Nuôi lợn, gia cầm bền vững: Lập “hàng rào” an toàn sinh học

Thiên Hương Thứ hai, ngày 09/09/2019 11:27 AM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), tổng đàn lợn cả nước đã giảm khoảng 18,5%, trong đó riêng đàn nái giảm khoảng 20% (tương đương 3,2 triệu con). Để bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cơ cấu lại sản xuất chăn nuôi, chú trọng đẩy mạnh đàn gia cầm, đại gia súc...
Bình luận 0

Đó là nội dung được chia sẻ tại hội nghị phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học (ATSH) và nuôi gia cầm bảo đảm tính bền vững các tỉnh phía Nam, do Bộ NNPTNT phối hợp tỉnh Bến Tre tổ chức cuối tuần qua.

Chăn nuôi thiệt hại lớn

Theo ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ tháng 2/2019, DTLCP xảy ra tại Việt Nam và đến nay vẫn diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ngành nông nghiệp. Cụ thể, tính đến ngày 3/9/2019, bệnh DTLCP đã xảy ra ở hơn 7.000 xã thuộc hơn 600 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn chết và phải tiêu hủy gần 4,7 triệu con, tổng trọng lượng là 270.000 tấn (chiếm 7% tổng trọng lượng thịt lợn của cả nước).

img

Thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi lợn và khu vực xung quanh.  Ảnh:  khuyennongvn 

Theo nhận định của Cục Thú y, hiện số xã và số lợn buộc phải tiêu hủy theo ngày hoặc theo tháng có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, do chưa có thuốc điều trị và vaccine phòng bệnh; virus DTLCP tồn tại lâu ngoài môi trường, có sức đề kháng rất cao, đường lây truyền đa dạng, khó kiểm soát, trong khi chăn nuôi ở nước ta vẫn chủ yếu quy mô hộ gia đình, mật độ cao, khó thực hiện các biện pháp an toàn sinh học…, khiến nguy cơ DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng: Lây lan nhanh đến các địa bàn chưa có dịch, tái phát tại các ổ dịch cũ đã qua 30 ngày, xâm nhiễm vào các trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.

Theo ông Phạm Văn Đông, giải pháp hạn chế dịch bệnh trên lợn nói chung và bệnh DTLCP nói riêng là áp dụng biện pháp chăn nuôi ATSH. “Đây là “vũ khí” số một để phòng chống dịch bệnh, đồng thời người chăn nuôi có thể kết hợp sử dụng các chế phẩm ATSH nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi” - ông Đông nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, thời gian tới Cục sẽ triển khai đồng bộ các nhóm giải phát triển chăn nuôi lợn và gia cầm bền vững, như xác định rõ đặc trưng, lợi thế của từng vùng đối với chăn nuôi lợn để điều chỉnh, tập trung nguồn lực cho sản xuất; từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm thịt lợn.

“Vũ khí” phòng chống dịch bệnh

Chia sẻ tại hội nghị, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh, bệnh lở mồm long móng vừa được khống chế thì lại bị DTLCP tấn công. Đến nay đã có 43 xã thuộc 8 huyện, thành phố (trừ huyện Bình Đại) có dịch, thiệt hại khoảng 10.500 con lợn. Mới đây, lại xuất hiện 1 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà, phải tiêu hủy hơn 1.000 con.

“Nếu thực hiện triệt để chăn nuôi ATSH thì bà con có thể khống chế, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh. Chúng tôi mong muốn từ hội nghị này, sẽ tìm ra những giải pháp áp dụng hiệu quả mô hình chăn nuôi ATSH, giúp người chăn nuôi yên tâm bám nghề và có thể làm giàu” - ông Trọng nói.

Ngoài đàn lợn hiện còn 22,2 triệu con, đến hết năm 2018 tổng đàn gia cầm nước ta đạt 409 triệu con, sản lượng thịt gần 1,1 triệu tấn, sản lượng trứng 11,6 triệu quả; trong đó có 317 triệu con gà (chiếm 77,5%) và 92 triệu con thủy cầm (22,5%).

TS Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết thêm, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đã xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi ATSH trên khắp cả nước, qua đó giúp nâng cao nhận thức người chăn nuôi trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học phòng chống dịch bệnh. Tới đây trung tâm sẽ tập trung truyền truyền, xây dựng bộ tài liệu hoàn chỉnh, tập huấn về ATSH trong chăn nuôi lợn, gia cầm cho nông dân.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, chăn nuôi ATSH đã được chú trọng nhiều năm qua. Trong bối cảnh DTLCP như hiện nay, càng cho thấy ATSH là giải pháp vô cùng quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh, bảo đảm sản phẩm chăn nuôi an toàn. Thực tế đã có nhiều mô hình, cơ sở chăn nuôi, trang trại áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi ATSH và hiệu quả đã được khẳng định. 

Do vậy, theo ông Tiến, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi quy mô trang trại, công nghiệp, chăn nuôi ATSH, ưu tiên theo hướng hữu cơ, gắn với sản xuất theo chuỗi sản phẩm; đặc biệt chú trọng đến khâu giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chính quyền các địa phương tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất như liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, ngành hàng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem