Nuôi cá mú lãi to: Phải tính toán kỹ

Thứ năm, ngày 05/07/2012 08:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tôi đã ra thăm những bè liên hoàn nuôi cá mú ở đảo Phú Quý, ở vịnh Hạ Long... Ai có nhiều cá mú vào lúc này thì giàu to…
Bình luận 0

Cá mú (nhiều nơi gọi là cá song) là loài cá bể nằm trong bộ cá vược. Nó phân bố từ Nhật Bản, Trung Quốc xuống tận các nước Đông Nam Á. Đây là một loài có giá trị kinh tế cao và được nhiều thị trường trên thế giới tiêu thụ.

Trước đây, khi chưa cho cá mú sinh sản nhân tạo được thì người ta phải khai thác giống cá bột ngoài tự nhiên. Sau đó, họ ương nuôi chúng lên cá giống. Tuy nhiên, cách đó cũng gặp nhiều trở ngại vì lượng cá thu được không chủ động, không đồng đều, thời gian thả giống bị kéo dài…

Mãi tới năm 1994, ta mới bắt đầu cho cá mú sinh sản nhân tạo được nhưng chỉ với 1 số loài. Tới năm 2001, ta thành công trong việc nhân giống cá mú chấm đỏ - một trong những loài cá mú có giá trị kinh tế cao nhất; nó lại dễ nuôi và luôn luôn được thị trường thế giới hâm mộ.

Cá mú có nhiều loài. Ở ta có tới 30 loài (trong đó có 7 loài có giá trị kinh tế cao và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu). Có loài chỉ một vài cân, cũng có loài nặng tới 25kg.

Trong tự nhiên, cá thích sống quanh các đảo có bờ đá san hô có nhiều hang hốc và có độ sâu từ 10 – 30m. Nhưng hiện nay, ta có thể nuôi chúng ngay cả ở vùng nước lợ. Nó chịu được độ mặn từ 11 – 41%. Cá kém chịu lạnh. Nhiệt độ thích hợp là từ 22 – 28 độ C; nếu dưới 18 độ C là cá bắt đầu dừng hoạt động.

img

Thức ăn của chúng chủ yếu là mồi động vật, mồi sống càng tốt. Khi nuôi, ta cũng có thể cho chúng ăn thức ăn nhân tạo, lượng đạm từ 45% trở lên. Đây là loài cá dữ, giành nhau thức ăn rất dữ dội. Đôi khi do thiếu thức ăn, chúng có thể ăn thịt lẫn nhau.

Đơn giản nhất là nuôi chúng trong các ao đất ở vùng nước lợ (độ mặn từ 20 – 30%o); nhiệt độ nước cần từ 25 – 32 độ C; pH từ 7,5 – 8,5 và hàm lượng oxy hoà tan phải đạt từ 4 – 8mg/lít trở lên.

Cũng có thể nuôi chúng trong lồng ở các vùng có thuỷ triều (nhưng mức nước lúc triều xuống phải còn ít nhất là 2m). Nước phải sạch (độ trong từ 0,5 – 4m) và độ mặn vẫn phải là từ 25 – 34%o, nhiệt độ cũng phải cao từ 27 – 32 độ C.

Cá mú cũng đòi hỏi nguồn nước càng sạch càng tốt. Nếu nuôi trong ao thì phải làm đủ các khâu để vệ sinh ao như: Tháo cạn nước, dọn sạch rác, bắt hết cá tạp và địch hại, vét bớt bùn, tu bổ bờ ao và cống rãnh, rắc vôi bột, phơi ao rồi cho nước sạch vào. Cần bón phân để gây màu cho nước.

Phải lấy giống ở các cơ sở có uy tín. Cá giống phải khoẻ mạnh, bơi lội nhanh nhẹn, không bị sây sát, không có dị hình, dị tật… Ta thả 2- 3 con/m2.

Phải chủ động nguồn thức ăn. Tốt nhất là nuôi lẫn với cá rô phi (ta thả cá rô phi trước 1 tháng). Rô phi sẽ là mồi cho chúng.

Nuôi cá mú rất lãi nhưng phải tính toán kỹ mọi khâu và lường hết mọi khó khăn…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem