Nửa đời người sưu tầm hiện vật hơn 100 tuổi của Tây Nguyên

Thứ hai, ngày 20/02/2012 21:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dành hơn nửa đời người và gần như toàn bộ gia sản, chị Ngô Thị Kim Cúc (TP.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đã lặn lội khắp các bon gần, buôn xa của người M'Nông, Ê Đê... để gom về tất cả những gì mang hồn Tây Nguyên.
Bình luận 0

Cuối những năm 1970, tốt nghiệp Trường Lý luận và Nghiệp vụ 2 (thuộc Bộ Thông tin - Văn hóa), Ngô Thị Kim Cúc được phân về Phòng Bảo tàng và bảo tồn Ty Thông tin - Văn hóa Đăk Lăk.

img
Chị Cúc bên bộ sưu tập hơn nửa đời người của mình.

Vì yêu nên liều

Những chuyến công tác về các buôn làng đã giúp chị tiếp xúc với rất nhiều vật dụng của người Tây Nguyên. Ban đầu chỉ thích, dần dần rồi "yêu" nên sau mỗi chuyến công tác, chị đều tìm và mang về một thứ gì đó, khi là quả bầu, ống tre, khi thì chiếc vòng tay… Tất cả đều được chị ghi rõ xuất xứ và lưu giữ cẩn thận.

Sau nhiều năm một lòng với "tình yêu", cuối cùng chị Cúc đã có hàng ngàn hiện vật của đồng bào DTTS Tây Nguyên.

Khi "tình yêu" ấy đã quá lớn, chị nảy ý định thành lập một bảo tàng trưng bày tất cả những thứ liên quan đến văn hóa Tây Nguyên. "Với đồng bào Tây Nguyên, mọi vật quanh họ đều có linh hồn, khi muốn bán cái gì, họ phải cúng Yàng (trời), đối với những vật quan trọng còn phải mổ trâu đãi làng.

Như chiếc thuyền độc mộc này, để có nó tôi phải mua 2 con trâu để gia chủ đãi cả làng ăn uống suốt 2 ngày liền. Song không phải lúc nào mình cũng có thể dùng tiền. Để có đôi bông tai bằng ngà voi này, tôi phải thuyết phục người phụ nữ M'Nông cả năm trời đó" - chị Cúc kể.

Sau nhiều năm theo đuổi ý tưởng, cuối cùng chị đã có hàng ngàn hiện vật của đồng bào DTTS Tây Nguyên.

Giấc mơ còn dang dở

Quá nửa đời người say mê sưu tầm, hiện bộ sưu tập của chị Cúc đã đủ để thành lập một bảo tàng tư nhân. Bộ sưu tập gồm 3 nhóm chính: Dụng cụ sinh hoạt, vật trang sức và các loại nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên.

Có hàng trăm hiện vật mang đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên như: Ghế K'pan, gùi, bát, xà gạc, ché, thuyền độc mộc, dụng cụ săn bắt trên cạn, dưới nước; các loại áo quần thường ngày của nam, nữ, già trẻ các dân tộc, trang phục lễ hội; vòng bạc, vòng đồng, khuyên tai bằng ngà voi… Độc đáo hơn là bộ sưu tập đầy đủ các loại nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống với trên 130 chiếc.

Phần lớn những hiện vật đó đều "sống" hơn 100 tuổi. Nhiều món mà bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên cũng không có như chiếc áo bằng vỏ cây rừng dùng để mặc khi đi săn voi của các thợ săn M'Nông xưa; chiếc thuyền độc mộc dài hơn 10m cũng của đồng bào M'Nông từng chở nhiều bộ đội vượt sông đánh Mỹ ngụy; chiếc lao săn cá sấu...

Tất cả những thứ ấy đang được cất giữ trong ngôi nhà nhỏ bé của chị Cúc ở Buôn?Ma Thuột. Một miếng đất rộng rãi đã được vợ chồng họ chuẩn bị từ rất sớm, để làm nơi xây dựng Bảo tàng "Điểm hẹn Tây Nguyên".

Nhưng đến nay, miếng đất ấy lại vướng vào giải tỏa. Vợ chồng chị chưa biết bao giờ mới thực hiện được giấc mơ của mình. "Tôi rất buồn vì công sức sưu tập hàng chục năm của chúng tôi chưa thể trưng bày một cách khoa học để mọi người được chiêm ngưỡng"- chị Cúc tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem