Nuôi gà thả vườn táo nơi cánh đồng điện gió Bình Thuận, chị nông dân người Chăm có của ăn của để
Nơi cánh đồng điện gió khổng lồ ở Bình Thuận, nuôi gà thả vườn táo, chị nông dân Bình Thuận khá giả
Bùi Phụ
Thứ tư, ngày 29/03/2023 18:47 PM (GMT+7)
Bên dưới những "cánh đồng điện gió khổng lồ” ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong (Bình Thuận) lại có những cánh đồng lúa xanh mướt, những vườn táo thơm, ngon do bà con người Chăm làm ra. Chủ tịch Hội Nông dân xã này là một phụ nữ người Chăm, giỏi trồng táo, nuôi gà thả vườn mang lại nguồn thu nhập tốt...
Nữ nông dân người Chăm trồng táo, nuôi gà thả vườn
Một ngày cuối tháng 3/2023, theo chân nhóm phượt, chúng tôi đến “sống ảo” bên những cánh đồng điện gió khổng lồ ở xã Phú Lạc huyện Tuy Phong (Bình Thuận).
Chúng tôi rất bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa xanh mượt nằm dưới chân những “cối xay gió” khổng lồ bên triền núi này( mỗi tuabin điện gió cao 95m, sải cánh rộng 49m).
Biết ý chúng tôi muốn tìm người dẫn đường vào những cánh đồng lúa xanh mượt trên, ông Huỳnh Tấn Sinh- Chủ tịch UBND xã Phú Lạc nói tôi ngồi chờ để một “ông” nông dân đến dẫn chúng tôi đi.
Khoảng 10 phút sau, một phụ nữ xuất hiện đưa cho tôi cái nón bảo hiểm rồi mời tôi lên xe máy để chị chở đi thăm đồng!
Thấy tôi có vẻ bất ngờ thì ông Sinh vui giọng: “Xin giới thiệu với anh nhà báo, đây là “ông” Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc. Ở đây ai cũng kêu chị ấy là “ông” bởi sức lao động và xử lý công việc của chị ấy cực kỳ hiệu quả khiến cánh đàn ông tụi em theo không lại nên phải tôn chị là “ông”!
Quả thật như lời ông Sinh nói, suốt một buổi ngồi sau xe máy băng qua nhiều cánh đồng lúa và táo ở xã Phú Lạc, đi đâu chúng tôi cũng nghe bà nông dân chào “ông” chủ tịch hội thân yêu.
Trong khi thân thể tôi ê ẩm “ông” chủ tịch hội vẫn khỏe như trai làng đôi mươi, vững tay lái đưa tôi bon bon trên đường ruộng gồ ghề...
“Ông” chủ tịch mà bà con trong xã gọi thân thương ấy là chị Qua Thị Kim Vân (SN 1983, người dân tộc Chăm) hiện là Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc.
Theo lời, những anh chị làm trong UBND xã Phú Lạc, chị Vân không những giỏi việc nhà, mà còn giỏi cả việc tư vấn cho bà con làm nông nghiệp chuyển đổi số trong những năm gần đây. Đặt biệt là giúp, định hướng cho bà con làm nông nghiệp hữu cơ để thoát nghèo, sử dụng tốt nguồn vốn vay của ngân hàng.
Trong chuyến khảo sát trên, chúng tôi có ghé thăm 2 vườn táo trong nhà lưới có diện tích 3 sào của gia đình chị Vân trên cánh đồng lúa vào táo xã Phú Lạc.
Vừa bước vào vườn táo, chúng tôi đã ấn tượng với hệ thống dẫn nước tưới tự động từ mương lên bao quanh vườn táo của gia đình chị Vân. Khi cần, chỉ đưa tay “mở van” là nước tự động chảy vào…
Theo lời chị Vân, chính hệ thống tự động lấy nước này nên giảm được công lao động và chi phí xăng dầu rõ.
Được biết, cách đây 4 năm, gia đình chị Vân đã vay của ngân hàng nông nghiệp Agribank 200 triệu đồng để trồng táo trong nhà lưới, kết hợp chăn nuôi gà.
Trước đó, hai vợ chồng chị Vân (chồng chị người Kinh) đã lên mạng internet tham khảo, học hỏi nhiều kỹ thuật, tham khảo những người đi trước.
Hiện tại, 1 sào táo bán tại vườn cho thương lái, sau khi trừ chi phí, chị Vân lời khoảng 50 triệu đồng/vụ.
Nét độc đáo từ những táo trong nhà lưới của gia đình chị Vân, được chăm sóc cắt tỉa tỉ mỉ, cành xòe ra bò trên giàn dây kẽm, trông giống như cây dù che nắng phía trên.
Tận dụng lưới bao quanh vườn táo, bên dưới chị Vân nuôi gà thả vườn. Chị Vân dành riêng một phần đất khác để trồng khoai lang, rau muống nhưng không bán mà chỉ cắt cho gà ăn.
Mỗi đợt cắt cành táo, chị Vân đem tất cả phơi dành để làm củi nấu thức ăn cho gà. Cách nuôi gà của chị Vân cũng “sang”, bởi chị mua lúa và cá tươi nấu cho gà ăn. Sau đó chị cho ăn thêm rau muống, khoai lang khiến con nào cũng mập ú, được nhiều người mua.
“Mỗi năm nuôi gà 2 vụ, sau khi trừ chi phi gia đình lãi khoảng 30 triệu. Mình nuôi gà thả vườn bằng thức ăn sạch sẽ nên nhiều lúc không có gà bán cho khách hàng…”, chia Vân chia sẻ.
Cùng giúp bà con người Chăm thoát nghèo
Đang trò chuyện với chúng tôi dưới vườn táo, điện thoại chị Vân reo liên tục bởi nông dân điện hỏi nhờ tư vấn qua điện thoại.
“Mình là cán bộ nông dân, phải am hiểu kỹ thuật nông nghiệp kinh tế, công nghệ 4.0, thì mới tư vấn được cho bà con. Nếu mình thất bại, hoặc không hiểu thì làm sao tư vấn cho bà con làm tốt được. Bởi vậy, sáng sớm vợ chồng tôi ra đồng sớm làm cho xong công việc. Tranh thủ thời gian còn lại tư vấn giúp bà con để cùng nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu…”, chị Vân tâm sự.
Anh Kinh Văn Tập, một nông dân người Chăm ở xã Phú Lạc cho biết, cách đây 4 năm anh thất nghiệp, chưa biết việc gì làm thì nhờ Hội Nông dân xã Phú Lạc tư vấn chuyển trồng táo trong nhà lưới. Hiện tại thu nhập gia đình anh rất ổn định. Mỗi sào táo, sau khi trừ thu nhập lãi khoảng 50 triệu đồng…
“Chị Vân am hiểu nhiều, có kinh nghiệm thực tế nên giúp bà con rất hiệu quả. Vì vậy, tôi đã tham gia và hiện là thành viên của tư vấn nhóm trồng táo xã Phú Lạc. Qua Zalo của nhóm này, tất cả thắc mắc về kỹ thuật trồng táo của bà con đều được đáp ứng…”, anh Kinh Văn Tập cho biết.
Được biết, trước khi làm Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc, chị Qua Thị Kim Vân đã có nhiều năm khăn gói vào Sài Gòn làm sinh viên chính quy của một trường cao đẳng ở TP.HCM.
Tốt nghiệp ra trường, chị về công tác ở UBND xã Phú Lạc rồi lập gia đình với chàng trai người Kinh quê ở ĐBSCL. Hiện 2 vợ chồng có đứa con 3 tuổi và anh chồng nhận gánh vác việc chính trong nhà, vườn táo, để vợ có thêm thời gian làm tốt vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lạc, giúp bà con...
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết, chị Vân là tấm gương mẫu mực của người phụ nữ Chăm thời hiện đại. Nhờ những kiến học được và những kinh nghiệm thực tiễn đã kinh qua, khi được bầu làm Chủ tịch HND xã Phú Lạc, chị Vân đã nắm bắt được nhanh các chủ trương, chính sách từ Hội Trung ương đến tỉnh và huyện rất nhanh.
“Nhờ am hiểu tiếng Chăm và Việt sâu, nên chị Vân đã tuyên truyền các chính sách trên lại cho bà con nông dân rất hiệu quả. Các cấp hội đánh giá rất cao vai trò của chị Vân trong công tác tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là chính “Tam Nông” ở một xã thuần nông và đồng bào người Chăm ở Phú Lạc..”, ông Nguyễn Phú Hoàng nói.
Ngày càng nhiều tấm gương nông dân điển hình
Theo ông Huỳnh Tấn Sinh - Chủ tịch UBND xã Phú Lạc (huyện Tuy Phong), cư dân trên địa bà 100% là đồng bào Chăm, chủ yếu làm nông nghiệp. Xã đang tích cực hoàn tất các thủ tục để được công nhân đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025.
Nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Phú Lạc phát huy nội lực, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, mức sống của người dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an sinh xã hội được bảo đảm...
Đặc biệt là trên địa bàn ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân, chịu khó, quyết tâm vươn lên làm giàu, trong đó có chị Qua Thị Kim Vân và anh Kinh Văn Tập. Toàn xã Phú Lạc hiện có hơn 2.600 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở 3 cấp.
Chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Qua đó, nhân dân trong xã tham gia hiến đất làm đường giao thông nông thôn, các công trình phúc lợi xã hội.
Ngoài trục đường chính, ở xã có 19 tuyến đường thôn - xóm đã được nhựa hóa, bê tông xi măng… Người dân trong xã thường xuyên ra quân dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, không xả nước ra đường gây ô nhiễm môi trường...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.