Nữ sinh lớp 10 từ chối quà Phó Thủ tướng, vui sao lại buồn?

Mai Quốc Ấn Thứ tư, ngày 07/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Cô bé từ chối chiếc xe đạp, khác xa với việc những quan chức chối bay chối biến các khoản lỗ nghìn tỉ hay những quyết định bổ nhiệm cho người thân một cách trơ trẽn.
Bình luận 0

Trong buổi lễ khai giảng 5.9 vừa đây, cô học trò Trần Thị Thanh Tuyền ở lớp 10A1, trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Thị Một, Cần Giuộc (Long An) đã từ chối món quà là chiếc xe đạp của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng. Chiếc xe đạp ấy là 1/60 chiếc xe đạp học bổng dành cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Lý do từ chối rất đơn giản: "Con đã có xe đạp. Năm lớp 8, con cố gắng vượt khó học tốt nên ông Sáu (tức Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình) đã cho con rồi. Nên con muốn nhường cho bạn khác", Tuyền nói.

Chiếc xe đạp học bổng trị giá khoảng 1 triệu đồng đã bị cô bé học trò nghèo từ chối để tạo cơ hội cho một học sinh nghèo khác. Nó khác xa với việc những quan chức chối bay chối biến các khoản lỗ nghìn tỉ, chối bay những mức đội vốn nhiều lần hay những quyết định bổ nhiệm cho người thân một cách trơ trẽn.

Chiếc xe đạp học bổng giá khoảng 1 triệu đồng kém rất xa cái ụ nổi 83M giá 2 triệu USD được kê khống thành 9 triệu USD mà Vinashin đã mua. Nó cũng kém xa tượng đài 1.500 tỉ đồng ở Ninh Bình chưa xây dựng xong đã xuống cấp. Càng kém xa 19.000 tỉ đồng để đào than nhưng ngành than vẫn đang… than thở. Và kém rất rất xa mức 60.000 tỉ đồng bị tham nhũng trong mười năm nay nhưng chỉ thu hồi chỉ được 5.000 tỉ...

img

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chụp ảnh riêng với cô bé Trần Thị Thanh Tuyền.

Lòng tự trọng và nhân ái của cô họ trò lớp 10 ở Long An khác rất xa với ứng xử của những người lớn kiểu như ông Trịnh Xuân Thanh – một người có liên quan trực tiếp đến khoản thất thoát tài sàn hơn 3.200 tỉ đồng nhưng vẫn được bổ nhiệm làm quan chức ở Hậu Giang.

Lại càng khác xa nữa những cán bộ công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp về” của các cơ quan nhà nước trong bộ máy hành chính cồng kềnh, một trong những yếu tố gây ra bội chi ngân sách. Và mức ngân sách bội chi trong 8 tháng đầu năm 2016 đã lên đến 121 ngàn tỉ- tức là khoảng 121 triệu chiếc xe đạp học bổng...

Liên tục bội chi như vậy, ý thức về tiết kiệm ngân sách của cán bộ ta ở đâu?

Nếu đất nước có những cán bộ có ý thức như em Trần Thị Thanh Tuyền liệu có những vết nứt trên sân Mỹ Đình, những vết nứt trên đại lộ Đông-Tây, những vết nứt trên các tượng đài nghìn tỉ? Nếu đất nước có những cán bộ có ý thức, liệu cán bộ cứ ngang nhiên ngồi xe hơi sang trọng từ “quà biếu” hay ở trong những biệt phủ bề thế đứng tên người quen với khẩu hiệu “đúng quy trình”.

Chiếc xe đạp học bổng khoảng 1 triệu đồng nhận và lời từ chối của cô học sinh lớp 10 liệu có giảm được “quyết tâm tham lam” của những con sâu tham nhũng? Tôi e là không. Nhưng nó đánh động cho chúng ta nhớ đến trách nhiệm của mỗi người hôm nay, rằng chúng ta không thể lặng im trước những hiện tượng bất thường nhan nhản về các khoản ngân sách khổng lồ bị mất đi.

Những con số trăm tỉ, ngàn tỉ “nhảy múa” trên các bản báo cáo thành tích sẽ mua được bao nhiêu chiếc xe đạp, xây bao nhiêu cây cầu để cho trẻ em đến trường? Trong khi đầu năm học mới 2016, hàng ngàn trẻ em miền biển Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã bỏ học vì cha mẹ các em không kham nổi chi phí học tập của con mình. Khoản tiền hỗ trợ ngư dân sau sự cố Formosa đến nay vẫn chưa tới tay họ.

Thủ đô ngập, TP.HCM cũng ngập. Đường sá ngập và sân bay cũng ngập. Người dân dường như sắp ngập trong thuế, phí cao đến vô lý còn các cán bộ tham nhũng thì vẫn yên tâm sống ngập trong tiền tham ô... Những thực trạng ngập ngụa ấy là quá đủ cho một cuộc cải cách toàn diện mà Chính phủ phải dẫn đầu- bắt đầu từ cơ chế.

Lấy ví dụ đơn giản: vì cơ chế nên hôm nay có ngày càng nhiều những quan chức nhúng chàm. Trong đó, quan chức nào khi ra tòa cũng lý lịch "đẹp", nhân thân tốt, gia đình có truyền thống cách mạng. Trước khi có những động thái chống tham nhũng quyết liệt từ Đảng và Chính phủ thì lý lịch "đẹp", nhân thân tốt và gia đình có truyền thống cách mạng liệu có trở thành những "kim bài miễn tố" hay chí ít cũng giảm nhẹ mức phạm tội?

Có lẽ phải thức tỉnh ngay và nhận ra rằng nợ công mà bất kỳ người dân nào gánh phải không chỉ đến từ những "lỗ hổng" của cơ chế. Mà còn vì sự im lặng của mỗi người trước các "lỗ hổng" ấy. Để mỗi người, dù ở bất kỳ vị trí nào, đều ý thức rằng một khi thiếu trách nhiệm thì "thiên tử phạm tội, xử như thứ dân".

Lời từ chối  chiếc xe đạp học bổng của cô học trò Trần Thị Thanh Tuyền chính là xác tín của một công dân có trách nhiệm. Rằng sự gìn giữ, sử dụng hiệu quả tài sản công (xe đạp) để tạo điều kiện phát triển cho các công dân khác (bạn học) cũng có cơ hội được phát triển (được tặng xe để đi học).

Trách nhiệm công dân đơn giản của cô bé lớp 10 chính là một loại hình đạo đức cơ bản, một chuyện bình thường ở một xã hội phát triển bình thường.  Nhưng nó lại đẹp lung linh giữa muôn vàn sự vô trách nhiệm đang hiện hữu hôm nay.

Đó chẳng phải là chuyện vui mà lại rất đáng buồn sao?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem