Từ sông Mê Kông, nước đổ về đầu nguồn sông Cửu Long, dân đón lũ, đón bắt cá đồng ngon

Thứ ba, ngày 24/09/2024 05:47 AM (GMT+7)
Sau ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu sau đó, khu vực thượng nguồn sông Mekong những ngày qua có mưa lớn, tích nước nhiều. Nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường tăng cao khiến lũ đầu nguồn sông Cửu Long lên nhanh, cảnh báo nhiều khu vực bị ngập lụt.
Bình luận 0

Mực nước tại các trạm Cần Thơ, Mỹ Thuận, Cao Lãnh vượt báo động III

Ngày 19/9, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lũ đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. 

Mực nước cao nhất hôm qua trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,66m, sông Tiền tại Tân Châu đạt mức 2,81m, lần lượt tăng 17,18cm so ngày 18/9 và 22,28cm so ngày 16/9.

Trong những ngày tới, lũ thượng nguồn đổ về kết hợp kỳ triều cường khiến mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Đến 22-23/9, mực nước cao nhất tại trạm Tân Châu lên xấp xỉ báo động I (3,5m), tại Châu Đốc đạt 3,1-3,2m (vượt 10-20cm so báo động I).

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông, ngoài đê bao tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng hạ nguồn ĐBSCL. 

Các địa phương đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.

Trong khi đó, theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, xu thế lũ tăng do mưa lớn từ bão Yagi trên sông Mekong hiện dịch xuống khu vực Campuchia làm mực nước lũ tại trạm Kratie tăng mạnh những ngày qua.

Nước sông Mê Kông đục ngầu cuồn cuộn chảy về đầu nguồn sông Cửu Long, đón lũ đẹp, cá đồng ngon- Ảnh 1.

Người dân ĐBSCL mong ngóng chờ năm nay sẽ có “lũ đẹp”.


Điều này khiến lưu lượng lũ thượng nguồn đổ về đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc tiếp tục tăng trong tuần tới.

Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam dự báo trong những ngày tới, mực nước các trạm trên dòng chính sông Mekong như trạm Kratie và trạm Prek Kdam đều có xu thế tăng mạnh; mực nước lớn nhất ngày tại Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng; mưa trên lưu vực hạ lưu sông Mekong ở mức cao và có xu thế tăng do ảnh hưởng của bão số 4; mưa trên vùng ĐBSCL ở mức trung bình và có xu thế tăng; thủy triều ở mức thấp và có xu thế tăng trong tuần tới. Một số trạm ven sông chính mực nước vượt mức báo động III vào thời kỳ triều cường từ ngày 19-23/9 gồm các trạm Cần Thơ, Mỹ Thuận (Vĩnh Long), Mỹ Tho (Tiền Giang).

Cơ quan này kiến nghị các địa phương cần đề phòng ngập úng do mưa lũ kết hợp triều cường vào các ngày từ 19-22/9. Đặc biệt tại TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh...

Miền Tây ngóng nước lũ

Tại khu vực ĐBSCL vài năm gần đây, có một thực tế là trong khi các cánh đồng tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An gần như “đói lũ”; thì tại các đô thị lớn ở hạ nguồn sông Cửu Long như TP Vĩnh Long, TP Cần Thơ… lại ngập lút do triều cường lên cao.

Chẳng hạn, mùa nước nổi năm ngoái được cho là “mùa lũ tương đối hiền”, một số khu vực thượng nguồn thuộc tỉnh An Giang xả lũ nhưng nước lên đồng thấp.

Từ quá trình nghiên cứu, PGS.TS Lê Anh Tuấn- cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) đúc kết: Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, lũ lớn về ĐBSCL giảm đi rất rõ, lũ thấp và trung bình tăng lên.

Nguyên nhân một phần do nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về thấp, một phần ảnh hưởng bởi yếu tố toàn cầu là hiện tượng El Nino.

Nước sông Mê Kông đục ngầu cuồn cuộn chảy về đầu nguồn sông Cửu Long, đón lũ đẹp, cá đồng ngon- Ảnh 2.

Mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh.

Cứ 4 năm sẽ gặp tình trạng này 1 lần vào năm 2016, 2020 và tiếp theo năm 2024 El Nino đã xuất hiện. Và theo quy luật, năm nào lũ thấp, đồng nghĩa năm kế tiếp sẽ khô hạn. Lũ thấp thì cá và phù sa ít, kéo theo hoạt động du lịch cũng suy giảm.

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, ngoài tăng cường các giải pháp thích ứng, tăng cường trữ nước cũng là biện pháp cần thiết. Dù lũ thấp nhưng lượng nước ở ĐBSCL vẫn cao hơn so với một số vùng khác.

Ông Tuấn cho rằng, với những vùng sản xuất 3 vụ lúa/năm không nên mở rộng sản xuất, vùng nào không thuận lợi nên trở lại sản xuất 2 vụ lúa/năm, tận dụng 1 vụ còn lại để “ngâm nước”. Việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp cũng cần đảm bảo hài hòa, đa dạng hóa canh tác, điển hình như mô hình lúa- tôm.

Với tình hình mưa bão cộng với việc xả lũ các đập thủy điện ở thượng nguồn, trong thời gian tới mực nước ĐBSCL chắc chắn sẽ cao hơn những năm trước.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng: “Không nên quá lo lắng mà ngược lại đây là điều đáng mừng cho ĐBSCL vì nhiều năm qua chỉ có lũ thấp hoặc trung bình, năm nay hy vọng lũ khá hơn, sẽ có tác động rất tốt cho môi trường sinh thái và mang lại nguồn thủy sản tôm cá cho cuộc sống người dân”.

Người nông dân ở miền Tây ngóng nước mang phù sa bồi bổ cho ruộng đồng, các sản vật tôm cá mùa nước nổi có điều kiện tốt để sinh sản.

Nước còn góp phần vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt sâu bọ gây hại, tháo chua rửa phèn. Người dân mong một mùa “lũ đẹp”, không phải lũ về đột ngột mà con nước từ từ dâng lên rồi tràn ngập vào cánh đồng sẽ rất tốt cho hệ sinh thái và sinh kế người dân.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, tổng diện tích xuống giống vụ Hè Thu ở ĐBSCL là 1.469.066ha. Đến nay, diện tích đã thu hoạch khoảng 1.148.848ha, đạt 78%, trong đó Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp đã thu hoạch xong. Kế hoạch xuống giống vụ Thu Đông năm 2024 là 700.000ha, thấp hơn 6% so với năm 2023. Đến nay đã xuống giống được 576.035ha. Có 6/13 tỉnh đã thực hiện thu hoạch được khoảng 50.597ha bao gồm Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ.

Lý An (Báo Vĩnh Long)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem