Con vật ví như "con nồi đồng, cối đá” thực ra là con gì mà anh nông dân Tây Ninh nuôi thu nhập khỏe re?

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 09/12/2023 05:37 AM (GMT+7)
Rời quê hương Ninh Thuận, anh Phan Đỗ Tấn Huy mang theo giống cừu Phan Rang về xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) khởi nghiệp nuôi cừu. Hiện anh đang sống khỏe với con “nồi đồng, cối đá” này.
Bình luận 0

Với nhiều kinh nghiệm nuôi cừu Phan Rang, anh Huy đánh giá, đây là giống cừu nổi tiếng chịu đựng thời tiết nắng khắc nghiệt lên đến 40 độ C, nên dù trên vùng đất "nắng cháy da người" như Tây Ninh cũng không là vấn đề.

Nhẹ nhàng nuôi con vật “nồi đồng, cối đá”, anh nông dân ở Tây Ninh sống khỏe  - Ảnh 1.

Anh Phan Đỗ Tấn Huy (xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) trong trại nuôi cừu. Ảnh: T.Đ

Nuôi cừu Phan Rang đơn giản như… đang giỡn

Trại nuôi cừu của anh Huy ở xã Bến Củi nằm chơi vơi giữa cánh rừng. Tận dụng đồng cỏ dưới tán rừng anh xây dựng trại cừu Phan Rang. 

Theo Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Chừng, ở Tây Ninh đây là trại nuôi cừu duy nhất với quy mô lớn.

Thật ra, anh Huy không chỉ có trại nuôi cừu này. Hiện, tại huyện Cần Đước (tỉnh Long An) anh còn có một trại nuôi cừu nữa. Tại 2 trại nuôi cừu này anh Huy có tổng đàn khoảng 300 con cừu.

Theo anh Huy, tận dụng phế phẩm nông nghiệp và đồng cỏ bỏ hoang dưới tán rừng ở Bến Củi, anh tới mở trại nuôi cừu. Lúc đầu anh chỉ nuôi thử nghiệm 10 con cừu giống, nay trại đã tăng hơn 100 con giống bố mẹ.

Anh Huy cho biết, mặc dù cừu Phan Rang "nồi đồng, cối đá", dễ nuôi, ít bệnh tật, chóng lớn... Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế cao cần thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật nuôi.

Nhìn trại nuôi cừu của anh Huy có thể thấy, mặc dù trại xây dựng khá đơn giản, nhưng cao ráo, thông thoáng, sáng sủa, có máng ăn, uống. Ngoài ra, chuồng cách mặt đất khoảng 1m tạo độ thoáng và đủ độ cao để vệ sinh quét dọn dễ dàng.

Nhẹ nhàng nuôi con vật “nồi đồng, cối đá”, anh nông dân ở Tây Ninh sống khỏe  - Ảnh 3.

Trại nuôi cừu đầu tư đơn giản nhưng sạch sẽ, thông thoáng, cao ráo... mới chăn nuôi thành công. Ảnh: T.Đ

Theo anh Huy, nuôi cừu ít tốn thời gian chăm sóc. Cừu thích nghi với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nên có thể nuôi nhốt hoặc thả trên đồng khô cằn, không cần người trông coi. Trong điều kiện nuôi nhốt, chỉ cần một giờ mỗi ngày đi cắt cỏ là đủ thức ăn cho đàn cừu anh đang nuôi.

"Nuôi cừu chủ yếu cho ăn cỏ. Tuy nhiên, để cừu khỏe mạnh, chóng lớn phải cho cừu uống nước sạch, ăn thêm muối. Cừu ăn tạp như dê, nhưng tăng trọng tốt hơn dê. Để đạt trọng lượng 30kg, con dê phải nuôi đến 12 tháng, nhưng cừu chỉ mất 8 tháng", anh Huy thổ lộ.

Anh Huy cho biết thêm, cừu ít dịch bệnh. Nhưng thi thoảng vẫn bị bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng và sán lá gan. Vì thế, nuôi cừu 3 - 6 tháng phải chích ngừa bệnh sán lá gan cho cừu hoặc xổ lải.

Ngoài ra, để phòng, trị bệnh cho cừu, chuồng nuôi bảo đảm vệ sinh, quét dọn phân hàng ngày. Sát trùng định kỳ 1 lần/tháng bằng vôi hoặc dipterex. Định kỳ tắm chải cho cừu sạch sẽ. Máng nước uống phải sạch sẽ và đủ nước sạch. Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn hôi mốc…

Theo anh Huy, về nuôi cừu sinh sản, cừu cái mang về cho ăn đầy đủ 6 tháng sau lên giống. Sau 5 tháng mang bầu, cừu sẽ đẻ. 20 ngày sau khi đẻ cừu cái lại được lên giống và 1,5 tháng sau lại mang bầu. 

Cừu cái tơ lần đầu đẻ chỉ 1 con, nhưng các lứa sau mỗi lần đẻ 2-4 con. Mỗi năm cừu cái đẻ 2 lứa. Cừu nuôi 8-10 năm mới thải loại. Sau khi nuôi khoảng 6 tháng, cừu giống sẽ được xuất bán.

Nuôi cừu phải lì

Theo UBND xã Xóm Củi, khoảng 80% diện tích đất nông nghiệp xã Bến Củi trồng cao su. Dưới tán cao su là những mảng cỏ tươi khá tốt, có thể tận dụng làm thức ăn cho đàn gia súc. Trước đây, nông dân ở xã chủ yếu nuôi bò sinh sản. Do giá bò thịt liên tục sụt giảm, nhiều hộ chuyển sang chăn nuôi dê và giờ lại có anh Huy chăn nuôi cừu.

Nhẹ nhàng nuôi con vật “nồi đồng, cối đá”, anh nông dân ở Tây Ninh sống khỏe  - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh Huỳnh Văn Chừng (trái) trong một lần ghé thăm trại nuôi cừu của anh Huy. Ảnh: T.Đ

Anh Huy chia sẻ, nuôi cừu phải lì. Trong năm, giá cừu có thời điểm sẽ giảm, nhưng sau đó lại đẩy lên khá cao. Thời điểm vào dịp Tết giá cừu cao nhất trong năm. Trong năm, giá cừu dao động 80.000 – 130.000 đồng/kg.

"Thường vào thời điểm này bà con nông dân nuôi cừu sẽ tăng đàn để hy vọng có lãi sâu", anh Huy cho biết.

Anh Huy cho biết thêm, lâu nay thương lái mua thịt cừu theo giá dê, thường giá cừu thịt thấp hơn giá dê thịt khoảng 10.000 đồng/kg. Nhưng đầu ra của cừu ổn định hơn dê. Thịt có bao nhiêu thương lái đều mua hết.

Hiện, anh Huy xuất bán mỗi năm khoảng 100 con cừu thịt và cũng bằng ấy số cừu giống. Giá cừu giống 1,5 – 2 triệu đồng/con (cái).

Môi trường và nguồn phế phẩm nông nghiệp, đồng cỏ dồi dào ở địa phương rất thích hợp cho việc chăn nuôi gia súc, trong đó có nuôi cừu. Anh Huy dự tính, sau khi mô hình nuôi cừu của anh thành công, bà con nông dân sẽ nhân rộng mô hình, Tây Ninh sẽ tăng đàn cừu trong thời gian tới.

Hiện, để mở rộng đàn cừu, anh Huy đang tiến hành xây dựng thêm trại cừu ở tỉnh Bình Phước. Anh cho biết, chuyển chuyển toàn bộ đàn cừu ở Long An về trại nuôi cừu ở đây.

Theo ông Chừng đánh giá, mô hình nuôi cừu của anh Huy đang cho thấy hiệu quả kinh tế tốt. Hội Nông dân địa phương sẽ nhân rộng mô hình thông qua việc hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ vốn đầu tư… nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem