự hàng giờ với tôi về những đau đáu của mình với sự phát triển của âm nhạc dân tộc. Chị bảo, trong quá trình học tập và biểu diễn, chị nhận thấy một sự thiệt thòi của mảng âm nhạc này khi chưa được tiếp cận rộng rãi, và chưa được chú trọng.
Vậy mà thương, thương cho hồn cốt Việt mai một, thương cho những tâm hồn Việt còn chưa được tưới tắn trong chính nghệ thuật trong trẻo của quê hương mình. Nhìn sang các nước bạn, không thể không so sánh khi họ chú trọng đến văn hoá, lấy truyền thống làm mũi nhọn để tiếp cận với thế giới và họ đã thành công.
Phan Thủy đã giành được Huy chương vàng Cuộc thi Hòa tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2007, Huy chương bạc Cuộc thi Độc tấu nhạc cụ dân tộc thành phố Hà Nội năm 2009 và Huy chương vàng Hội thi tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch toàn quốc năm 2012 (giải tập thể)…
Chị cũng đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình cấp quốc gia và quốc tế như Ngày văn hóa Việt Nam tại Hà Lan năm 2014, Tuần lễ Việt Nam tại Leipzig Đức năm 2019, Lễ hội văn hóa và du lịch tại Seoul Hàn Quốc năm 2019...
"Và câu hỏi vẫn còn được bỏ ngỏ cho thế hệ trẻ chúng tôi - những người mang trong mình chất nghệ sĩ và sức trẻ. Với tôi, khi nào còn có câu hỏi, là sẽ còn có giải pháp; khi nào còn trăn trở là khi ấy còn trẻ!
Tôi và tỳ bà đã gắn bó cùng nhau từ năm 2002 - có thể nói là 'bạn đời' được chưa nhỉ? Từ ngày còn là một cô bé đeo khăn quàng đỏ, ngày học 2 trường chia ca, giữa trưa nắng với cây đàn trên lưng, đạp xe sao cho kịp giờ học; cho tới chặng đường tưởng chừng dài vô tận từ THPT Việt Đức tới Nhạc viện… vậy mà cũng đã 19 năm.
Từng bước trưởng thành của tôi đều có bóng dáng của tỳ bà. Người nghệ sĩ đôi khi chơi vơi, và cô đơn, nhưng cảm ơn cây đàn luôn có mặt ở đó!", "Sầu Riêng" Phan Thủy chia sẻ.
Vậy nên có thể lý giải phần nào về mức độ lan toả của tỳ bà trong dân gian chưa thể rộng, người chơi và theo học tỳ bà còn chưa nhiều bằng các cây đàn khác. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng trong những năm trở lại đây cho thấy các nghệ sĩ tỳ bà đang nỗ lực để lan toả âm thanh của cây đàn đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thế hệ các bạn học của Phan Thủy giờ cũng đã trưởng thành, phần lớn đều nằm trong hàng ngũ các đoàn nghệ thuật Trung ương, giảng dạy tại các trường nghệ thuật, biểu diễn thường kỳ… Thủy thấy mừng vì bản thân và các bạn của mình vẫn yêu và gắn bó với nghề, dù còn nhiều khó khăn.
Phan Thủy cũng từng quả quyết với tôi: "Chúng tôi cố gắng gìn giữ lấy những tinh hoa đã được truyền dạy, và không ngừng học hỏi để phát triển và tạo dựng con đường cho mỗi người. Dòng chảy nghệ thuật là không ngừng, và với mỗi cá nhân sẽ có những con đường, định hướng âm nhạc riêng, tạo nên sự đa dạng trong ngành âm nhạc này".
Và tôi tin, không chỉ Phương Anh, Phan Thủy mà còn nhiều bạn trẻ khác cũng đang đắm đuối, say mê với âm nhạc dân tộc như hơi thở, như cuộc sống của mình. Có những tín hiệu đáng mừng ấy khiến chúng ta tin rằng, dù cuộc sống có những thay đổi như thế nào đi chăng nữa thì con người vẫn biết tìm về những giá văn hóa nguồn cội của dân tộc, bám vào văn hóa dân tộc để sinh tồn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.