Nuôi chuột nứa, 8X Quảng Nam chăm nhàn như ăn kẹo, thu hàng trăm triệu mỗi năm

Tuyết Nhung - Trần Hậu Thứ ba, ngày 13/07/2021 13:03 PM (GMT+7)
Sau 10 năm bươn chải ở TP Hồ Chí Minh, anh Tô Văn Bình (36 tuổi, trú thôn Thạnh Phú, xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) đã quyết định về quê với nghề nuôi dúi (hay còn gọi là chuột nứa).
Bình luận 0

Nhờ sự cần cù và chăm chỉ học hỏi, từ vài cặp dúi giống ban đầu, chàng trai họ Tô đã nhân lên hơn 100 con. Từ bán dúi thịt, bán dúi giống, Bình đã có khoản thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

Bỏ Sài Gòn về Quảng Nam nuôi chuột nứa

Nhớ lại cơ duyên gắn bó với con dúi, anh Bình nói: "Tôi làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh được 10 năm, nhưng thấy cuộc sống xa quê vất vả, còn nhiều khó khăn, nên quyết định về quê tìm hướng đi mới. Tháng 8/2017, tôi mua 2 con dúi giống về nuôi thử, dù gia đình không ủng hộ nhưng tôi vẫn kiên trì nuôi thử xem sao...".

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 1.

Mô hình nuôi dúi của anh Tô Văn Bình ở xã Đại Chánh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đang được nhiều người quan tâm. Ảnh: Nhung Hậu.

Dúi là động vật rừng hoang dã, thức ăn trong tự nhiên của loài dúi này thường là tre, nứa. Vì vậy, ở nhiều địa phương gọi con dúi là con chuột nứa.

 Dúi cũng là con vật ít người nuôi, nên anh Bình vừa nuôi vừa tự học hỏi kiến thức, tích lũy kinh nghiệm từ thông tin trên sách, báo, mạng internet. 

Đến tháng 4/2018, anh quyết định vay 50 triệu đồng và cộng với vốn tích lũy được để đầu tư khoảng 100 triệu đồng xây chuồng trại nuôi dúi rộng 100m2 và nhân giống dúi.

Vì dúi là loài gặm nhấm, nên thức ăn đơn thuần từ tự nhiên như tre, nứa, thân mía, cây cỏ…. Để đảm bảo nguồn thức ăn nuôi dúi, anh Bình trồng quanh vườn nhà cỏ voi và mía, thu mua hạt bắp, tre. Răng dúi nhanh dài và nó thích gặm gốc, rễ cứng, nên anh thường cho dúi gặm xương để bổ sung canxi và mài răng.

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 3.

Dúi thích ăn đồ cứng như rễ tre, thân mía, hạt bắp…. Ngoài ra anh Bình còn cho dúi gặm xương để bổ sung canxi. Ảnh: Nhung Hậu.

Anh Bình cho biết, mọi người vẫn hay gọi dúi là con "ngủ ngày, ăn đêm" theo tập tính sinh trưởng của nó. 

Tuy nhiên, qua quá trình thuần dưỡng thì dúi có sinh hoạt như những động vật thông thường, được cho ăn ngày 2 lần, chế độ ăn thay đổi tùy lúc. 

Riêng dúi mẹ trong quá trình sinh sản phải được bổ sung đủ chất dinh dưỡng, có chế độ ăn đặc biệt.

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 4.

Anh Bình đang cho dúi ăn. Ảnh: Nhung Hậu.

Để dúi sinh trưởng khỏe mạnh, thì phải thực hiện tốt các yếu tố về kỹ thuật nuôi, con giống, chuồng trại. 

Chuồng nuôi dúi được ghép từ gạch men thành ô vuông kiên cố, cách mặt đất khoảng 20cm, có khe hở để thuận tiện dọn vệ sinh. 

Dúi không chịu được thời tiết nắng nóng quá oi bức, nên phải bố trí chuồng trại thoáng mát vào mùa hè và giữ ấm vào mùa đông, tránh ánh nắng trực tiếp.

Bên cạnh đó, dúi chỉ ăn cây cỏ tự nhiên và không cần uống nước nên phân khô sạch giống như mùn cưa, 2-3 ngày vệ sinh chuồng 1 lần. Phân dúi được tận dụng làm phân bón cho cây trồng, rau quả rất tốt.

Quyết tâm làm giàu từ nghề nuôi dúi

Anh Bình chia sẻ, khi nuôi dúi nên chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, mua ở trại có uy tín, không nên mua dúi rừng chưa qua thuần chủng. 

Con dúi phải khỏe mạnh, tinh nhanh, có hình dáng đẹp, cân nặng vừa phải. Con cái từ khi động dục đến lúc sinh sản phải được nuôi riêng và áp dụng chế độ dinh dưỡng cao, trung bình sinh được 2-3 con, mỗi năm sinh 2-3 lứa.

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 5.

Chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ giúp dúi sinh trưởng khỏe mạnh. Ảnh: Nhung Hậu.

Dúi là động vật hoang dã nên ít bị mắc dịch bệnh, tuy nhiên lại dễ bị viêm đường ruột, viêm đường hô hấp. Vì thế phải chú trọng chọn thức ăn khô, sạch, không bị cũ, chua. 

Người nuôi dúi phải thường xuyên quan sát, theo dõi tình trạng sinh trưởng của dúi, nếu phát hiện có bệnh thì phải chữa trị kịp thời bằng các loại thuốc thú y chuyên dụng.

Nhờ chăm sóc có kỹ thuật bài bản, nên đàn dúi của anh Bình luôn khỏe mạnh, có thời điểm tổng đàn lên đến 200 con. Hiện nay, trên diện tích chuồng khoảng 100m2, anh nuôi 140 con dúi, trong đó có 100 dúi sinh sản.

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 6.

Để đảm bảo nguồn thức ăn nuôi dúi, anh Bình trồng quanh vườn nhà cỏ voi và mía, thu mua hạt bắp, tre. Ảnh: Nhung Hậu.

Chia sẻ về khó khăn khi nuôi dúi, anh Bình bộc bạch: "Mùa mưa bão, lũ lụt ở miền Trung thường kéo dài, nên dẫn đến thiếu nguồn thức ăn xanh, hoặc chất lượng không đảm bảo.

Bên cạnh đó, điều không kém phần quan trọng khi nuôi dúi là người nuôi phải có niềm đam mê và yêu thích loài động vật này thì mới có cơ hội thành công. Nắm bắt rõ các đặc tính sinh trưởng của dúi và luôn chủ động phòng ngừa bệnh".

Nuôi con chỉ ăn tre nứa, 8X xứ Quảng rủng rỉnh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm  - Ảnh 7.

Dúi giống và dúi thịt có giá bán cao, nên anh Bình sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đàn trong thời gian tới. Ảnh: Nhung Hậu.

Nuôi dúi không mất nhiều thời gian chăm sóc, nhưng thu nhập mang lại khá cao và đầu ra ổn định. Thịt dúi được xem là một đặc sản được nhiều nhà hàng, quán nhậu tìm mua, với giá 500.000 đồng/kg. 

Dúi giống có giá dao động từ 700.000-1.400.000 đồng/con. Hiện tại, trại anh Bình chủ yếu cung cấp giống cho khách hàng ở nhiều tỉnh thành, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu của người mua.

Từ mô hình nuôi dúi mới lạ, anh Bình đã chứng minh cho mọi người thấy đây là mô hình chăn nuôi có hiệu quả kinh tế cao, đem lại cho gia đình anh nguồn lãi ổn định hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem