Núi rừng tan nát vì “vàng tặc”

Thứ ba, ngày 17/05/2011 19:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tình trạng người dân địa phương đào đãi vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, Bình Định diễn ra hơn 10 năm nay.
Bình luận 0

Trong khi núi rừng bị tàn phá, ao hồ bị bồi lấp, môi trường ngày càng ô nhiễm... thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp nào ngăn chặn.

Tan rừng, nát suối

Từ trụ sở UBND xã Ân Nghĩa đi xe máy chừng 1km là đến bãi vàng Hố Khế (thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa). Một quả đồi chưa đầy 0,5ha nhưng có đến hàng chục hố đào vàng nằm san sát nhau. Tại đây, những lán trại bị phá hủy, chén bát vỡ, dụng cụ đào vàng hư hỏng... vứt bỏ khắp nơi.

img
Người dân ở xã Ân Nghĩa lén lút vào rừng đào đãi vàng.

Từ sau vụ sập hầm vàng khiến 3 người chết, một người bị thương vào chiều 30.4 đến nay, bãi vàng Hố Khế vắng tanh. Những con suối chảy qua bãi vàng sền sệt màu đất đỏ, bùn đặc quánh. Lần theo con suối này chưa đầy 500m, chúng tôi phát hiện một vài người đang lén lút đào đãi vàng.

Theo những người này, tại khu vực Hố Khế chỉ có người dân địa phương. Mỗi ngày, mỗi người có thể kiếm 50-70 ngàn đồng, rất ít trường hợp “trúng đậm”. Một người đãi vàng tên Hải cho biết: “Sau mỗi lần sập hầm, công an, kiểm lâm truy quét rất gắt gao nên chúng tôi “tạm” lắng thời gian. Chúng tôi chỉ lên núi đào đất đá mang về đãi”.

Đất đá thải ra do hoạt động đào đãi vàng ở hố Kà Diếc bồi lấp gần nửa hồ Đồng Quang (thôn Phú Ninh, xã Ân Nghĩa). Hầu hết các con suối ở đây đều tan hoang hoặc cạn kiệt bởi những hố vàng được đào ngay giữa lòng suối. Nhiều quả đồi nằm dọc theo các con suối cũng đã bị cày nát.

Ông Trương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa- cho biết: “Xã có đến 3 điểm đào đãi vàng trái phép, đó là hố Kà Diếc (thôn Phú Ninh), hố Khế, hố Cọp (thôn Kim Sơn). Hoạt động khai thác vàng trái phép diễn ra quanh năm, nhưng mạnh nhất là thời điểm mùa vụ đã kết thúc và trước Tết Nguyên đán. Lúc cao điểm, có hơn 100 người lên núi đào đất đãi vàng.

Tình trạng đất, đá từ hoạt động khai thác vàng theo những con suối trôi xuống bồi lấp các hồ chứa nước Kim Sơn và hồ Đồng Quang gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp ở địa phương, gần 70ha đất trồng lúa của xã đang bị thiếu nước sản xuất. Nghiêm trọng nhất là nạn ô nhiễm môi trường, tàn phá rừng phòng hộ đầu nguồn và những hố sâu bị các đối tượng đào đãi vàng đục khoét rất dễ bị sụp lún, gây lở đất khi có mưa đến”.

Không thể xử lý dứt điểm

Năm 2000, UBND tỉnh Bình Định cho phép Công ty Khoáng sản Bình Định thăm dò địa chất tại xã Ân Nghĩa. Năm 2003, công ty này rút lui và từ đó đến nay người dân địa phương tụ tập vào đây để đào đãi vàng. Thời gian gần đây, hoạt động khai thác vàng trái phép tại khu vực này diễn ra ngày càng phức tạp.

Theo ông Trương Văn Hải, việc tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục cho người dân không phát huy hiệu quả. Nhiều đối tượng cam kết không tái phạm, nhưng mấy ngày sau “ngựa lại quen đường cũ”.

Ông Nguyễn Cần- Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân - cho biết: “Việc xử lý dứt điểm hoạt động đào đãi vàng trái phép tại xã Ân Nghĩa là không thể. Đa số người đào đãi vàng trái phép là dân địa phương nên mỗi lần chúng tôi tổ chức truy quét thì họ dừng một thời gian, sau đó lại tiếp tục hoạt động trở lại.

Tình trạng khai thác vàng trái phép thường xuyên tái diễn là do nhiều lao động ở địa phương thiếu việc làm. Giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương mới mong họ không tham gia đào đãi vàng trái phép. Nhưng làm sao được như vậy thì chính quyền địa phương bó tay(!)”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem