Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) cho biết doanh số tháng 8/2024 của công ty đã đạt 30,38 triệu USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ. Trong đó, sản xuất tôm thành phẩm đạt 3.450 tấn, tăng tới 74% so với cùng kỳ.
Thực phẩm Sao Ta cho biết kết quả tăng trưởng ấn tượng trên đến từ việc công ty đã ký kết nhiều hợp đồng nên hoạt động chế biến được tăng cường để đảm bảo giao hàng đúng tiến độ. Theo đó, sản lượng tiêu thụ tôm thành phẩm đạt 2.726 tấn, tăng 36% so với tháng 8/2023.
Trong khi đó, sản xuất nông sản thành phẩm giảm 42% so với cùng kỳ xuống 44 tấn. Sản lượng tiêu thụ nông sản thành phẩm 116 tấn, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế từ đầu năm đến nay, doanh số tiêu thụ của Sao Ta ước đạt 156,6 triệu USD. Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh số tiêu thụ 210 triệu USD. Với kết quả trên, công ty đã thực hiện được 75% mục tiêu đặt ra.
Sao Ta cho biết, tính đến tháng 8, các trại nuôi của công ty đã hoàn tất thu hoạch tôm và đang cải tạo ao chuẩn bị cho vụ nuôi mới khi thời tiết thuận lợi trở lại.
Năm 2024, Thực phẩm Sao Ta cũng xác định đây sẽ là một năm khó khăn tiếp theo của ngành tôm. Trước tình hình này, bên cạnh tập trung vào các thị trường quan trọng, Thực phẩm Sao Ta sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm tôm chế biến sâu.
Thực phẩm Sao Ta xây dựng kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu doanh thu thuần đạt 5.187 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 320 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 5% so với mức thực hiện của năm 2023. Sản lượng tôm chế biến năm 2024 của doanh nghiệp dự kiến đạt 22.300 tấn, tăng 5,2% so với mức 21.198 tấn ghi nhận năm trước.
Thực tế, vẫn có cơ sở để kỳ vọng kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm của Thực phẩm Sao Ta tăng đột biến cả về doanh thu và lợi nhuận.
Xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là tôm vẫn theo hướng phục hồi. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tháng 8/2024, xuất khẩu thủy sản tiếp tục đà hồi phục với mức tăng trưởng 20% đạt gần 953 triệu USD. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm tính đến hết tháng 8 đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó tôm chân trắng đạt khoảng 1,75 tỷ USD, tăng 8%, xuất khẩu tôm sú vẫn thấp hơn 7% so với cùng kỳ, đạt gần 290 triệu USD. Riêng tôm hùm vẫn giữ đà tăng trưởng tốt trong tháng 8, do vậy kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm cao hơn 140% so với cùng kỳ năm 2023.
Vừa qua các cơ sở chế biến tôm xuất khẩu đã ký nhiều hợp đồng để có việc làm cho cả năm, đồng thời để giảm thiểu rủi ro, việc dự trữ nguyên liệu lúc giá rẻ đã diễn ra khá thuận lợi trong tháng 7 và 8, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta chia sẻ.
Theo ông Lực, chỉ có một rủi ro mà Sao Ta nói riêng và các đơn vị trong ngành thuỷ sản nói chung vẫn đang đối mặt, đó là vấn đề bảo hộ thương mại, liên quan đến các vụ kiện chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) tại Hoa Kỳ.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, khi chia sẻ với cổ đông về vụ kiện CVD ngành tôm từ thị trường Hoa Kỳ, ban lãnh đạo Sao Ta đánh giá đây là vấn đề phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, “trước mắt công ty sẽ tập trung bán vào Hoa Kỳ những mặt hàng không vướng thuế hoặc những mặt hàng có thuế nhưng bán được giá tốt".
Theo lãnh đạo Sao Ta, mức CVD của Hoa Kỳ đối với tôm Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác, tuy nhiên đây mức là mức công bố sơ bộ, mức thuế cuối cùng dự kiến chốt trong thời gian ngắn tới. Nếu mức thuế CVD cuối cùng của Việt Nam vẫn thấp hơn các nước khác thì đây là lợi thế cho tôm Việt.
Đối tượng đánh thuế chống trợ cấp cũng tương tự như hoạt động chống bán phá giá, trong đó tôm tẩm bột và tôm chiên không bị áp thuế.
Theo lịch trình, 19/10/2024, DOC dự kiến công bố mức thuế CVD cuối cùng và trước 3/12/2024 Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ có kết luận là vụ kiện này sẽ kết thúc hay còn diễn tiến.
Ông Hồ Quốc Lực cũng cho biết, mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhưng nhìn chung nửa cuối năm 2024 vẫn là “giai đoạn dễ thở”.
Theo đánh giá mới đây của hãng Chứng khoán Rồng Việt, giá bán tôm của Thực phẩm Sao Ta trong nửa cuối năm nay dự kiến sẽ tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, với việc chiếm đến 34% thị phần xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản, Sao Ta được kỳ vọng hưởng lợi từ diễn biến đồng Yên tăng giá trong nửa cuối năm nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.