Nằm ngay bên dòng sông Đào, Nhà máy Nước Nam Dương (huyện Nam Trực) được nhiều người biết đến bởi những lợi ích thiết thực từ khi nhà máy đi vào hoạt động tháng 8-2007.
Người dân phấn khởi
Theo ông Dương Minh Chính - cán bộ Công ty cổ phần Nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) Nam Định, Nhà máy Nước Nam Dương sử dụng công nghệ bể lọc tự rửa không van, tiết kiệm năng lượng và các hoá chất xử lý nước. Ông Chính cho biết: "Đây là mô hình đầu tiên của miền Bắc".
|
Người dân ở các vùng nông thôn Nam Định đã được hưởng lợi từ các công trình nước sạch. |
Với số vốn đầu tư và nâng cấp 7,4 tỷ đồng. Nhà máy Nước Nam Dương hiện cung cấp nước cho hơn 2.000 hộ ở xã Nam Dương với khoảng trên 1 vạn người và 500 hộ ở 5 thôn của xã Bình Minh là Rót, Phan, Xây Ít, Cổ Lũng và Xứ Trưởng.
Hiện nay, giá nước sạch là 2.620 đồng/m3 (gồm cả thuế). Điều mà người dân phấn khởi nhất là từ khi đi vào hoạt động, nhà máy chưa để xảy ra tình trạng mất nước kéo dài. Chị Cao Thị Hợp ở thôn Đế A cho biết: "Trước đây, cả làng cả xã dùng nước giếng làng, giếng khơi, sang hơn là giếng khoan nhưng chất lượng nước không đảm bảo, thường hay có mùi tanh. Bây giờ dùng nước sạch, mỗi tháng tính trung bình bỏ ra chục nghìn đồng nhưng chất lượng đảm bảo. Nước giếng khơi, giếng khoan giờ chỉ để rửa chuồng trại".
Theo ông Phạm Trung Thành - Trưởng phòng Môi trường truyền thông (Trung tâm NS&VSMT nông thôn Nam Định), từ tháng 3-2009, do nhu cầu xã hội nên Công ty cổ phần NS&VSMT nông thôn đã được thành lập theo dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), quản lý trực tiếp 5 nhà máy nước.
Trung bình mỗi nhà máy có từ 40-50 công nhân với mức thu nhập hàng tháng từ 1,5-1,7 triệu đồng/người. Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Nam Định đã có gần 50 nhà máy nước.
Vẫn lo vệ sinh môi trường nông thôn
Trong khi Nam Định đang tăng tốc để hoàn thành mục tiêu 85% người dân nông thôn được dùng nước sạch vào cuối năm 2010 thì vấn đề VSMT nông thôn lại đang ngày càng nhức nhối. Theo ông Phạm Trung Thành, tình trạng ô nhiễm rác thải, nước thải ở các làng nghề, khu công nghiệp, trạm y tế, chợ… ngày càng gia tăng. "Chỉ nói riêng đến vấn đề rác thải, thực tế ở rất nhiều địa phương việc đầu tư cho thu gom còn chưa đến nơi đến chốn, nói gì đến chuyện xử lý" - ông Thành nhấn mạnh.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo ông Thành, nhận thức của chính quyền và người dân về VSMT chưa đúng mức. Hơn nữa, theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình xây nhà tiêu hợp vệ sinh từ năm 2008 trở về trước do Trung tâm NS&VSMT Nam Định đảm nhiệm nhưng từ 2009 lại là trách nhiệm của Sở Y tế, vì thế vấn đề này bị "quên lãng" trong một thời gian dài.
Hữu Thông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.