Nuôi cá rô phi theo hướng VietGAP: Giảm chi phí, giá bán cao

Nguyễn Quỳnh Thứ bảy, ngày 24/11/2018 11:00 AM (GMT+7)
Thực tế cho thấy các dự án phát triển nuôi cá rô phi theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động; giảm dịch bệnh, tăng tỷ lệ sống của cá, chất lượng sản phẩm cao hơn nên dễ tiêu thụ hơn.
Bình luận 0

Đó là những kết quả nổi bật được đưa ra tại hội thảo “Sơ kết dự án xây dựng mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm năm 2018” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT Thanh Hóa tổ chức mới đây.

Dễ nuôi, ít dịch bệnh

Phát biểu tại hội thảo, ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, cá rô phi là đối tượng ăn tạp, dễ nuôi, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon, có giá trị kinh tế cao nên được thị trường ưa chuộng. Cá rô phi được di giống, thuần hoá và trở thành đối tượng nuôi phổ biến ở các vùng nước khác nhau trên 63 tỉnh, thành của cả nước.

img

 Nuôi cá rô phi theo quy trình sạch cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: N.Q

Theo Quyết định số 1639 ngày 5.6.2016 của Bộ NNPTNT về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cá rô phi đến năm 2020, diện tích nuôi cá rô phi của cả nước ta đạt 33.000ha; cá lồng đạt 1,5 triệu m3, sản lượng nuôi đạt 300.000 tấn, trong đó 50-60% được xuất khẩu. 

Năm 2018, mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP được Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai tại 8 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương với tổng quy mô 60ha. Đáng mừng là không có hộ nào nuôi cá bị dịch bệnh.

Thực tế cho thấy mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã giúp người nuôi thay đổi tư duy về nuôi thủy sản bền vững và nhận thức được những lợi ích thiết thực của quy trình VietGAP, đó là giảm chi phí thức ăn, hóa chất và công lao động, giảm dịch bệnh, hạn chế ô nhiễm môi trường và tăng tỷ lệ sống của cá, rút ngắn thời gian nuôi nên hiệu quả kinh tế thu được cao hơn hẳn.

“Từ kết quả một số mô hình cho thấy triển vọng rất khả quan, một số chỉ tiêu đạt và vượt so với yêu cầu của dự án như tỷ lệ sống, năng suất cá. Nếu so sánh với mô hình nuôi cá rô phi thâm canh thông thường thì hệ số thức ăn giảm gần 3%, thời gian nuôi ngắn hơn 15-20 ngày, do đó hiệu quả kinh tế cao hơn, người nuôi thu lợi nhuận lớn hơn” - ông Tiêu thông tin.

Cụ thể, theo ông Tiêu, mô hình nuôi cá rô phi theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm đã vượt chỉ tiêu kế hoạch về tỷ lệ sống 72,68%/70%; năng suất đạt 16,07 tấn/ha (theo yêu cầu là 14 tấn/ha), tăng 14,8% so với yêu cầu; kích cỡ thu hoạch đạt trung bình 740gr/con (so với kế hoạch là 650gr/con). Do đó, trừ các điểm bị thiệt hại do bão và lũ lụt, lợi nhuận của các mô hình tăng cao trên 80 triệu đồng/ha/vụ.

Toàn bộ sản phẩm của mô hình đã được các đơn vị thu mua ký hợp đồng bao tiêu và cung cấp cho bếp ăn tập thể của nhà máy, siêu thị, công ty có đầu mối xuất khẩu và một số chợ đầu mối trong vùng. Sản phẩm nuôi theo VietGAP được ưu tiên mua trước.

Lợi nhuận cao hơn 15%

Ông Nguyễn Duy Minh - Phó Giám đốcTrung tâm Khuyến nông Thanh Hóa cho hay, mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại Thanh Hóa đã mở ra một hướng đi mới cho sự phát triển về nuôi cá rô phi trong khu vực nuôi thủy sản nước ngọt, giúp ổn định khâu tiêu thụ sản phẩm, tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo công ăn việc làm cho người nông dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Điểm thành công lớn nhất của mô hình là nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, người nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định, sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng nên khả năng nhân rộng mô hình rất lớn.

Cũng theo ông Minh, qua kiểm tra, đánh giá cho thấy trong quá trình nuôi, các chủ hộ đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật VietGAP.  So với nuôi cá rô phi theo hình thức truyền thống, nuôi theo quy trình VietGAP cho hiệu quả kinh tế cao hơn ít nhất 15%, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Chia sẻ tại buổi hội thảo, ông Nguyễn Văn Nghiêu - nông dân thôn Vân Trụ, xã Hà Vân (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) cho biết, tham gia mô hình nuôi cá rô phi theo VietGAP, gia đình ông luôn nhận được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Sau một thời gian nuôi, lợi ích rất rõ ràng, nhất là hiệu quả kinh tế cao hơn, đầu ra sản phẩm không phải lo lắng vì đã có doanh nghiệp ký kết bao tiêu.

Ông Nghiêu còn cho biết, qua kinh nghiệm thực tế của ông cho thấy việc thả xen cá mè hoa, cá chép... giúp lọc nước tốt hơn, làm môi trường nước ao nuôi sạch hơn, cá rô phi nhanh lớn, giảm rủi ro dịch bệnh, doanh thu tăng thêm từ 15-20%.

Trung tâm Khuyến nông quốc gia cũng đề nghị Bộ NNPTNT tiếp tục xây dựng các dự án về nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm để chuyển giao cho nông dân trong những năm tiếp theo, không chỉ trên đối tượng cá rô phi mà còn các hình thức nuôi khác như cá lồng, cá ruộng để tạo ra sản phẩm thủy sản sạch, có nguồn gốc rõ ràng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nuôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem