Anh Hoan bắt đầu nuôi chim bồ câu từ cuối năm 2015. Đó là giống bồ câu lai Pháp. Một lần tình cờ đến nhà bạn chơi ở thành phố Lai Châu, thấy nhà bạn có đàn bồ câu rất đẹp, anh liền hỏi nơi bán chim giống và kĩ thuật chăm sóc.
Anh Thào Văn Hoan, bản San Thàng 2, xã San Thàng nuôi bồ câu từ năm 2015.
Sau khi trở về nhà, anh làm một cái chuồng nhỏ, cạnh ao cá của gia đình, rồi mua 20 cặp bồ câu giống về nuôi thử. Được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn chim sinh trưởng phát triển tốt. Khi những con bồ câu mái lần lượt đẻ lứa trứng đầu tiên, vợ chồng anh Hoan khấp khởi mừng thầm.
Thời gian đầu nuôi bồ câu, anh Hoan không bán giống hay chim non mà giữ lại nuôi để nhân đàn. Đàn bồ câu nhà anh cứ thế mà đông dần lên, anh Hoan phải mở rộng chuồng nuôi. Thay vì làm chuồng cạnh ao cá như trước, lần này, anh Hoan chôn cọc bê tông xuống ao cá, hàn khung sắt, lợp mái tôn, tạo thành chuồng nuôi bồ câu trên ao, cách mặt nước hơn 1m.
Theo anh Hoan: Bồ câu lai Pháp có đặc điểm dễ nuôi, ít bị bệnh.
Chuồng nuôi bồ câu của anh Hoan rộng chừng 30m2, được thiết kế khá đơn giản, thoáng mát. Anh Hoan lấy những cây tre gác dọc theo 2 bên vách, với độ rộng vừa đủ để đặt chiếc rổ nhựa, làm nơi cho chim đẻ và ấp trứng. Mỗi chiếc rổ được đặt cách nhau chừng 40cm. Sau gần 4 năm gây dựng, từ 20 cặp bồ câu ban đầu, đến nay anh Thào Văn Hoan đã có cả đàn bồ câu lên đến gần 400 con, trong đó có khoảng 150 cặp bồ câu bố mẹ.
“Làm chuồng nuôi bồ câu bên trên ao cá vừa tiết kiệm được thời gian dọn dẹp vệ sinh, vừa tận dụng được phân chim bồ câu làm thức ăn cho cá. Các loại cá trong ao cũng vì thế mà lớn lên trông thấy” – anh Hoan vui vẻ cho biết.
Theo anh Hoan, giống bồ câu này rất nhát, mỗi khi có người đến gần là bay loạn xạ.
"Nuôi bồ câu lai Pháp khá nhàn. Ngoài cho ăn đều đặn mỗi ngày, thỉnh thoảng anh mới vệ sinh chuồng trại. Giống bồ câu lai Pháp rất dễ nuôi, vì chúng ít khi bị bệnh. Nguồn nước uống cho chim hàng ngày phải đảm bảo sạch sẽ, không bị ô nhiễm"
“Thức ăn cho chim bồ câu cũng không cầu kì lắm. Tôi chủ yếu cho bồ câu ăn ngô trộn với cám công nghiệp. Mỗi ngày tôi cho chúng ăn 2 lần, theo khung giờ nhất định. Tôi thường xuyên mở cửa chuồng để chúng tự do bay nhẩy. Vì đã quen với môi trường sống nên đàn bồ câu của gia đình chủ yếu bay lên mái nhà, nóc chuồng hay ra bể nước” – anh Hoan cho hay.
Đàn bồ câu nhà anh Hoan, con nào, con nấy cũng mượt mà, sạch sẽ, ai nhìn cũng mê.
Để chim quen dần với ổ, anh Hoan thường lót ổ rơm sớm, chứ không đợi đến khi chim gần đẻ mới làm. “Sau khi chim non đã nở được hơn 10 ngày, tôi tiến hành tách chim non xuống ổ phụ và thay rơm mới để chuẩn bị ổ cho chim mái đẻ lứa tiếp theo. Việc làm này sẽ kích thích chim mái đẻ tiếp trong thời gian sớm nhất” – anh Hoan chia sẻ thêm.
Anh Hoan làm chuồng nuôi bồ câu khá khoa học, thoáng mát.
Hai năm trở lại đây, anh Hoan luôn duy trì trong chuồng nuôi khoảng 150 cặp bồ câu bố mẹ. Bồ câu lai Pháp đẻ chừng 8 lứa/năm. Anh Hoan chủ yếu bán bồ câu non khoảng 15 ngày tuổi. Mỗi tháng, bán ra thị trường hơn 50 cặp chim non, với giá khoảng 120.000 đồng/cặp, sau khi trừ chi phí, anh Hoan còn lãi gần 5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.