Nuôi con đặc sản – “sống khỏe” trước TPP

Trần Quang (Trang Trại Việt) Thứ năm, ngày 17/03/2016 13:15 PM (GMT+7)
Lợi thế của chăn nuôi Việt Nam là có nhiều giống vật nuôi bản địa, quý hiếm. Cũng bởi vậy, từ trước khi gia nhập TPP, nhiều chủ trang trại đã tìm ra hướng đi cho riêng mình, đó là nuôi những con đặc sản, quý hiếm…
Bình luận 0

Những tỷ phú trẻ với hướng đi táo bạo

Mới ngoài 30 tuổi, nhưng anh Hoàng Thắng – Chủ trang trại chăn nuôi lợn rừng NTC ở Hà Nội đã sở hữu khối tài sản hàng chục tỷ đồng. “Với 2 trang trại chăn nuôi lợn rừng quy mô 12.000 lợn rừng, doanh thu mỗi năm lên đến trên dưới 40 tỷ đồng, nhiều người cứ gọi phong tôi là vua lợn rừng cũng phải vì hiện cả nước không có trang trại nào nuôi nhiều lợn rừng và có doanh thu khủng như tôi đâu” – tỷ phú Hoàng Thắng chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu bén duyên với lợn rừng, anh Thắng kể: Ngày đầu tháng 8.2008, trang trại khởi công xây dựng trang trại nuôi lợn, gà, rau rừng với diện tích 60ha tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, (Hòa Bình) phải bỏ ra số vốn đầu tư giai đoạn đầu là 8 tỷ đồng, trong đó 6 tỷ đồng, đầu tư mua đất, thuê đất, 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn rừng, gà rừng, 1 tỷ đồng còn lại mua lợn giống.

Theo anh Thắng, đến nay, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định được 8 năm. Quy mô của trang trại ở thời điểm hiện này khoảng trên 12.000 con lợn rừng, 5.000 con gà rừng, cung cấp tới các khách sạn, nhà hàng cao cấp trong nội thành Hà Nội hàng nghìn con/năm. Trung bình mỗi năm trang trại thu được lợi nhuận khoảng từ 30 – 40 tỷ đồng.

img

Anh Hoàng Thắng – Giám đốc điều hành Trang trại lợn rừng NTC đang bỏ cỏ, rau rừng cho lợn ăn tại trang trại ở huyện Thạch Thất, (Hà Nội).

Không có bản lĩnh lên tận thủ đô để nuôi lợn rừng như tỷ phú Hoàng Thắng, nhưng anh Hoàng Văn Điền (sinh năm 1978), chủ trang trại chăn nuôi vịt trời ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) lại được đánh giá là hình mẫu lý tưởng đại diện cho người nông dân thời đổi mới, bởi anh dám đầu tư, sáng tạo và dám chịu thất bại, đến giờ anh Điền đang sở hữu một cơ ngơi tiền tỷ khiến nhiều người phải ngả mũ thán phục.

Chất chơi của anh Điền còn thể hiện qua việc hàng ngày anh lái xế hộp (mua được từ năm 2014 từ tiền bán một lứa vịt) đi chăn vịt trời ngoài cánh đồng, khi khách có nhu cầu gọi điện anh sẵn sàng cho vịt vào xe đưa đến tận nơi cho khách.

img

Đàn lợn rừng thương phẩm của anh Hoàng Thắng được chăm sóc theo quy trình sạch tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, (Hà Nội).

Vừa dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Điền vừa kể về quá trình gian nan làm kinh tế. Hai vợ chồng anh lấy nhau năm 1997. Cả gia tài có hơn 2 triệu đồng tiền mừng cưới. Ban đầu hai vợ chồng bàn nhau mở của hàng bán thức ăn chăn nuôi, cùng với đó anh mua 100 gà công nghiệp về vỗ béo bán cho các đám cưới, giỗ trong làng. Anh Điền bảo:“Lúc đó, vợ dại, con thơ, bỡ ngỡ nên bán lỗ vốn, nuôi gà bị chết là chuyện thường, qua mỗi lần như vậy hai vợ chồng tôi lại bảo ban, động viên nhau đứng dậy làm lại”.

Vừa chăn nuôi, kết hợp mua sách vở, tìm đến các trang trại trong và ngoài vùng để học thực tế. Đến năm 2000, anh Điền quyết định vay tiền ngân hàng để mua đất, mở rộng diện tích trang trại, cùng với đó anh đầu tư mua 1.000 gà về nuôi, đúng lúc đó trong vùng có dịch, toàn bộ gà anh mua chết sạch, gia đình lại trắng tay.

Thất bại không khiến anh dừng bước. Anh tiếp tục đi vay lãi, mua được hơn 30 con lợn nái ngoại về nuôi nhân đàn. Chỉ sang năm 2013, đàn lợn thương phẩm của gia đình đã tăng lên hàng trăm con, xuất bán ra thị trường đúng lúc được giá, doanh thu anh Điền thu về gần 10 tỷ đồng.

Từ việc rút kinh nghiệm những lần thất bại, lần này, anh Điền quyết đầu tư mạnh vào xây dựng chuồng trại, khu vực xử lý ô nhiễm hiện đại. Anh Điền cho biết: “Hiện, trang trại của tôi có hệ thống trang trại nhà vườn và chuồng nuôi được bố trí đảm bảo an toàn, cách ly tuyệt đối với khu dân cư, nên trong thời gian chăn nuôi, chưa từng bị bà con trong xã phản ánh hay phản đối gì về ô nhiễm”.

Bước ngoặt thành công trong chăn nuôi của anh tiếp tục tiến thêm. Đó là vào cuối năm 2013, anh chính thức bén duyên với một con vật nuôi mới khi trong một lần sang nhà bạn ở Bắc Giang chơi, được bạn đãi ăn món thịt vịt trời, con vật mà anh chỉ được nghe nói đến chưa được tận mắt nhìn thấy. “Lúc đó, được thưởng thức món vịt trời, tôi mê lắm, chưa bao giờ mình lại được ăn món vịt ngon như thế”- anh Điền kể.

Ngay sau khi về, anh Điền đã bàn với vợ, bỏ vốn mua 200 con vịt giống về nuôi, cùng với đó anh bỏ thời gian cả tuần sang trang trại của bạn để học hỏi kỹ thuật nuôi. Chỉ sau gần 1 năm nuôi, đàn vịt giống của anh đã sinh sôi ra cả hàng nghìn vịt con. Anh Điền cho biết, cuối năm 2015 vừa qua anh xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh gần 5.000 vịt giống và thương phẩm, thu lãi về hàng tỷ đồng.

Trung bình mỗi năm chăn nuôi và kinh doanh cây cảnh (mô hình mới đưa vào) gia đình anh thu lãi về hàng tỷ đồng mỗi năm. Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Điền cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong những năm tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng trang trại và nâng quy mô đàn vịt trời lên trên 4 vạn con, nâng quy mô đàn lợn lên thêm khoảng trên 1.000 con”.

Cùng nhau sống “khỏe” trước TPP

Khi được hỏi về thách thức trong bối cảnh Việt Nam tham gia TPP, cả 2 tỷ phú trẻ Hoàng Thắng và Hoàng Văn Điền đều cho rằng, dù có hay không vào TPP thì sản phẩm của họ vẫn sống khỏe. Bởi hiện tại, riêng sản phẩm đặc sản lợn rừng của Trang trại NTC và vịt trời mới chỉ đủ cung cấp cho khách hàng các tỉnh miền Bắc, một lượng nhỏ cho miền Trung và miền Nam, nên thị trường còn rất tiềm năng chưa khai thác hết.

img

Anh Hoàng Văn Điền đang kiểm tra chất lượng vịt trời trước khi xuất bán cho khách tại trang trại của gia đình ở xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, (Ninh Bình).

Theo anh Hoàng Thắng, từ việc đánh giá được tiềm năng lớn của thị trường thực phẩm sạch và thị hiếu của người tiêu dùng trong nước đang rất cần các sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn. Ngoài việc đầu tư vào hệ thống 2 trang trại chăn nuôi chính tại huyện Thạch Thất, Hà Nội và huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, trang trại NTC của anh Thắng còn đang thực hiện dự án phối hợp với bà con nông dân cùng nuôi lợn rừng, gà rừng, trồng cây rau rừng theo hình thức như cung cấp giống lợn rừng, gà rừng cho bà con nông dân.

“Đến thời điểm hiện tại, Trang trại lợn rừng NTC thực hiện dự án phối hợp với 230 hộ dân ở 15 xã tại 4 huyện của Hà Nội như xã Xuân Giang, xã Minh Trí, xã Minh Phú (Sóc Sơn) hay các xã Khánh Thượng, Đồng Thái (Ba Vì)… Đáng nói hơn, qua việc liên kết chăn nuôi với trang trại, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn, có nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng….” – anh Thắng cho hay.

img

Anh Nguyễn Quang Nam đang đổ thức ăn cho gà ăn tại trang trại của gia đình ở quận Bắc Từ Liêm, (Hà Nội).

Là một trang trại chăn nuôi gà kiểng Tân Châu quy mô lớn nổi tiếng ở quận Bắc Từ Liêm Hà Nội, anh Nguyễn Quang Nam (31 tuổi) vào những ngày đầu năm luôn tấp nập khách tới đặt mua gà. Anh Nam cho biết: “Dù trước hay sau khi Việt Nam gia nhập TPP, gà kiểng của tôi vẫn không những không sợ ế mà luôn có nhiều khách chơi, nên thu nhập của gia đình vẫn ổn định mỗi năm lên đến hàng trăm triệu đồng”.

Theo anh Nam, gà kiểng Tân Châu có thị trường riêng là ăn theo các dự án nhà ở chung cư hay các dự án bất động sản. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây việc đô thị hóa diễn ra nhanh chóng kéo theo đó là khách mua, chơi gà kiểng của anh cũng tăng đột biến.

"Dù có hay không vào TPP thì sản phẩm của họ vẫn sống khỏe. Bởi hiện tại, riêng sản phẩm đặc sản lợn rừng của Trang trại NTC và vịt trời mới chỉ đủ cung cấp cho khách hàng các tỉnh miền Bắc, một lượng nhỏ cho miền Trung và miền Nam, nên thị trường còn rất tiềm năng chưa khai thác hết"- anh Hoàng Thắng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem