Nuôi gia cầm VietGAHP như thế nào để dễ tiêu thụ, giá bán cao
Thiên Hương
Thứ tư, ngày 04/11/2020 06:00 AM (GMT+7)
Chăn nuôi gia cầm là mảng có tốc độ tăng trưởng lớn nhất trong ngành chăn nuôi, số lượng gia cầm tăng bình quân trên 10%/năm. Tuy nhiên, do tăng trưởng nhanh mà đôi lúc ngành này bị mất cân đối cung cầu, giá thành sản phẩm cao, thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, xuất khẩu còn khiêm tốn…
Đó là những hạn chế được các nhà quản lý, chuyên gia chỉ rõ tại Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm theo VietGAHP gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng", do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT TP.Hải Phòng tổ chức mới đây.
Chăn nuôi nhỏ lẻ nhiều nguy cơ dịch bệnh
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), đến tháng 1/2020, tổng đàn gia cầm cả nước là hơn 481 triệu con, trong đó gà hơn 382,5 triệu con; vịt 82,5 triệu con; ngan 15,2 triệu con; ngỗng 728.000 con, bồ câu 6,42 triệu con…
Với các giống gia cầm đa dạng, nguồn gen quý cho chất lượng thịt thơm ngon, nghề chăn nuôi gia cầm của nước ta ngày càng phát triển, với 70% tổng số xã, phường có chăn nuôi gia cầm, thu hút trên 12 triệu hộ tham gia.
Đáng chú ý, gần đây đã có nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào lĩnh vực này một cách bài bản và có những sản phẩm gia cầm có lợi thế, xuất khẩu đi một số nước.
Theo Cục Chăn nuôi, còn tới hơn 65% số hộ nuôi gia cầm quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu, vừa tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn dịch bệnh, vừa gây ô nhiễm môi trường. Do chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún nên việc áp dụng quy trình VietGAHP còn rất hạn chế, tính liên kết rất yếu, dẫn tới việc tiêu thụ thường gặp khó khăn.
Để góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã triển khai 13 dự án liên quan đến chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho gia cầm.
Trong đó có dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng" được triển khai tại TP.Hải Phòng, các tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Vĩnh Phúc từ năm 2018 - 2020.
Dự án đã xây dựng được 12 mô hình chăn nuôi các giống gà ri lai, mía lai, Lương phượng theo hướng VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, quy mô 120.000 con gà thương phẩm, 150 hộ tham gia.
100% số hộ sau khi tham gia đã đạt trên 70% theo tiêu chí VietGAHP, xây dựng được 26 hợp đồng liên kết tiêu thụ với Công ty CP Giống gia cầm Lượng Huệ và một số cơ sở, doanh nghiệp giết mổ…
Ông Phạm Văn Nhị - chủ hộ nuôi gà VietGAHP tại xã Hồng Phong, huyện An Dương (TP.Hải Phòng) cho biết, gia đình ông tham gia dự án với quy mô 5.000 con. Ngoài việc được hướng dẫn chăn nuôi đúng kỹ thuật, giá trị sản phẩm được nâng lên, gia đình ông cũng không còn lo đầu ra cho sản phẩm.
"Trước đây mạnh ai nấy làm, sản xuất thiếu tập trung, thiếu tính liên kết, làm ăn nhỏ lẻ, quy mô hẹp. Thị trường tiêu thụ thì bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái và thường xuyên bị ép giá. Tham gia dự án, chúng tôi được kết nối với 1 doanh nghiệp trên địa bàn, được ký hợp đồng tiêu thụ với giá bán bằng hoặc cao hơn thị trường 500 đồng/kg nên rất yên tâm" – ông Nhị chia sẻ.
Tăng lợi nhuận 15-17%
"Đề nghị Cục Chăn nuôi đánh giá, rà soát kết quả thực hiện chăn nuôi theo VietGAHP, đề xuất cơ chế đặc thù gắn với Nghị định 98/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản suất, tiêu thụ sản phẩm...".
Bà Hạ Thúy Hạnh
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, các mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm không chỉ giúp bà con bán sản phẩm chủ động, ổn định, giá bán cao hơn so với mô hình chăn nuôi thông thường mà còn bán được với số lượng lớn, đồng loạt, qua đó giảm hao hụt rủi ro, tiết kiệm chi phí chăn nuôi, nhanh quay vòng vốn, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật…
Hầu hết các mô hình chăn nuôi theo quy trình này đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15-17% so với các hộ nuôi thông thường.
Từ các mô hình trình diễn, tại nhiều địa phương đã và đang hình thành các chuỗi liên kết giữa trang trại chăn nuôi với doanh nghiệp, HTX… Chuỗi liên kết này được phát triển nhiều tại Hà Nội, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Nam Định, Ninh Bình, Đồng Nai, Tiền Giang, Long An…
Điển hình là liên kết sản xuất gà đi Nhật Bản của 4 doanh nghiệp: De Heus cung cấp thức ăn - Bel gà cung cấp con giống - Hùng Nhơn chăn nuôi - Koyu giết mổ và chế biến để xuất khẩu.
Tại Hà Nội, các địa phương đã xây dựng thành công 8 chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà đồi Ba Vì, Sóc Sơn; gà Mía Sơn Tây; vịt Vân Đình, Đại Xuyên; trứng vịt Liên Châu; trứng gà Tiên Viên…, hay mô hình liên kết chăn nuôi - tiêu thụ thực phẩm an toàn của GreenFood Hà Nội, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch 3F…
Phát biểu tại diễn đàn, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, định hướng chăn nuôi theo VietGAHP là việc rất quan trọng để hướng người dân không những chăn nuôi theo đúng quy trình, đảm bảo về an toàn sinh học mà căn bản nhất là phải ghi chép để đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
"Khi có sự quan tâm đúng mức, chắc chắn chăn nuôi của người dân sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Thứ nhất là giảm dịch bệnh, thứ hai là được chứng nhận VietGAHP, mang lại giá trị trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt là cần liên kết giữa người chăn nuôi với nhau để giảm chi phí đầu vào và có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp giết mổ chế biến, tạo giá trị bền vững" – bà Hạnh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.