Nước Mỹ chi 1,15 tỷ USD mua nhân hạt điều, loại hạt giàu vitamin K của Việt Nam, từ cây nồi đồng cối
Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ chi 1,15 tỷ USD mua một loại hạt giàu vitamin K của Việt Nam
Ngân Hương
Thứ ba, ngày 21/01/2025 15:30 PM (GMT+7)
Năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 730.000 tấn nhân hạt điều chế biến, đạt kim ngạch 4,37 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 1,12 tỷ USD. Ngành điều không chỉ lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu mà còn giữ vững vị trí số 1 thế giới trong suốt 18 năm qua, khi chiếm trên 80% tổng sản lượng nhân điều xuất khẩu toàn cầu.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 730.000 tấn nhân hạt điều chế biến, đem về 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023.
Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,1% so với năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất. Đáng chú ý, năm 2024 ghi nhận lần đầu tiên trong lịch sử thị trường Mỹ đã chi tới hơn 1,15 tỷ USD để nhập khẩu gần 192.200 tấn hạt điều của Việt Nam, tăng 21,3% về lượng và tăng 30,3% về giá trị so với năm trước đó.
Trung Quốc nhập khẩu nhiều thứ hai, với hơn 117.000 tấn, trị giá 687,84 triệu USD, tăng 18,9% về lượng và tăng 14,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, ngành điều Việt Nam cũng khai thác tốt thị trường EU như Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha…
Nhiều diện tích điều tạp ở tỉnh Bình Phước được cải tạo, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất cao. Ảnh: Bích Hà
Theo Bộ NNPTNT, Việt Nam hiện có hơn 20 tỉnh, thành phố trồng điều, với tổng diện tích lên tới hơn 300.000ha. Trong đó, Bình Phước là "thủ phủ" điều lớn nhất Việt Nam, với diện tích trồng lên tới hơn 150.000ha; hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa…
Loại hạt được ví là "đại bổ, giàu vitamin K", "siêu" dưỡng chất này của Việt Nam chiếm khoảng 98% trong tổng giá trị nhập khẩu điều của thị trường Mỹ.
Còn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hạt điều của nước ta năm 2024, thị trường Mỹ chiếm gần 26,6%.
Bà Đào Thị Lanh - Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước cho rằng, lợi thế lớn nhất của ngành điều chính là công nghệ chế biến tiên tiến nhất thế giới do người Việt sản xuất, chất lượng hạt điều trồng tại Việt Nam cũng ngon nhất. Hiện tổng công suất chế biến điều của Việt Nam khoảng 2 triệu tấn/năm và đang liên tục tăng.
Tuy nhiên theo bà Lanh, ngành điều cần có cuộc "cách mạng" thứ 2 với chiến lược bài bản để gia tăng giá trị, vị thế trong chuỗi giá trị ngành điều thế giới, chuyển từ sơ chế nhân điều xuất khẩu sang chế biến sâu thành các mặt hàng thực phẩm, đi trực tiếp vào siêu thị.
Xét trên chuỗi giá trị hạt điều toàn cầu, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu điều nhân sơ chế nên có giá trị thấp, trong khi nhân điều thành phẩm đến tay người tiêu dùng chưa phát triển, như vậy Việt Nam chỉ chiếm khoảng 30% chuỗi giá trị ngành điều.
Chưa kể nguồn nguyên liệu cho chế biến điều của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn nhập khẩu từ Campuchia, Ấn Độ, Bờ Biển Ngà…
Với quan điểm chủ trương chung của ngành là tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu "giữ lượng, tăng chất, tăng giá" trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu điều, lãnh đạo Hội Điều Bình Phước cho rằng, ngành điều Việt Nam rất cần một định hướng, chiến lược chung ở tầm quốc gia, xứng tầm với ngành hàng xuất khẩu trên 4 tỷ USD/năm.
Trong đó, tập trung phát triển mạnh chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường thế giới; giành vị trí xứng đáng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu; đồng thời cũng chú trọng phát triển thị trường trong nước.
Ổn định vùng nguyên liệu theo hướng chất lượng, hiệu quả, vừa tạo thế chủ động về nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho chế biến, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng điều.
Đơn cử, tại Bình Phước, thời gian qua địa phương đã tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kỹ thuật chuyên sâu về sản xuất điều cho cán bộ khuyến nông và người dân, hỗ trợ công tác khuyến nông để đẩy mạnh cải tạo, tái canh vườn điều, hướng sản xuất theo các tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng.
Chú trọng quản lý chất lượng giống điều; hướng dẫn các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh giống điều theo đúng quy định pháp luật; sử dụng giống điều ghép có năng suất, chất lượng cao để trồng tái canh, trồng mới.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác và thâm canh điều. Cải tạo vườn điều tạp, tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất đạt từ 2,5 tấn/ha trở lên; diện tích trồng xen, chăn nuôi dưới tán điều đạt ít nhất 10.000ha; ổn định công suất thiết kế của mạng lưới chế biến hiện có là 500.000 tấn/năm…
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị đã ý thức rõ rệt về việc thay đổi để thích nghi với yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Là doanh nghiệp vừa và nhỏ, ban đầu ông Lưu Hoàng Sơn - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty CP hạt điều Hải Bình (Gia Lai) cũng chủ yếu bán nguyên liệu thô.
Song với tầm nhìn xa và quyết tâm, từ năm 2016, ông Sơn đã mạnh dạn đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại như máy tách nhân công suất lớn, lò rang, hệ thống máy đóng gói.
Đây chính là bước ngoặt giúp sản phẩm hạt điều Hải Bình chinh phục thị trường trong nước, đặc biệt tại các chuỗi siêu thị lớn như Big C, WinMart và MM Mega Market, đồng thời xuất khẩu hạt điều sang các nước như Thái Lan và Na Uy.
Không dừng lại ở sản phẩm hạt điều truyền thống, Công ty Hải Bình liên tục nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm đa dạng như hạt điều tẩm vị, sữa chua hạt điều sấy thăng hoa, hạt điều tỏi ớt…, góp phần khẳng định vị thế trên thị trường. Hiện, công suất trung bình tại công ty này đạt 1.100 - 1.600 tấn thành phẩm/năm…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.