Nuôi cá lồng, bè: Lợi lớn nhưng đầu tư chưa đúng mức

Trần Quang - Linh Chi Thứ tư, ngày 16/07/2014 06:40 AM (GMT+7)
Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông và hồ chứa các tỉnh miền núi phía Bắc” được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT, Chi cục Thủy sản Phú Thọ tổ chức tại Phú Thọ ngày 15.7.
Bình luận 0

Nhiều thế mạnh

Phát biểu tại diễn đàn, TS Phan Huy Thông – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, hiện nay tại Việt Nam, nghề nuôi cá lồng, bè trên hồ chứa và sông đã phát triển rộng rãi từ miền Bắc tới miền Nam.

Đối tượng nuôi cũng rất phong phú với khoảng gần 20 loài cá, từ những loài nuôi với quy mô lớn phục vụ xuất khẩu như cá tra, ba sa tới những đối tượng cá thuỷ đặc sản nuôi ở quy mô nhỏ hơn như chiên, bỗng, lăng. Năng suất nuôi cá cũng tăng đáng kể, từ mức 30-40kg/m3 năm 1990, đến nay năng suất nuôi lên đến 150-160kg/m3.

Theo báo cáo của địa phương năm 2013, diện tích nuôi cá lồng bè của các tỉnh miền núi phía Bắc là 3.408 lồng, đạt sản lượng 5.689 tấn. Trong đó tập trung nuôi chủ yếu tại các tỉnh Hòa Bình 1.350 lồng, sản lượng đạt 3.000 tấn (chiếm 53% tổng sản lượng nuôi của toàn vùng); Sơn La 540 lồng, 864 tấn; Phú Thọ 472 lồng, 1.358 tấn (chiếm 24% tổng sản lượng nuôi của toàn vùng).

img
Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lồng bè tại xã Quang Húc, Hyện Tam Nông, Phú Thọ.

 

“Nghề nuôi cá lồng bè của các tỉnh phía Bắc tuy chưa tạo thành hàng hóa tập trung xuất khẩu nhưng đã mang lại hiệu quả xã hội rất lớn là cung cấp sản phẩm tại chỗ, cải thiện đời sống cho đồng bào miền núi còn nhiều khó khăn, tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư, giải quyết việc làm, giảm tệ nạn phá rừng” - ông Thông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thủy Trọng – Giám đốc Sở NNPTNT Phú Thọ cho hay: Phú Thọ đã xác định sản xuất thủy sản là một chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ phát triển kịp thời.

Đối với mô hình nuôi cá lồng, trong thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ, sau 2 năm khuyến khích nhân rộng, hiện toàn tỉnh đã có 254 lồng quy mô lớn (năng suất trung bình đạt 7 tấn/lồng/chu kỳ nuôi), đối tượng nuôi chủ yếu là cá lăng, cá nheo, trắm đen... Diễn đàn này là thực sự cần thiết, bổ ích giúp cho người nuôi cá lồng trên địa bàn có thêm nhiều kinh nghiệm áp dụng vào việc sản xuất của mình.

Đến từ tỉnh Hòa Bình, nông dân Ngô Văn Thuấn ở xã Thái Thịnh, TP.Hòa Bình cho hay: Với quy mô nuôi hơn 50 lồng cá lăng, mỗi năm bán ra hàng chục tấn cá, chưa khi nào tôi gặp khó khăn về đầu ra cả, nuôi được bao nhiêu cá cũng bán hết cho các thương lái ở Hà Nội hết. “Khi đầu tư nuôi cá lồng, tôi được cán bộ trung tâm khuyến ngư khuyến nông tỉnh cho tham dự các lớp tập huấn, tham quan mô hình và được hỗ trợ 100% chi phí con giống và thuốc phòng, trị bệnh, 50% thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, hiện cái khó khăn nhất đối với tôi vẫn là vốn để đầu tư, mở rộng lồng nuôi”.

Phát triển chưa xứng với tiềm năng

Theo ông Thông, khu vực miền núi phía Bắc có tiềm năng phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng.

Số lượng lồng, bè và sản lượng nuôi tăng dần qua các năm nhưng sản phẩm nuôi vẫn chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa tạo thành sản phẩm hàng hóa tập trung phục vụ chế biến và xuất khẩu. Người dân nuôi cá truyền thống vẫn nuôi theo hình thức thả cá, thiếu sự chăm sóc, không có kỹ thuật quản lý môi trường và phòng trừ dịch bệnh,… nên sản lượng cá nuôi vẫn còn thấp, năng suất chưa cao.

 

img Tiến sĩ Phan Huy Thông - Giám đốc TTKNQG điều khiển diễn đàn.

Về giải pháp hướng tới phát triển nuôi cá lồng tại các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Thông cho hay, với các tỉnh chưa có quy hoạch cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch phát triển nuôi thuỷ sản đến năm 2020. Với các tỉnh đã có quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch; xây dựng quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư và đặc biệt là quy hoạch nuôi cá lồng bè, từng bước khai thác hợp lý và đưa vào nuôi các loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá chiên, cá nheo mỹ, cá tầm.

Ngoài ra, cần tăng cường công tác quản lý chất lượng cá giống, đặc biệt công tác kiểm dịch cá giống nhập tỉnh. Với các tỉnh miền núi cần mở các lớp đào tạo công nhân kỹ thuật; xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, các câu lạc bộ, các chi hội nuôi thuỷ sản… Tăng cường chỉ đạo bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ…

  Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, khu vực miền núi phía Bắc có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi cá trên sông, hồ chứa, hồ thủy điện rất lớn. Tuy nhiên, nghề nuôi cá ở các địa phương vẫn phát triển chậm, chưa tận dụng và phát huy hết tiềm năng của vùng.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem