Long An: Nuôi ong mật hơn 1.000 tổ trong rừng tràm Đồng Tháp Mười, 9X kiếm bộn tiền

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 11/07/2021 13:01 PM (GMT+7)
Tận dụng những cánh đồng tràm bạt ngàn ở vùng Đồng Tháp Mười, anh Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) thả nuôi ong mật. Sản phẩm mật ong rừng tràm của anh Quang vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Long An.
Bình luận 0

Khởi nghiệp nuôi ong mật rừng tràm chỉ có 100 thùng, giờ anh Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) đã có hơn 1.000 thùng ong.

Long An: Gắn sao cho hàng triệu lính ăn mật hoa tràm, 9x quyết đưa đặc sản miền quê xuất khẩu     - Ảnh 1.

Trong trại nuôi ong lấy mật của anh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, Thạnh Hóa, Long An). Đàn ong mật được anh Quang đặt dưới tán rừng tràm vùng Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Trần Đáng)

Nuôi ong ăn mật hoa tràm

Theo anh Quang, huyện Thạnh Hóa nằm trong vùng Đồng Tháp Mười nên 4 bề là tràm với diện tích hàng ngàn héc-ta. 

Mỗi năm, tràm trổ bông hai lần, tỏa hương thơm ngát. Rừng tràm trổ bông cũng là thời điểm rất thích hợp cho nghề nuôi ong lấy mật.

Long An: Gắn sao cho hàng triệu lính ăn mật hoa tràm, 9x quyết đưa đặc sản miền quê xuất khẩu     - Ảnh 3.

Theo anh Quang, nuôi ong quyết định thành bại là ở chất lượng giống ong. (Ảnh: Trần Đáng)

"Nhận thấy lợi thế này, tôi quyết định đầu tư nuôi ong mật trong rừng tràm" - anh Quang chia sẻ.

Anh Quang cho biết, yếu tố quyết định để nuôi ong lấy mật trong rừng tràm cho hiệu quả cao là nguồn ong giống.

Nguồn thức ăn chính của ong mật là mật và phấn hoa tự nhiên có trong rừng tràm. Do đó, anh Quang tìm những cánh rừng tràm phát triển tốt để đặt thùng ong.

Do có nguồn thức ăn ổn định, nên đàn ong của anh Quang phát triển khỏe mạnh cho lượng mật nhiều, chất lượng tốt.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và cần mẫn trong chăm sóc, lúc hoa tràm nở rộ, mỗi tháng với 2 lần quay mật, anh Quang thu được 2 tấn mật ong.

Được biết, ngoài nuôi ong mật theo mùa bông tràm hàng năm, anh Quang còn nuôi ong theo từng mùa hoa, ví dụ như hoa nhãn.

Vào mùa hoa nhãn, anh Quang chuyển một số thùng ong về khu vực huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) để ong có thể ăn mật hoa nhãn.

Sau khi hết mùa nhãn, đàn ong lại được đưa từ huyện Cai Lậy (Tiền Giang) về huyện Thạnh Hóa (Long An) để ăn mật tràm.

Theo anh Quang, ngay lần đầu đưa sản phẩm mật ong hương tràm ra thị trường thì sản phẩm đã bán rất chạy.

"Đây là sản phẩm đặc sản của địa phương, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Mật ong có hương vị hoa tràm đặc trưng, mật màu vàng nhạt và độ ngọt vừa phải…" -  anh Quang thổ lộ.

Nuôi ong xuất khẩu mật

Anh Quang cho biết, năm 2020, cơ sở nuôi ong mật của anh được Chi cục thủy lợi và phát triển nông thôn tỉnh Long An hỗ trợ 50% kinh phí trang bị máy hút thủy phân dùng để xử lý mật trong sau khi thu hoạch.

Long An: Gắn sao cho hàng triệu lính ăn mật hoa tràm, 9x quyết đưa đặc sản miền quê xuất khẩu     - Ảnh 4.

Nghề nuôi ong lấy mật đem lại cho anh Bùi Minh Quang (thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An) 2 tấn mật/đợt thu hoạch. (Ảnh: Trần Đáng)

Máy có trị giá gần 200 triệu đồng, với công suất 2 tấn mật/ngày đêm. Máy hoạt động bằng chế độ cài đặt tự động, hoạt động 24/24 giờ.

Mật ong sau khi được hút thủy phân có độ sánh cao, không bị lên men, không cô đặc khi bỏ tủ lạnh.

Từ khi được trang bị máy hút thủy phân, mật ong của anh Quang càng được khách hàng ưa chuộng. Bạn bè và người nuôi ong từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh Long An cũng đến cơ sở để gia công mật ong.

"Giờ sản phẩm mật ong của tôi đủ lực cạnh tranh với các sản phẩm mật ong của nhiều vùng nuôi ong trọng điểm trong nước. Sắp tới, tôi sẽ cung cấp mật ong cho các doanh nghiệp xuất khẩu" - anh Quang thổ lộ.

Trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn  huyện Thạnh Hóa Nguyễn Kinh Kha cho biết, huyện đang khuyến khích nông dân nuôi ong mật, nhất là nuôi ong mật khai thác được tiềm năng lợi thế của vùng Đồng Tháp Mười.

Gần đây, giá mật ong tăng cao, việc xuất khẩu mật ong cũng tốt nên nghề nuôi ong tại huyện Thạnh Hóa phát triển.

Tuy nhiên, hiện các hộ nuôi ong trên địa bàn huyện đang phải chủ động từ con giống đến tiêu thụ mật ong.

Long An: Gắn sao cho hàng triệu lính ăn mật hoa tràm, 9x quyết đưa đặc sản miền quê xuất khẩu     - Ảnh 5.

Khách hàng thích thú xem anh Quang nuôi ong lấy mật. (Ảnh: Trần Đáng)

"Trại nuôi ong mật của anh Bùi Minh Quang là cơ sở nuôi ong lấy mật quy mô và bài bản nhất huyện Thạnh Hóa. Mật ong cho chất lượng rất tốt, được nhiều người ưa chuộng" - ông Kha đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem