Nửa đêm, thầy giáo đốt đuốc tìm trò

Thứ năm, ngày 19/08/2010 09:02 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tốt nghiệp đại học loại ưu, Nguyễn Anh Phương về trường THCS xã Xuân Thọ, huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hoá. Cứ đêm xuống, thầy lại đốt đuốc, lội suối đến từng thôn bản tìm trò.
Bình luận 0
img
Các em học sinh nghe thầy Phương giảng bài tại nhà.

Năm 2001, cầm tấm bằng tốt nghiệp sư phạm loại ưu Trường ĐH Hồng Đức trên tay, Nguyễn Anh Phương mong ước: “Đem lại con chữ cho trẻ em vùng cao, vùng sâu tại huyện nhà...”. Trở về quê, anh quyết tâm mang chữ đi tìm học trò.

Gian nan gieo chữ

Ngày ấy, thôn bản còn nghèo đói, nhìn từng đoàn người kéo nhau đi mót sắn, đào măng về ăn, học trò thì lam lũ, bụng đói lả, chúng chẳng thiết tha đến trường. Lòng thầy giáo trẻ này thắt lại. Nhiều lần, thương học trò đói ăn, thiếu mặc giữa vùng đồi núi ấy, thầy Phương đã đi mót sắn về cho học trò có cái cho vào bụng để đổi lại những giờ học.

Ghi nhận công lao của thầy giáo Nguyễn Anh Phương, chính quyền địa phương đã tặng thầy Phương nhiều giấy khen về thành tích khuyến học.

Đêm xuống, thầy giáo 32 tuổi này lại đốt đuốc lội qua suối, rẽ cây rừng đến từng thôn, bản vận động gia đình cho các em đến lớp.

Công tác vận động gặp rất nhiều khó khăn vì nơi đây đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người nói tiếng phổ thông còn chưa sõi. Nhiều lần, khi đến vận động phụ huynh cho con em đến lớp, nhiều người đã thẳng thắn hỏi rằng: “Học có làm cho cái bụng no được không?”.

Nhớ lại những lần ấy, thầy Phương bảo: “Bà con nói với tôi bằng ngôn ngữ địa phương. Do bất đồng ngôn ngữ, tôi quyết tâm học tiếng Mường, tiếng Thái. Ai nói tiếng gì tôi nói tiếng đó, giải thích cho bà con hiểu được vì sao phải cho con em đi học!”. Bằng quyết tâm đem “cái chữ” đến với các em, thầy Phương tranh thủ dạy ngay cả khi cùng học trò đi chăn trâu .

Dựng lớp giữa rừng

Cuối năm 2001, lớp học tình thương đầu tiên của thầy giáo Phương “khai giảng” tại nhà văn hóa bản Chanh, tứ bề vách nứa xiêu vẹo, mái che dột nát. Cả thầy lẫn trò vừa che mưa vừa học bài, nhưng các em vẫn kéo nhau đến lớp đều đặn.

Lớp học đầu tiên ấy chỉ có 5 học sinh nhưng đủ cả 3 thành phần (học sinh chưa biết chữ, bỏ học giữa chừng, có em đang đi học). Thầy Phương vừa dạy các em tập viết, tập đọc bên này xong lại qua bên kia chỉ bảo các em lớn hơn làm phép tính, đọc thơ… cặn kẽ từng chi tiết.

Niềm vui lẫn sự thích thú, ham học cứ lớn dần trong mỗi học sinh. Và đêm nào cũng vậy, sau khi học bài xong thầy Phương lại đốt đuốc đưa từng em về tận nhà, vì sáng mai các em còn phải lên rẫy sớm.

Bằng cách làm như vậy, chỉ một thời gian ngắn, thầy Phương đã vận động được 20 em đến lớp học và duy trì sĩ số cho tới bây giờ. Gần 10 năm qua, từ cái lớp học đặc biệt ấy của thầy Phương đã giúp hàng trăm em nhỏ biết chữ.

Có những em giờ đã trở thành sinh viên ưu tú ở các trường ĐH, như em Hà Thị Luật (SV Trường ĐH Huế); Lê Thị Nguyệt (SV ĐH Hồng Đức)… Năm 2009, học sinh của thầy Phương là em Quách Lê Trọng (dân tộc Mường, lớp 7) thi học sinh giỏi môn Văn cấp tỉnh, đạt giải ba.

Có được thành công này không thể không nhắc tới vợ thầy, cô giáo Phạm Thị Lan, dạy môn Văn cùng trường. Cô luôn ủng hộ và giúp đỡ chồng trong việc cưu mang và dạy các em học chữ tại lớp học tình thương.

Gia đình thầy Phương đã nhận cưu mang các em Hà Văn Tuyên, Lê Thị Huê, Lê Thị Hiền, là những em có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, bố mất sớm, mẹ bị tàn tật không còn khả năng lao động. Mong ước của thầy giáo Nguyễn Anh Phương là được làm những “con thuyền” để chở các em “qua sông” trên vùng núi như thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem