Nuôi chim bồ câu Pháp đẻ sòn sòn mà sạt nghiệp, giờ thành tỷ phú đất Bình Thuận, bất ngờ chưa
Thầy giáo trẻ "bỏ nghề" nuôi thứ chim đẻ sòn sòn mà sạt nghiệp, giờ trở thành nhà giàu đất Bình Thuận, bất ngờ!
Bùi Phụ
Thứ ba, ngày 26/09/2023 18:55 PM (GMT+7)
Một thầy giáo đang dạy môn sinh – hóa một trường THPT ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) "bỏ nghề" về vườn nuôi chim bồ câu bị lỗ sạt nghiệp, phá sản phải đi lang thang, sau đó, trở thành tỷ phú khi quay lại nuôi bồ câu. Người thầy này được nhiều người nhắc đến ở Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận vừa qua…
Câu chuyện trên đã thôi thúc tôi tìm đến khu vườn của vị thầy giáo nông dân này nằm ở khu vực Suối Tiên, gần bờ biển Mũi Né, TP. Phan Thiết (Bình Thuận).
Vị thầy giáo trên là anh Nguyễn Minh Tâm ( SN 1981, chủ Ba Tường Farm - Công ty TNHH SX – TM – DV Ba Tường ở xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), người đầu tiên nuôi bồ câu trắng(giống bồ câu Pháp) kết hợp nuôi gà rừng thành công ở Bình Thuận.
Thầy giáo trẻ mê nuôi bồ câu
Qua trò chuyện, PV Dân Việt biết thêm anh Minh Tâm cũng chính là người truyền cảm hứng cho hàng trăm nông dân ở các tỉnh thành khác. Sau khi nắm vững kỹ thuật nuôi bồ câu có chất lượng, tìm đầu ra ổn định, anh Minh Tâm đã chuyển giao công nghệ, tặng giống bồ câu cho hàng trăm nông dân khác, cùng kết nối, cùng giúp nhau làm giàu bằng mồ hôi, nước mắt của mình…
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình nuôi bồ câu trắng(giống Pháp), anh Minh Tâm khẳng định: Mô hình nuôi bồ câu kết hợp với gà rừng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ việc tận dụng tối đa nguồn thức ăn thừa trong chăn nuôi cũng như diện tích chuồng trại. Nhưng hiệu quả nhất là bồ câu ra ràng…
Theo lời anh Minh Tâm, hơn 10 năm trước, khi đang thầy giáo dạy môn sinh – hóa ở một ngôi trường THPT ở TP. Phan Thiết, nhận thấy nhu cầu ẩm thực của du khách rất lớn nên anh quyết định đầu tư vốn nuôi bồ câu. Bởi trước đó, cha mẹ anh xuất thân là nông dân, thuở bé anh đã từng nuôi bồ câu, có thành công nhất định.
Ban đầu, anh Minh Tâm lặn lội vào huyện Củ Chi(TP.HCM) mua khoảng 40 cặp giống bồ câu Pháp về nuôi. Sau ít tháng, bồ câu lớn nhanh, đẻ nhiều, nên anh liên tục tăng số lượng, phát triển với quy mô lên đến 2.000 cặp.
Thế nhưng, chưa am hiểu thị trường, chưa tìm được đầu ra cho bồ câu thịt khiến anh phải phá sản.
Với 2000 cặp bồ câu, một ngày tiền thức ăn rất lớn nhưng đầu ra bị bí, sau một thời gian cầm cự, buộc lòng anh phải thả cho bồ câu bay tự do đi kiếm ăn, xem như trắng tay!
"Do bí đầu ra, nên khoảng năm 2016, tôi đành mở cửa chuồng cho đàn bồ câu hàng nghìn con bay tự do ra ngoài kiếm ăn. Bà con ai bắt được cứ bắt vì tôi không còn tiền mua thức ăn cho chúng. Tôi đau lòng lắm nhưng đành phải nuốt nước mắt vào lòng để chấp nhận sự thất bại nặng nề này. Tôi xem đây là một bài học lớn của đời tôi…", anh Minh Tâm nhớ lại.
Đi lang thang khắp nơi để học nghề
Sau lần phá sản này, anh Minh Tâm xin thôi dạy học ở trường, bỏ đi lang thang khắp nơi để giải sầu, quyết tìm "thầy học đạo".
Gần 2 năm trời anh lang thang bằng xe gắn máy từ Bình Thuận đi ra tận Đà Nẵng- Quảng Bình, xuống tận các tỉnh ĐBSCL, hễ nghe có chỗ nào nuôi bồ câu thì anh ghé học hỏi kinh.
Trong hai năm từ 2017-2019, anh Minh Tâm đi khắp đất nước, gặp hàng nghìn người nuôi bồ câu và hầu hết là thất bại. Quá trình quá trình đi trải nghiệm anh đã đúc kết được hai nguyên nhân mà bà con chăn nuôi thất bại là kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm bồ câu.
Nhờ học chuyên ngành sinh – hóa ở trường đại học trước đây, qua những chuyến đi thực tế khắp nơi, anh Minh Tâm rút ra những kinh nghiệm lớn về bồ câu nên quyết tâm làm lại từ đầu.
"Thực tế bồ câu có dinh dưỡng rất cao, nhiều người thích nhưng làm cách nào để đưa sản phẩm bồ câu sạch đến tay người tiêu dùng chế biến thành món ăn là một vấn đề then chốt. Mặc khác, chất lượng nuôi bồ câu phải đặt lên hàng đầu, phải cho bồ câu ăn bằng thức ăn hữu cơ, như bắp, lúa thì thịt mới thơm.
Bí quyết là lúc lấy tiết phải dùng kim hoặc mũi dao nhọn chích vào động mạch chủ dưới cánh con bồ câu thì thịt sẽ tươi, trắng. Nếu lấy huyết bằng cách cứa ở cổ, sản phẩm sẽ có vết thương, không đẹp mắt, lấy không đúng huyết bị ứ, thịt bồ câu bị bầm nên người tiêu dùng sẽ ngại sử dụng…", anh Minh Tâm tiết lộ.
Anh Minh Tâm đã đến đặt vấn đề với các nhà hàng, các đối tác để tìm đầu đầu ra. Hầu hết các nơi anh Minh Tâm liên hệ đều ủng hộ bởi lâu nay, nhiều nhà hàng ngại chế biến món bồ câu cho khách là do phải nhập bồ câu sống, mỗi lần chế biến hơi rắc rối, nên nhiều nơi ngại. Nay có sản phẩm bồ câu được làm sạch trữ đông thì nhiều nơi ủng hộ…
Nông dân nuôi bồ câu "hái ra tiền"
Đầu năm 2018, anh Minh Tâm quyết định trở lại nuôi bồ câu, thử nghiệm nuôi thêm gà rừng trong cùng trại bồ câu. Theo anh Minh Tâm, bởi bồ câu rất phá mồi, thức ăn vương vãi ra ngoài nhiều nhưng vào miệng không bao nhiêu.
Con gà rừng lai anh nuôi phía dưới sẽ ăn thức ăn mà bồ câu làm rớt bên dưới. Mặc khác, con gà rừng có độ kháng bệnh rất cao, giá trị kinh tế ổn định nên anh Minh Tâm kết hợp nuôi thành công ngoài mong đợi.
Trứng từ đàn đàn gà rừng lai hàng 100 con của anh Minh Tâm cho thu nhập hàng tháng khoảng 20 triệu đồng, góp thêm phần tiền anh mua thức ăn cho bồ câu.
"Nếu tính 1000 cặp bồ câu thì trung bình mỗi tháng sau khi trừ tất cả các khoảng chi phí thì thu nhập khoảng 60 triệu đồng", anh Minh Tâm cho biết.
Clip: Anh Minh Tâm, hội viên Hội Nông dân xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, (tỉnh Bình Thuận) nói về kỹ thuật nuôi bồ câu ở Ba Tường Farm. Thực hiện: Bùi Phụ
Những năm qua, sản phẩm thịt bồ câu của Ba Tường Farm làm ra không đủ bán. Trước nhu cầu này, anh Minh Tâm đẩy mạnh liên kết với các hộ nông dân phát triển mô hình theo hướng vừa cung cấp giống vừa bao tiêu sản phẩm thịt. Vì thế, các hộ chăn nuôi không lo lắng về đầu ra.
Hiện nay mức thủ nhập của gia đình anh Minh Tâm rất ổn định, bên cạnh đó là tạo công văn việc làm cho nhiều bà con xung quanh Ba Tường Farm. Riêng anh Minh Tâm, luôn ưu tiên hỗ trợ nông dân khắp nơi để chuyển giao công nghệ nuôi bồ câu hữu cơ...
"Mỗi lần đi chuyển giao công nghệ bao gồm hệ thống chuồng trại, máng ăn, uống tự động, rổ đẻ trứng, khoảng 100 cặp bồ câu giống, phía gia đình nông dân hợp tác chỉ trả khoảng 55 triệu đồng nên bà con nông dân rất ủng hộ, yên tâm sản xuất. Một 100 cặp ban đầu, khoảng hơn một năm sau sẽ có 1000 cặp. Sau khi trừ chi phí, người nuôi thu lãi khoảng từ 50 đến 60 triệu đồng 1 tháng…", anh Minh Tâm chia sẻ.
Nhiều chuyên gia cho biết, mô hình nuôi chim bồ câu lấy thịt, giống bồ câu Pháp được lựa chọn nhiều nhất bởi đây là giống chuyên thịt nổi tiếng. Mỗi năm một cặp có thể đẻ 8-9 lứa, trọng lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) đạt 530-580g/con. Giống này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%.
Hiện tại, hệ thống các hộ nông dân ở Bình Thuận và các tỉnh thành khác như Cần Thơ – Khánh Hòa – Ninh Thuận… liên kết nuôi bồ câu với anh Minh Tâm khoảng 1000 hộ, đều có thu nhập tốt.
Theo ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận, ông đã tham quan mô hình nuôi bồ câu của Ba Tường Farm và nhận thấy mô hình này rất hay, đã giúp nhiều nông dân cùng liên kết cùng nhau phát triển. Nhờ mô hình này mà các hộ nông dân khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã phát triển kinh tế gia đình, cũng như đáp ứng nhu cầu cung cấp thực phẩm ngon cho khách du lịch.
Điểm du lịch sinh thái nông thôn
Theo ghi nhận của Dân Việt, Ba Tường Farm hiện cũng là mô hình du lịch sinh thái ngoại thành, nông thôn được nhiều du khách nghé trải nghiệm vào những dịp cuối tuần.
Nhằm phục vụ khách chu đáo, anh Minh Tâm và gia đình đã đầu tư tạo nét khác biệt ở khu vườn sinh thái rộng rãi ở gần Suối Tiên trên đường từ TP.Phan Thiết ra biển Mũi Né. Du khách đến đây được thưởng thức các món ăn chế biến từ bồ câu, gà rừng lai, dông cát…
Anh Trần Thanh Tùng, du khách đến từ TP.HCM cho biết, tình cờ ghé vào tham quan Ba Tường Farm và thưởng thức đặc sản vừa ở đây nên cả nhà anh rất thích.
"Chúng tôi không ngờ ở vùng biển mặn nhưng lại có những món ăn, khung cảnh đẹp lạ như Ba Tường Farm. Chúng tôi thích ngồi dưới những rặng dừa, thả cần câu cá dưới hồ sen, đi qua cầu khỉ rồi nằm nghỉ trên những chiếc võng mắc bên những chòi tranh tre thoáng mát. Buổi tối sau khi đốt lửa trại vui chơi, cả gia đình chúng tôi được ngủ trong những chiếc lều làm theo kiểu Mông Cổ rất thú vị…", anh Thanh Tùng cho biết.
Mô hình liên kết với nhiều nông dân
Theo anh Minh Tâm, hiện tại Công ty TNHH SX – TM – DV Ba Tường đang tập trung liên kết chuyển giao công nghệ nuôi bồ câu hữu cơ, sẵn sàng giúp đỡ tư vấn hoàn toàn miễn phí cho bà con nông dân các kỹ thuật chăm sóc bồ câu, cho ăn, cho uống, phòng chữa bệnh, chăm sóc chim ấp nở, quy cách thiết kế chuồng trại chim bồ câu.
"Mục đích tốt nhất để bà con tiết kiệm được chi phí thấp nhất mà đạt lợi nhuận cao nhất. Kỹ thuật mới tạo ra năng suất cao và đầu ra là quan trọng nhất. Chúng tôi sẽ cùng nông dân làm nông nghiệp sạch, để người tiêu dùng sử dụng được sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe cộng đồng…", anh Minh Tâm chia sẻ.
Bồ câu bổ dưỡng cao
Theo đông y, thịt bồ câu tính bình, vị mặn, dinh dưỡng phong phú, thơm, vị ngọt, là loại thực phẩm tốt cho người già, trẻ em, người bệnh, sản phụ.
Chim bồ câu ra ràng thường được dùng làm thực phẩm như nấu cháo, hầm thuốc bắc để tẩm bổ sức khỏe. Trứng bồ câu có chứa protein 9,5%, chất béo 6,4%, hợp chất đường và calci, sắt, phốt pho…
Thịt chim bồ câu có tác dụng bổ thận kiện tì vị, ích khí huyết, dùng cho trường hợp gầy yếu, hư nhược, tiêu khát, hay quên, mất ngủ, thần kinh suy nhược, dinh dưỡng không tốt…
Chính bởi những đặc tính quý này nên thịt chim bồ câu rất có giá trên thị trường, một cặp giống bán ra trung bình khoảng 550 ngàn đồng/cặp chim đẻ, còn bồ câu ra ràng 120 ngàn đồng/cặp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.