Ra mắt Hợp tác xã bao tiêu lúa hữu cơ, sầu riêng hữu cơ cho nông dân ở Bình Thuận
Ra mắt Hợp tác xã bao tiêu lúa hữu cơ, sầu riêng hữu cơ cho nông dân ở Bình Thuận
Bùi Phụ- Ngọc Ánh
Thứ năm, ngày 23/03/2023 07:11 AM (GMT+7)
Ngày 22/3, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận cho biết trên địa bàn huyện Đức Linh vừa ra mắt Hợp tác xã(HTX) bao tiêu lúa và sầu riêng hữu cơ cho bà con nông dân. Hội Nông dân các cấp của Bình Thuận sẽ hỗ trợ HTX trong việc tiêu thụ, giới thiệu nông sản của bà con lên sàn thương mại điện tử...
Đó là HTX nông nghiệp Trường Phúc và nguồn vốn góp từ cá nhân của 7 thành viên sáng lập, nguồn vốn ban đầu 500 triệu đồng. Chủ tịch hội đồng quản trị là Dương Thị Nhạn và HTX đặt tại thị trấn Đức Tài huyện Đức Linh(Bình Thuận).
Trao đổi với Dân Việt, bà Dương Thị Nhạn cho biết, mục đích HTX nông nghiệp Trường Phúc là bao tiêu lúa, sầu riêng hữu cơ, cung cấp vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân.
Bà Nhạn cho biết, năng lực và hướng sắp tới của HTX sẽ bao tiêu cho khoảng 600ha lúa tươi tương đương với 3.600 tấn/năm, sầu riêng khoảng 20ha tương đương từ 50 - 60 tấn/năm. Bên cạnh đó, HTX còn thực hiện các dịch vụ như: Mua bán cây giống, hạt giống các loại nông sản; Mua bán phân bón, thuốc BVTV và dịch vụ trồng trọt…
"HTX Trường Phúc sẽ cố gắng nâng cung cấp vật tư để bà con nông dân hội viên tham gia HTX nâng cao chất lượng lúa theo hướng hữu cơ để tăng năng suất và chất lượng gạo thành phẩm để cung cấp cho người tiêu dùng gạo sạch- an toàn- chất lượng…", bà Nhạn thông tin.
Cũng theo bà Dương Thị Nhạn, HTX cam kết bao tiêu 100% sản phẩm của thành viên sản xuất, phấn đấu hàng năm phát triển, kết nạp thêm nhiều hội viên và tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm tối thiểu đạt 5%.
Bên cạnh đó, HTX nông nghiệp Trường Phúc sẽ tạo việc làm thường xuyên cho các thành viên và việc làm thời vụ cho người lao động địa phương nhằm cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế, ổn định xã hội tại địa phương… hướng sắp tới sẽ tham gia thành viên Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Thuận để mở rộng thị trường sản xuất…
Liên kết doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản
Theo UBND huyện Đức Linh, nhiều nông dân đã và doanh nghiệp, HTX đã tham gia các sàn thương mại điện tử. Nhiều sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của huyện đã đã được các doanh nghiệp đưa lên các trang web như: Lazada, sendo, postmart và sàn thương mại điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://sanphamdiaphuong.com.vn.
Đó là các sản phẩm hạt điều rang muối Hoàng Gia Tiến, Gạo nếp Cô Duyên, Đông trùng hạ thảo, Tinh dầu bạc hà, Chả ốc bươu đen… Theo đánh giá sơ bộ của nhiều nông dân và doanh nghiệp, việc tham gia này đã giải quyết đầu cho ra nông sản, mang lại hiệu quả cao kinh tế cao hơn và có tính phát triển bền vững.
Theo ông Trương Quang Đến - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Linh, trong thời gian tới, huyện sẽ mở rộng và kết nối với các các doanh nghiệp lớn để hỗ trợ các HTX trên địa bàn liên kết sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất của HTX, giúp người đầu cho ra nông sản của bà con nông dân rộng, ổn định, thu nhập được nâng cao hơn…
Hỗ trợ người tiêu dùng và nông dân an toàn trong chuyển đổi số
Nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và nông dân được an toàn trong chuyển đổi số, vừa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Thuận phối hợp Hội Bảo vệ người tiêu dùng tổ chức hội thảo "Tiêu dùng an toàn trong chuyển đổi số".
Tham gia hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh, các sở ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan, Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận và một số hộ dân trên địa bàn địa bàn TP. Phan Thiết tỉnh Bình Thuận.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho biết, tiêu dùng số gắn liền các hoạt động thương mại điện tử là một lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số. Việc mua sắm hàng hóa sản phẩm, dịch vụ và thanh toán không tiền mặt của người tiêu dùng phát triển ngày càng nhiều trong đời sống xã hội…
Tuy nhiên, việc thực hiện giao dịch thanh toán qua các hình thức trực tuyến trên không gian mạng còn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho người tiêu dùng (như bị lừa đảo hoặc gặp rủi ro khi thanh toán, mua hàng không đúng chất lượng…). Vì vậy hội thảo là dịp để các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý chuyên ngành cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như làm rõ thêm những tồn tại trong tiêu dùng số. Từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng, đồng thời giới thiệu một số biện pháp quản lý chuyển đổi số của Bình Thuận trong thời gian tới.
Các đại biểu dự hội thảo đã nghe đại diện các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan trình bày tham luận về nội dung liên quan chủ đề "Tiêu dùng an toàn trong chuyển đổi số". Các đại biểu tham gia thảo luận, trao đổi về những vấn đề để người tiêu dùng nắm bắt thêm một số kỹ năng, phương thức mua sắm an toàn trong chuyển đổi số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.