Nuôi cá lồng trên sông Trà Khúc

Thứ tư, ngày 30/12/2015 11:00 AM (GMT+7)
Chỉ với những chiếc lồng tre đơn giản, tận dụng lợi thế mặt nước sông, nguồn thức ăn thiên nhiên sẵn có, hàng chục hộ dân ở thôn Tây, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã đầu tư nuôi cá.
Bình luận 0

Anh Trần Đình Phạm cho biết, gia đình anh nuôi cá lồng đã 5 năm. Hiện tại nuôi 2 lồng cá trắm cỏ. Dự kiến vào dịp tết cổ truyền, thu hoạch được 1 - 1,2 tấn cá thương phẩm. Với giá bán từ 90.000-95.000 đ/kg, sau khi trừ chi phí có thể lãi 90 triệu đồng.

Theo anh Phạm, nuôi cá trắm rất đơn giản, chỉ cần bỏ chi phí đầu tư 3 - 5 triệu đồng để làm một chiếc lồng có diện tích 20 - 24 m², thời gian sử dụng lên đến 4 - 5 năm.

img

Anh Phạm đang cho cá ăn chỉ bằng lá mì, nguồn thức săn sẵn có trong tự nhiên.

Chi phí mua cá giống chỉ hơn 1 triệu đồng, còn thức ăn thì dễ kiếm như cỏ, lá mì… Ngoài ra, muốn cá lớn nhanh thì người nuôi có thể bổ sung thêm cho ăn cám công nghiệp.

“Thời gian thả nuôi bắt đầu từ tháng 11 (âm lịch), sau hơn 1 năm cá đạt trọng lượng 1,3 - 1,7 kg/con, có thể xuất bán ra thị trường.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn, gia đình tôi nuôi thêm một năm nữa, cá đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg mới thu hoạch. Quan trọng hơn là việc tiêu thụ đúng vào dịp tết, nên giá cao", anh Phạm nói.

Cách đó không xa, gia đình ông Trần Kim Sanh cũng đang nuôi 2 lồng cá chình. Mỗi vụ thả từ 150 - 200 con cá chình giống. Sau hơn 2 năm, cá đạt trọng lượng từ 3 - 4 kg/con.

Với giá bán lên đến 500.000 đồng/kg cá thương phẩm, ông thu gần 200 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lãi trên dưới 100 triệu.

“Cá chình có sức sống tốt và dễ nuôi. Nguồn thức ăn của chúng là cá tạp, giun, ốc, tôm, tép thái vừa cỡ miệng cá. Thức ăn phải tươi, không ôi thiu, không ướp hóa chất độc hại.

Trung bình, một con cá chình ăn hết 7 kg thức ăn thì sẽ tăng thêm 1 kg cá. Đây là đối tượng giúp người nông dân vươn lên làm giàu”, ông Sanh cho hay.

Ông Nguyễn Ngọc Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tịnh Sơn cho biết, toàn xã có 47 hộ nuôi cá nước ngọt, với 72 lồng. Trong đó, cá trắm cỏ là loại chủ lực với 58 lồng, cá chình 12 lồng và 7 lồng cá trê. Nhờ nghề nuôi cá lồng, nhiều hộ đã có cuộc sống no đủ.

Nhằm từng bước chuyên môn hóa mô hình nuôi cá nước ngọt của nông dân, tháng 9.2015, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Ngãi đã tiến hành mở lớp Sơ cấp đào tạo nghề nuôi cho 22 hộ ở xã Tịnh Sơn. Kết thúc khóa học trong 3 tháng, các học viên được cấp chứng chỉ.

Ngoài ra, UBND xã còn vận động nông dân thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng với 26 thành viên tham gia. Đặc biệt, tỉnh đã đầu tư xây dựng một bờ kè chống sạt lở dài 1km với kinh phí trên 8 tỷ đồng, ven sông Trà, thuộc xóm Vĩnh Phước.

Kè giúp bà con nơi đây ổn định SX, có điều kiện thuận lợi đầu tư thâm canh và mở rộng diện tích nuôi cá lồng.

Thanh Sa (Nông Nghiệp Việt Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem