Nước mắt ly hương

Thứ hai, ngày 24/02/2014 14:54 PM (GMT+7)
Có lẽ không tuần nào tháng nào báo chí không loan tin về “những giọt nước mắt ly hương”! Người lao động Việt Nam đi khắp mọi nơi. Những người ly hương thường là xuất khẩu lao động hoặc lấy chồng nước ngoài.
Bình luận 0
Cũng không ít người đi lấy chồng hay lao động thành công, khi về trả được nợ, lại còn tiền vốn làm ăn, sửa chữa nhà cửa. Nhưng không ít kẻ chỉ gửi về nhà những giọt nước mắt và thực sự nước mắt của những người khốn khổ ấy đã chảy quá nhiều! Bị chồng ngược đãi, đánh đập, bị bán trao tay (phần lớn là ở TQ).

Người lao động được trả lương chỉ bằng phần ba hợp đồng hay quỵt luôn cả lương, làm việc quá hàng chục giờ mỗi ngày, giấy tờ bị giữ đẩy người xa xứ vào cảnh nô lệ thế kỷ 19! Hoàn cảnh đau thương ấy đang đày đọa xuống địa ngục hàng trăm người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Giọt nước mắt những người đi xuất khẩu lao động trở về (Nguồn ảnh: MEC)
Giọt nước mắt những người đi xuất khẩu lao động trở về (Ảnh minh hoạ - Nguồn ảnh: MEC)

Ai đã đưa họ ra đi? Các công ty xuất khẩu lao động có phép hoặc không có phép, không ít những công ty xuất khẩu lao động lừa đảo, thực chất đó là những kẻ buôn người. Nhà nước có Sở LĐTBXH tại các tỉnh và một Bộ LĐTBXH, có cả Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nhưng phát hiện hoàn cảnh nguy cấp khốn khổ của họ thường là do báo chí hay gia đình kêu cứu, tố cáo. Đã không ít kẻ buôn người vào tù. Nhưng nước mắt người ly hương kiếm sống vẫn tiếp tục rơi!

Trước hết, là trình độ hiểu biết của người lao động quá thấp so với yêu cầu. Họ là nông dân nên cả tin, ít khi đụng chạm pháp luật, trăm sự tin vào “công ty” và khốn khổ ngay nếu gặp bọn lừa đảo. Các công ty thì vô lương tâm, lấy được tiền của người lao động bỏ túi là coi như xong, sống chết mặc bay.

Cơ quan quản lý của Nhà nước khi cần thì không thấy đâu, có trường hợp kêu cứu thì hứa hẹn cứu xét, can thiệp nhưng quá chậm chạp. Người thuê lao động nước ngoài thì luôn theo nguyên tắc của các ông chủ- làm càng nhiều giờ, lương càng thấp càng tốt! Trăm dâu đổ đầu tằm, kẻ hứng chịu mọi thứ bất cập ấy là người lao động.

Làm cái gì cũng phải học. Đi lao động, lấy chồng nước ngoài càng cần phải học. Học tiếng, học nghề, tìm hiểu nền văn hóa nước mình làm thuê. Do bế quan tỏa cảng lâu dài, có lẽ người lao động Việt Nam mình có “trình độ làm thuê” thấp nhất thế giới. Cho nên mới có nhiều nước mắt rơi. Cho nên, nếu chưa đủ trình độ làm thuê thì chưa nên vội muốn đổi đời.

Thực ra nếu Bộ LĐTBXH muốn bảo vệ người lao động thì không khó. Buộc các công ty xuất khẩu lao động phải có tiền đặt cược gửi ngân hàng giữ trên đầu người ly hương. Ít nhất cũng sẵn tiền máy bay cho họ về nước nếu phía chủ vi phạm hợp đồng.

Người lao động cần có một hội đoàn tương tế, có luật sư đại diện ở trong nước để đấu tranh bảo vệ quyền lợi hoặc giúp người lao động ký kết hợp đồng tránh bị lừa. Họ sống bằng sự đóng góp của người lao động. Cũng có thể có những tổ chức thiện nguyện bảo vệ người lao động ly hương. Và nhiều hình thức dân sự khác.

Vấn đề là, hỡi các vị cán bộ có trách nhiệm quản lý người lao động xuất khẩu, chỉ mong các vị để mắt tới thân phận và nước mắt hàng ngàn kẻ ly hương!
Nguyễn Quang Thân (Nguyễn Quang Thân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem