Trang trại chăn nuôi lợn đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Trọng Long ở Thanh Oai (Hà Nội) đang tiêu thụ sản phẩm rất thuận lợi. Ảnh: T.Q
"Nhiều khách hàng đã đặt hàng doanh nghiệp chúng tôi với yêu cầu nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm từ các trang trại VietGAP họ sẵn sàng trả giá sản phẩm cao hơn 5% so với các sản phẩm khác", ông Dũng nói.
Chia sẻ tại Toạ đàm trực tuyến "Thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm" vừa được Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức chiều 28/4, ông Võ Việt Dũng đã nhận được câu hỏi của anh Trần Việt Dũng, chủ trang trại ở xã Minh Quang (Ba Vì, Hà Nội).
Cụ thể, anh Dũng hỏi: Hiện nay trang trại của tôi đang nuôi trên 200 con lợn, ngoài ra còn nuôi vài trăm con gà, ngan tuỳ thời điểm. Làm thế nào để sản phẩm lợn, gà, ngan của tôi có thể được doanh nghiệp bao tiêu hay vào chuỗi cung ứng mà không phải phụ thuộc vào tay các thương lái?
Ông Võ Việt Dũng trả lời: Để sản phẩm được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra thì bà con nông dân phải sản xuất theo chuỗi. Theo đó, trước hết các hộ chăn nuôi theo chuỗi phải lựa chọn con giống tốt, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
"Phía doanh nghiệp chúng tôi lúc nào cũng đón chào các tổ hợp tác, hợp tác xã, các hộ chăn nuôi quy mô lớn hợp tác. Đơn giản, bà con cần đầu ra ổn định thì chúng tôi cũng cần đầu vào chất lượng. Rất mong anh Trần Việt Dũng liên hệ với tôi để liên kết hợp tác", ông Dũng nhấn mạnh.
Liên quan đến câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết thêm: Người dân thường hay quan tâm tôi thực hiện cái này, cái kia, thực hiện VietGAP, thực hành chăn nuôi tốt thì có bán được giá cao hơn không mà lại không quan tâm là khi sử dụng các biện pháp này thì chất lượng thịt tăng, đảm bảo an toàn cho vật nuôi, lượng thức ăn giảm mà sản lượng vẫn tăng... Đó chính là những lợi ích đầu tiên mà bà con nên lưu tâm.
Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) (bên phải) kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi ủ men vi sinh độc đáo tại một trang trại chăn nuôi lợn ở Hưng Yên.
Cũng vì thế mà thời gian gần đây, Bộ NNPTNT đã phối hợp với tỉnh Bắc Giang triển khai một loạt các mô hình an toàn sinh học trong nuôi gia cầm và đạt hiệu quả rõ rệt. Ví dụ, chỉ một hành động nhỏ là xông trứng thôi, đã giúp tăng khả năng ấp nở thành công cao hơn rất nhiều. Đó là những thứ mà người chăn nuôi không nhìn thấy hoặc chưa nhận ra khi triển khai các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học.
"Vì những lý do trên tôi khuyên bà con nên ứng dụng các chương trình thực hành an toàn trong chăn nuôi. Bởi nếu muốn xuất khẩu được sản phẩm thịt thì phải truy xuất được nguồn gốc, mà muốn truy xuất nguồn gốc phải có quy trình thực hành an toàn, phải có mã định danh quốc gia cho các sản phẩm gia cầm... Tất cả những điều đó chỉ có được khi áp dụng các chương trình thực hành an toàn sinh học trong chăn nuôi", ông Trọng khuyến cáo.
Ông Trọng lưu ý người chăn nuôi muốn sản xuất bền vững thì cần phải có các chi hội, tổ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, đó chính là sản xuất theo chuỗi. Trong chuỗi thì vấn đề liên kết của các hộ chăn nuôi phải được đặt lên hàng đầu, và không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp.
"Bà con cũng cần tuân thủ nghiêm việc thực thi các cam kết tiêu thụ, không thể được giá thì bán ra ngoài, giá rẻ lại quay lại bán cho doanh nghiệp. Nếu còn giữ tư duy đó thì chắc chắn không bao giờ chúng ta thành công trong mô hình chăn nuôi an toàn bền vững", ông Trọng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.