Nuôi 2.200 con thỏ trắng, cứ đủ cân đủ lạng công ty "tóm" đi hết

Thứ sáu, ngày 07/02/2020 19:08 PM (GMT+7)
Nhờ chăn nuôi thỏ tập trung, gia đình chị Trần Thị Hiệu, bản Rừng Dài, xã Tam Tiến (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây là mô hình điểm về phát triển kinh tế tại địa phương, được nhiều người học hỏi nhân rộng.
Bình luận 0

Khu chuồng trại để nuôi thỏ được gia đình chị Hiệu thiết kế rất gọn gàng, khoa học. Trên diện tích đất khoảng 320 m2 chị xây 5 dãy chuồng kiên cố, mỗi dãy lại chia thành từng lồng có nhiều ngăn nhỏ; tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn thả từng loại thỏ riêng biệt. Đồng thời chị còn xây dựng hệ thống làm mát, giữ ấm và uống nước tự động để thỏ sinh trưởng, phát triển ổn định. 

img

Khu chăn nuôi thỏ của gia đình chị Trần Thị Hiệu.

Vừa chăm sóc đàn vật nuôi, chị vừa chia sẻ: “Từ 50 con thỏ giống mắt ngọc, sau hơn 2 tháng chăm sóc, đàn thỏ giống đẻ ra gần 400 con. Hiện trong chuồng nhà tôi đang nuôi khoảng 2.000 thỏ thương phẩm, 200 con thỏ giống. Tất cả thỏ đều bấm số tai, theo dõi kỹ càng, ghi sổ cẩn thận. Thỏ nuôi bao nhiêu được thu mua hết từng đó”.

Theo chị Hiệu để thịt thỏ thơm ngon, bảo đảm chất lượng, chị cho ăn thức ăn chính là phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương. Ngoài cỏ, rau xanh có thể bổ sung cho thỏ ăn cám, lúa, ngô và rau xanh để thịt thỏ thơm ngon hơn. Thỏ dễ mắc bệnh ngoài da và đường ruột do đó thức ăn của vật nuôi phải khô, không để dính nước. Thường xuyên chú ý dọn dẹp chuồng nuôi thoáng mát, sạch sẽ. 

Một năm thỏ mẹ sinh sản khoảng 5 lứa, mỗi lứa 6-8 con; thỏ thương phẩm sau nuôi từ 3-3,5 tháng có thể xuất chuồng, trọng lượng đạt từ 2-2,5 kg/con. Trung bình mỗi tháng chị bán 300 thỏ thương phẩm. Công ty TNHH Nipon Zoki Việt Nam (Hà Nội) ký hợp đồng thu mua toàn bộ với giá 170 nghìn/con.

Từ thành công bước đầu của mô hình, dự định thời gian tới, chị Hiệu sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời đầu tư xây dựng chuồng lạnh để tạo môi trường đạt tiêu chuẩn VietGAP, nâng cao năng suất chăn nuôi.

Chị Hiệu chia sẻ, trước kia gia đình chỉ nuôi lợn. Năm 2017, giá lợn xuống thấp kỷ lục, nuôi hơn 100 con lợn lỗ hơn 100 triệu đồng. Vì lý do đó, chị quyết định chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi thỏ. Sau khi tìm hiểu kỹ quy trình, chị đầu tư hơn 30 triệu đồng sửa chuồng trại, mua thỏ giống mắt ngọc về nuôi.

“Ban đầu mọi người trong gia đình chị đều phản đối vì thấy trên địa bàn xã chưa có ai nuôi, lo ngại sẽ khó tiêu thụ. Sau khi đàn vật nuôi lớn nhanh, khỏe mạnh và sinh sản, mọi người trong gia đình mới đồng tình”, chị Hiệu chia sẻ thêm.  

Hiện mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình chị Hiệu đang được nhiều người dân tới tham quan học tập. Để định hướng phát triển sản xuất cho bà con, đại diện lãnh đạo phòng chuyên môn thông tin, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, vận động người dân không ồ ạt chuyển đổi và hạn chế phát triển mô hình chăn nuôi thỏ nhỏ lẻ. Bà con chỉ nên tập trung mở rộng chăn nuôi thỏ khi có điều kiện đầu tư sản xuất lớn và hình thành vùng tập trung nhằm bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. 

Minh Hương (Báo Bắc Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem