Nuôi lợn thay voi chầu thần

Thứ năm, ngày 19/04/2012 14:37 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở miền duyên hải chỉ có sóng vờn cát trắng, tầm được voi đâu dễ, vậy là người dân bán đảo Trà Cổ (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) đã chọn phương án nuôi "ông lợn" thế chỗ "ông voi"...
Bình luận 0

Thực hiện nghi lễ tạ ơn các bậc tiền nhân đã có công chỉ lối để khai hoang, khẩn đất, đáng nhẽ phải dâng voi trận, nhưng ở miền duyên hải chỉ có sóng vờn cát trắng, tầm được voi đâu dễ, vậy là người dân bán đảo Trà Cổ (TP. Móng Cái, Quảng Ninh) đã chọn phương án nuôi "ông lợn" thế chỗ "ông voi"...

Theo lệ hàng năm, cứ vào đầu tháng 6 âm lịch, thuận cùng mùa màng và kinh tế của bà con mà tổ chức lễ đền, nhưng dù là lễ to hay nhỏ đều không thể thiếu thủ tục dùng lợn thay voi để chầu thần. Lễ đền chỉ diễn ra trong 2 ngày nhưng bà con phải cầu kỳ chuẩn bị trước đó cả năm, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là phải nuôi đủ 12 "ông voi" (tức 12 con lợn trắng).

img
Nghi lễ chấm ông voi để thờ.

Mỗi năm dân đảo cử ra 12 người gọi là những ông đám để đảm trách nhiệm vụ, mỗi người dưỡng một "ông voi". Không phải ai cũng có thể trở thành ông đám bởi tiêu chí của tục lệ rất khắt khe, phải ở trong độ tuổi từ 25 - 35, gia đình hoà thuận, không có tang ma, nhân phẩm được bà con tôn trọng.

Ngày trước còn có quy ước, khi một người đàn ông được chọn làm ông đám thì cả năm đó không được gần gũi vợ, không được ăn tiết canh hay thịt chó, mèo, không được phép nói tục, chửi bậy. Ngày nay, quy định nới lỏng hơn, ông đám đã được gần vợ nhưng năm ấy không được có con, nếu ai vi phạm phải biện lễ ra đền thỉnh tội và xin xí xóa.

Đã từ bao đời nay, trên bán đảo Trà Cổ chưa có trường hợp nào từ chối khi được cộng đồng lựa chọn trao cho chức vụ ông đám. Sau khi lựa chọn, vào độ tháng Giêng của năm tại đền thiêng, 12 ông đám sẽ tham gia lễ bốc thăm để chọn "ông voi" mình được chăm sóc và mang về nhà nuôi.

Đến đúng ngày lễ chính đền, 12 ông đám tắm rửa sạch sẽ cho "ông voi" rồi dẫn về đình để tham gia nghi lễ chọn lựa 3 “ông voi” tiêu biểu nhất đem tế thần. 3 “ông voi” có tướng mạo đẹp, da dẻ hồng hào, vòng ức rộng, chân vững chãi… nhất sẽ được trao giải và lựa chọn để làm lễ thờ. Thờ xong, "ông voi" được trả lại cho ông đám. Người giàu thì làm thịt và chia cho anh em, làng xóm, còn gia đình khó khăn có thể đem bán để trang trải kinh tế gia đình...

"Khác với cách nuôi lợn bình thường, nuôi lợn theo tiêu chuẩn “ông voi” phải sạch sẽ, thức ăn cho ông đầy đủ không khác gì người ăn. Điều tối kỵ khi nuôi “ông voi” là không được gọi lợn, chuồng lợn... mà phải gọi là “ông voi”, nhà “ông voi”, cho “ông voi” ăn. Nếu vi phạm điều ấy, chắc chắn “ông voi” của gia đình sẽ không còn thiêng nữa..." - ông Vũ Văn Lượng, cư dân kỳ cựu ở Trà Cổ chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem