Vụ hơn 100 hộ trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long có liên quan đến nước mặn

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 13/06/2024 17:26 PM (GMT+7)
Người dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguồn nước tại mương vườn ở địa phương vẫn còn nhiễm mặn dù đang là mùa mưa. Đây là một trong những nguyên nhân khiến vườn chôm chôm, sầu riêng, mai vàng nơi đây bị thiệt hại, dẫn đến việc hơn 100 hộ dân gửi đơn tập thể "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh.
Bình luận 0

Liên quan đến bài "Vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long", hôm nay 13/6, người dân ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ cho biết, nguồn nước vẫn còn nhiễm mặn - đây là một trong những nguyên nhân khiến vườn sầu riêng, chôm chôm, mai vàng nơi đây bị thiệt hại.

Vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn

Ngày 13/6, người dân xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long đo độ mặn tại mương vườn là 0.3‰. Ảnh: L.H

Cụ thể, sáng cùng ngày, một số hộ dân ở xã Bình Hòa Phước đi đo độ mặn tại các mương thì phát hiện độ mặn vẫn còn, dao động từ 0.3-0.5‰ tuỳ thời điểm. Trước tình hình trên, người dân tiếp tục đề nghị UBND xã kiểm tra lại hệ thống xả thải của các hộ dân nuôi lươn.

Vài tháng trước đó, do vườn sầu riêng, chôm chôm, mai vàng liên tục bị đỏ lá, rồi chết dần, người dân đã mời cán bộ UBND xã Bình Hòa Phước đến kiểm tra mẫu nước. Kết quả khiến ai cũng bất ngờ khi vùng trồng cây ăn trái quanh năm có nguồn nước nhiễm mặn.

Từ kết quả kiểm tra trên, người dân nhận ra rằng, nguồn nước vốn nhiễm mặn từ lâu. Do không hay biết, người dân đã lấy nước nhiễm mặn tưới cây, dẫn đến thiệt hại nặng nề.

Do nguồn nước đầu nguồn dẫn vào khu vườn của người dân xã Bình Hòa Phước là nước ngọt. Vì vậy, người dân nghi ngờ việc nhiễm mặn xuất phát từ nguồn nước thải nuôi lươn.

Người dân sau đó đã gửi đơn phản ánh đến ngành chức năng huyện Long Hồ. Đến ngày 2/5, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ Phan Thị Mỹ Hạnh đã có cuộc họp với hàng chục hộ dân ở xã Bình Hòa Phước để giải quyết khó khăn, thiệt hại của người dân trồng cây ăn trái.

Trong cuộc họp, bà Hạnh đã chỉ đạo ngành chức năng hướng dẫn người dân nuôi lươn quy trình xử lý nước thải trước khi cho ra môi trường. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức thành lập đoàn công tác, khảo sát tìm hiểu nguyên nhân gây ảnh hưởng cây trồng, thống kê thiệt hại. Sau khi có kết quả, sẽ mời nông dân tìm hướng giải quyết, khắc phục cây trồng bị ảnh hưởng trong thời gian tới.

Cho rằng việc can thiệp, xử lý của ngành chức năng địa phương chưa đủ mạnh, chưa giải quyết triệt để vấn đề nguồn nước bị ô nhiễm, hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm, mai vàng đã gửi đơn tập thể "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành có liên quan.

Vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn

Vườn chôm chôm ở xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long bị thiệt hại phải cưa bỏ Ảnh: Huỳnh Xây

Vụ hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm gửi đơn

Nguồn nước nhiễm mặn là một trong những nguyên nhân khiến vườn cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm ở huyện Long Hồ bị thiệt hại, dẫn đến việc hơn 100 hộ dân gửi đơn tập thể "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Huỳnh Xây

Đến ngày 6/6, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ chủ trì cuộc đối thoại với hơn 100 hộ dân trồng sầu riêng, chôm chôm, mai vàng xã Bình Hòa Phước.

Theo báo cáo của UBND huyện Long Hồ đưa ra tại cuộc đối thoại, từ ngày 19/4 đến ngày 31/5, ngành chức năng huyện và tỉnh Vĩnh Long đã có 3 đợt khảo sát về hiện trạng vườn chôm chôm, sầu riêng, mai vàng của người dân bị thiệt hại.

Qua đó, đều kết luận, có độ mặn trong mương vườn cây ăn trái của người dân, còn mẫu nước thải nuôi lươn đều có clorua (muối) vượt so với quy chuẩn quy định.

Báo cáo nêu rõ, qua nhắc nhở của ngành chức năng, đã có 11 hộ dân đã ngưng hẳn việc sử dụng nước ngầm nuôi lươn, 4 hộ dân còn lại xin UBND huyện xem xét cho được tiếp tục sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi lươn đến hết vụ nuôi vì nếu thay thế qua nước sông thì lươn sẽ chết, gây thiệt hại kinh tế. Sau khi kết thúc vụ nuôi sẽ không sử dụng nguồn nước ngầm để nuôi lươn.

Kết luận tại buổi đối thoại, bà Hạnh giao Phòng NNPTNT huyện phối hợp với UBND xã Bình Hòa Phước rà soát, xác định diện tích vườn cây ăn trái bị chết, khẩn trương tham mưu triển khai kế hoạch hỗ trợ nhà vườn phục hồi sản xuất.

Đồng thời, hướng dẫn các hộ dân chuyển sang sử dụng nước mặt để nuôi lươn thay cho nước ngầm, xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn quy định về môi trường.

Bà Hạnh cũng giao Phòng TNMT huyện Long Hồ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành đóng các giếng khoan khai thác nước ngầm sử dụng sinh hoạt và nuôi trồng thuỷ sản theo qui định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem