Đồng Nai: Trồng loại "hàng hiếm" chuẩn sạch, bán tới hơn 300 ngàn/ký, bà giám đốc trẻ thu tiền đều tay
Đồng Nai: Trồng loại "hàng hiếm" chuẩn sạch, bán tới hơn 300 ngàn/ký, bà giám đốc trẻ thu tiền đều tay
Liên Liên
Thứ tư, ngày 01/09/2021 19:01 PM (GMT+7)
Hơn 1 năm nay, cơ sở trồng nấm mối đen của bà Bùi Thị Dậu - Giám đốc HTX Rau nấm sạch Gia An (khu phố 3, phường Trảng Dài, TP.Biên Hòa) được nhiều người biết đến bởi chất lượng nấm và cũng thuộc “hàng hiếm” còn khá mới với nhiều người.
Xuất thân là một kỹ sư nông nghiệp, dù đã có nhiều năm làm việc cho một công ty nước ngoài với công việc đúng chuyên môn được học và mức thu nhập ổn định nhưng bà Dậu vẫn ấp ủ ý định làm một việc gì đó với chất lượng sạch để cung cấp ra thị trường.
Ấp ủ dự án nông nghiệp sạch
Sau nhiều năm ấp ủ làm một dự án nông nghiệp sạch cho bản thân và bỏ nhiều thời gian lựa chọn các mô hình như trồng rau mầm, các loại nấm…, bà Dậu đã đăng ký tham gia một lớp đào tạo chuyên về nấm tại Trung tâm Công nghệ cao TP.HCM để chuẩn bị cho mô hình làm ăn mới của mình. Cuối năm 2019, nhà nấm mối đen đầu tiên của bà Dậu hình thành với 5.000 phôi được nhập về. Chăm chút từng ngày cho "đứa con đầu lòng" cũng như cẩn thận ghi chép nhật ký để rút kinh nghiệm thực tế khi mở rộng trang trại, vụ thu hoạch nấm đầu tiên đã mang về kết quả mỹ mãn khi mỗi ngày, bà Dậu thu hoạch từ 15-20kg nấm mối đen. Lượng hàng làm ra đến đâu bán hết sạch đến đó.
Nấm mối đen có thể chế biến được nhiều cách và được đánh giá khi ăn khá ngon. Sau khi hái và làm sạch, nấm có thể giữ trong nhiệt độ lạnh tối đa 45 ngày. Tuy nhiên, nhiều người trồng khuyến khích khách không nên bảo quản quá lâu sẽ mất dinh dưỡng của nấm.
Tiếng lành đồn xa, mối mua nấm mối đen ngày càng tăng nên bà Dậu quyết định dựng thêm nhà nấm thứ hai. Do là mô hình sản xuất khá mới mẻ nên có rất ít người đi trước đầu tư loại nấm này, tư liệu tham khảo cũng khá hạn chế nên bà Dậu phải vừa làm vừa học hỏi, tự rút kinh nghiệm từ thực tế, nhất là trong khoảng thời gian này, do là mùa khô nên độ ẩm thấp, khí hậu khá nóng trong khi môi trường sống của nấm mối đen ưa phù hợp với độ ẩm cao, khí hậu ôn hòa từ 26-28 độ C. Do đó, dù đã được "đáp ứng" môi trường như mong muốn nhưng năng suất chưa cao. Tuy nhiên, đã xác định từ đầu là "vừa làm vừa học" nên bà Dậu không nóng vội mà bình tĩnh tìm hiểu để có hướng xử lý môi trường thích hợp hơn.
Bà Dậu chia sẻ: "Trồng nấm ngoài tạo môi trường sống phù hợp cho nấm phát triển thì không cần xịt thuốc hay kích thích bằng phương pháp hóa học nào. Dù công chăm sóc khá tỉ mỉ nhưng mỗi khi bước vào nhà nấm tôi luôn bị cuốn vào công việc. Tôi muốn trang trại nấm phát triển nhiều hơn nữa trong tương lai".
Phát triển đa dạng sản phẩm nấm
Hiện tại, do năng suất đang tạm thấp hơn mùa mưa nên để đủ nấm cung cấp cho khách hàng, bà Dậu phải kết nối với một số trại nấm ở huyện Trảng Bom để tăng nguồn hàng cung cấp cho các mối lấy hàng số lượng lớn.
Theo bà Dậu, nấm mối đen hiện nay có giá trên thị trường từ 150-300 nghìn đồng/kg, với lượng hàng tiêu thụ ổn định tại các thị trường TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội…
Sau hơn một năm khá thành công với dòng nấm mối đen, bà Dậu tiếp tục ấp ủ thêm kế hoạch mở rộng diện tích và đa dạng sản phẩm nấm ở phân khúc cao cấp như: Nấm mèo trắng, nấm chân dài.
Theo bà Dậu, chi phí đầu tư cho một nhà nấm mối đen cao hơn nhiều so với một nhà nấm thông thường. Theo đó, giá phôi cho nấm thông thường như nấm bào ngư, nấm rơm… chỉ vài nghìn đồng/phôi trong khi nấm mối đen có giá 16-18 nghìn đồng/phôi, chưa tính trang thiết bị, phòng lạnh để tạo môi trường sống cho nấm phát triển.
Chia sẻ về những dự định tương lai của mình, bà Dậu cho rằng, thị trường nấm mối đen và nhu cầu về một số loại nấm cao cấp khác đang có xu hướng tăng. Khách hàng của bà thời gian gần đây cũng đề cập muốn có thêm sản phẩm nấm mới, do đó bà Dậu sẽ nghiên cứu để đầu tư thêm nhà nấm trong thời gian tới.
"Tôi muốn sản phẩm do chính mình làm ra nhiều hơn bởi mình tự tay chăm sóc sẽ kiểm định được chất lượng của từng cây nấm. Tôi đã và đang thu mua nấm của một số trại khác nhưng sản phẩm của trại khác không đẹp và đều như trại của mình" - bà Dậu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.